Phát triển công nghiệp phụ trợ để chủ động kinh tế trong mọi tình huống

24/05/2014 14:30 GMT+7

(TNO) Trao đổi với báo giới bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay 24.5, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh nhiều giải pháp để nền kinh tế Việt Nam chủ động trước mọi tình huống, trong đó điểm nhấn là phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ.

(TNO) Trao đổi với báo giới bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay 24.5, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh nhiều giải pháp để nền kinh tế Việt Nam chủ động trước mọi tình huống, trong đó điểm nhấn là phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ.

>> Mối nguy nhập siêu từ Trung Quốc
>> Nhập siêu từ Quảng Đông (Trung Quốc) tăng trên 61%
>> Hội hữu nghị Việt - Nga phản đối việc vu khống Việt Nam trong vụ giàn khoan
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Quốc hội yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981

Phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng qua có nhiều ý kiến đề nghị tăng cường nội lực của nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Theo ông cần làm gì để đạt được mục tiêu này?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Đến thời điểm này, yêu cầu phát huy nội lực để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế VN đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Để làm được việc đó, mục tiêu đầu tiên là phải nâng cao được năng suất lao động và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dù rằng không có vấn đề gì từ bên ngoài thì yêu cầu đó là tất yếu.

Mấy năm gần đây, do khó khăn, tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế, cộng với yếu tố nội tại của mình có nhiều bất cập nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là khu vực nước ngoài. Điều đó cũng phản ánh doanh nghiệp trong nước hiện đang khó khăn, tỷ trọng đóng góp của họ cũng đang ngày càng giảm đi. Thực tế này đang làm mất đi tính tự chủ của chúng ta.

Nói về kinh tế thuần khiết thì nó không tạo ra sự ổn định kinh tế bền vững, lâu dài. Phát triển quá lệ thuộc bên ngoài bằng xuất khẩu mà không dựa vào thị trường trong nước thì cũng dẫn đến mất cân đối, ổn định.

Chính vì vậy chúng ta đặt ra phải tái cơ cấu, trong các yếu tố quan trọng là vấn đề thể chế, phải bỏ được tất cả các rào cản ảnh hưởng hạn chế phát triển mọi tổ chức cá nhân, làm thế nào phát huy được năng động sáng tạo của mọi thành phần kinh tế, mọi chủ thể kinh tế cá nhân.

Cho nên bây giờ chúng ta phải tạo ổn định về nhiều mặt cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và mọi chủ thể, trong đó có chủ thể nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Đồng thời, phải có giải pháp, biện pháp hết sức tinh tế để tạo điều kiện cho chủ thể doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển tốt.

Trong cán cân xuất nhập khẩu cho thấy, nhập siêu của mình từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc rất lớn. Làm thế nào giảm bớt tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc thưa ông, nhất là đối với những mặt hàng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự sản xuất?

Để giảm được nhập siêu, nhập khẩu từ nước ngoài quá nhiều cũng như nhập khẩu từ Trung Quốc quá lớn như hiện nay, quan trọng vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế. Phải phân tích kỹ lưỡng chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng gì, nhập về hàng gì.

Hiện nông sản chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng hơn 30%, đồng thời chúng ta nhập từ Trung Quốc rất nhiều máy móc nguyên liệu phục vụ sản xuất. Phần phục vụ cho dệt may, da giày cũng đáng kể. Chúng ta lại còn nhập khẩu những mặt hàng trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất được, vì vậy phải nâng cao nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước và phải sản xuất được những mặt hàng chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất được, không nhất thiết phải đi nhập những mặt hàng hết sức đơn giản ví dụ như cái tăm, đôi đũa, thức ăn chăn nuôi…

Việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất chúng ta cũng cần cân nhắc nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường. Tuy vậy, việc đa dạng hóa các thị trường chúng ta cần có lộ trình thời gian, bởi vì sự thực là các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc hiện nay để phục vụ cho dệt may, da giày khá rẻ.

Một điểm nữa hết sức quan trọng để thay đổi cơ cấu nhập siêu là hàng công nghiệp phụ trợ của chúng ta hiện nay đang rất kém, cho nên vừa qua chúng ta sản xuất các mặt hàng mang tính gia công, lắp ráp nhưng cứ nhập các nguyên liệu phụ liệu nước ngoài về để lắp ráp, thì rất nguy hiểm, vì giá trị gia tăng đem lại rất thấp, lại tăng nhập siêu. Chính vì vậy cần phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Quay trở lại tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu công nghiệp thì phát triển công nghiệp phụ trợ là hết sức quan trọng. Thêm vào nữa, chúng ta cần đa dạng hóa các nhà đầu tư nước ngoài, nếu các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh ngay tại Việt Nam thì sẽ giúp chúng ta tham gia vào chuỗi sản xuất của thế giới, của toàn cầu. Điều này sẽ góp phần giúp chúng ta hạn chế nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu ở một số thị trường cụ thể, trong đó có Trung Quốc.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng đến thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này mới tính đến tăng cường tự chủ về kinh tế để không lệ thuộc vào kinh tế của nước khác là quá chậm?

Không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề này, chỉ khác là bây giờ rõ nét hơn. Chúng ta nhận thức từ lâu rồi, Đảng và Nhà nước đã đặt ra nhưng nó chưa thấm vào bộ óc của từng cá nhân, từng người chịu trách nhiệm trong hệ thống chính trị của chúng ta. Tôi nghĩ bây giờ là thời khắc mỗi người chúng ta đều phải nhận rõ trách nhiệm này, nếu cùng đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết sẽ thực hiện được mục tiêu về tự chủ kinh tế, thoát khỏi những khó khăn trước mắt cũng như về lâu dài.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.