Du lịch vì hòa bình

06/05/2012 03:22 GMT+7

Du lịch VN có một sản phẩm thế mạnh đặc thù nhưng chưa được các công ty trong nước quan tâm khai thác để tạo nên sự khác biệt, đó là lịch sử hào hùng của dân tộc.

Mát xa thay bóp cò

Tham quan địa đạo Củ Chi, đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay Hội trường Thống Nhất… thường chỉ là phần nhỏ trong chương trình khám phá VN mà các công ty du lịch giới thiệu đến du khách nước ngoài. Những điểm nhấn trong chương trình bao giờ cũng là cảnh đẹp, ẩm thực, văn hóa, ca nhạc… Trong khi đó, từ 20 năm nay, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã hình thành nên loại hình du lịch vì hòa bình. Đông đảo du khách nước ngoài thích thú với sản phẩm du lịch đặc thù này, bao gồm nhiều thành phần như cựu chiến binh, học sinh, sinh viên. Có khách quay lại mỗi năm hai lần, mỗi lần ở VN một tháng. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng, du lịch vì hòa bình ra đời từ nhu cầu thực tế của nhiều du khách. Họ đã đến bảo tàng bày tỏ nguyện vọng được gặp, giao lưu với những nhân chứng chiến tranh người Việt.

 

Vẻ đẹp vật chất mang người ta đến với bạn, còn vẻ đẹp về tinh thần mới là thứ khiến người ta phải quay trở lại

Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Bà Vân kể, không biết bao lần bà chứng kiến cảnh gặp gỡ đầy thân mật và tràn nước mắt giữa các cựu chiến binh VN và Mỹ, Úc, Hàn Quốc từng tham chiến ở VN. Có những câu chuyện bà không thể nào quên được, như vợ chồng bác sĩ vật lý trị liệu John Fisher người Mỹ cùng đoàn bạn bè đến VN, vào bảo tàng nhờ giúp được gặp các cựu chiến binh VN. Sau màn giao lưu, đàn hát, vợ chồng vị bác sĩ (người chồng từng ở chiến trường VN) đề nghị được mát xa cho các cựu chiến binh VN. Hóa ra, họ đã mang đến VN những chiếc giường mát xa và tận tay xoa bóp lên cơ thể không còn lành lặn của người từng đối đầu với mình. Từ đó, mỗi năm 2 lần, mỗi lần 1 tháng, vợ chồng họ trở lại VN để hướng dẫn, giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh điều trị di chứng. “Những vị khách này tự chủ mọi chi tiêu, tự thuê khách sạn mà không nhờ vả bất cứ điều gì của phía VN. Ngoài việc làm thiện nguyện, họ sống như một du khách”, bà Vân nói.

Nhiều du khách nước ngoài không hiểu vì sao một đất nước nghèo nàn, lạc hậu như VN thế kỷ trước lại có thể đánh bại Pháp, Nhật, Mỹ. Họ cho rằng người VN chắc chắn phải rất thiện chiến và hiếu chiến. Họ đã tìm đến đất nước này để tìm hiểu câu chuyện đó. Nhưng khi đến đây, họ càng bất ngờ hơn về sự hiếu hòa của người Việt. Họ không thể hiểu làm sao mà người Việt lại có lòng bao dung đến mức có thể tiếp chuyện một cách thân tình, đàn hát chung với những người đã từng là kẻ thù. Tất cả những điều đó làm cho du khách bất ngờ, xúc động và họ muốn quay trở lại VN để cùng chung tay xây dựng hòa bình. Từ thực tế đó đã dần hình thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

 Du lịch vì hòa bình
Một bác sĩ người Mỹ đang mát xa cho cựu tù chính trị, cựu chiến binh VN  - Ảnh: bảo tàng chứng tích chiến tranh cung cấp

Mỏ vàng

“Vẻ đẹp vật chất mang người ta đến với bạn, còn vẻ đẹp về tinh thần mới là thứ khiến người ta phải quay trở lại”, bà Vân chia sẻ. Theo báo cáo của bảo tàng, năm 2007, nơi đây đón trên 380.000 lượt khách thì đến năm 2011, con số này đã tăng lên 660.000, trong đó có hơn 400.000 khách nước ngoài. Theo bà Vân, khách nước ngoài rất thích với loại hình du lịch độc đáo này. Nhiều người khi tham gia được một lần, năm sau họ lại quay lại và dẫn theo người thân, bạn bè hoặc ít nhất cũng rỉ tai nhau về loại hình du lịch này. Đó là một trong những lý do làm cho lượng du khách đến với bảo tàng không ngừng tăng lên.

Trong tổng số khách đến với bảo tàng thì có đến 1/3 là người trẻ. Có nhiều đoàn khách là học sinh, sinh viên được các trường đưa đến VN du lịch, có đoàn học sinh Nhật Bản lên đến 500 người. Đối tượng khách này thường ở trong những khách sạn 4 - 5 sao và chi tiền khá mạnh. Điều này cho thấy khả năng mở rộng thị trường của du lịch vì hòa bình với đối tượng này là rất lớn. “Đây là mỏ vàng của ngành du lịch mà từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm”, bà Vân khẳng định.

Du lịch vì hòa bình là loại hình du lịch được nhiều công ty lữ hành nước ngoài hướng đến. Công ty Center Tourist của Nhật đã khai thác dịch vụ này từ nhiều năm. Hằng năm, họ thường xuyên tổ chức đưa học sinh trung học sang VN để tham quan, học tập và trở về nước vận động giúp đỡ những người họ đã từng gặp. Học sinh Mỹ, Úc... cũng thường được các công ty đưa đến bảo tàng. Nhiều du khách ba lô dành đến 3 ngày để tìm hiểu bảo tàng thật tường tận.

Du lịch thường được chia thành hai mùa cao điểm và thấp điểm trong một năm. “Nhưng du lịch vì hòa bình thì lúc nào cũng là mùa cao điểm”, bà Vân khẳng định. Rồi bà gợi ý có thể dựa vào các ngày lễ, kỷ niệm trong năm để tổ chức hoạt động theo những chủ đề khác nhau để thu hút khách như: Tình yêu trong chiến tranh nhân ngày 14.2; Những người phụ nữ trong chiến tranh nhân dịp 8.3... 

Quá ít điểm đến

Hiện VN có các điểm đến cho du lịch vì hòa bình như địa đạo Củ Chi ở miền Nam; miền Trung có địa đạo Vịnh Mốc, khu DMZ (khu phi quân sự); miền Bắc có cầu Long Biên, nhà tù Hỏa Lò, Điện Biên Phủ. Số điểm đến như vậy so với bề dày lịch sử của dân tộc là quá ít.

Các công ty du lịch thừa nhận, họ đã chưa khai thác được chuỗi giá trị của các di tích chiến tranh, chưa đi vào chiều sâu, trong khi đây là một sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh du lịch nơi đâu cũng phô trương vẻ đẹp nhân tạo.

N.Trần Tâm - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.