Chiến dịch chống tham nhũng của FBI - Kỳ 1: “Trận đánh” ở mọi cấp

17/12/2008 09:58 GMT+7

Vụ xìcăngđan thống đốc bang Illinois Rod Blagojevich “rao bán” ghế thượng viện của tổng thống đắc cử Barack Obama đã khiến nước Mỹ bàng hoàng. Bản danh sách đen các chính trị gia suy đồi lại có thêm những quan chức cấp cao.

Năm 2008 là một năm mà lòng tin của người dân Mỹ đối với quan chức chính quyền các cấp bị thử thách một cách nghiêm trọng vì nạn tham nhũng. Tuy nhiên, các vụ phanh phui cũng cho thấy hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng mà Cục Điều tra liên bang (FBI) đang thực hiện trên khắp cả nước trong vài năm qua.

Chống tham nhũng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của FBI, bên cạnh chống khủng bố, gián điệp và tội phạm trên mạng. Nguồn tin FBI cho biết trong năm năm qua, số lượng đặc vụ làm việc trong lĩnh vực chống tham nhũng đã tăng 50%.

Hiện tại, FBI đang điều tra hơn 2.500 vụ án tham nhũng, tăng hơn 50% kể từ năm 2003. Chỉ trong hai năm qua, hơn 1.800 quan chức địa phương, bang, liên bang đã bị kết án. “Chúng tôi đã tự đặt ra câu hỏi là có phải do chúng tôi hiệu quả hơn hay ngày càng có nhiều người tham nhũng hơn - điệp viên FBI Frank Figliuzzi nói - Câu trả lời là cả hai”.

Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patrick Leahy còn muốn giúp FBI hơn nữa. Ông Leahy vừa đề xuất chi 100 triệu USD trong vòng bốn năm tới để FBI tuyển thêm người chống tham nhũng. “Vệt đen tham nhũng đã lan ra toàn bộ các cấp chính quyền - ông Leahy khẳng định - Đây là vấn đề của toàn nước Mỹ, nó biến tất cả mọi người trở thành nạn nhân khi cướp đi nền tảng cơ bản của nền dân chủ”. Đặc vụ Figliuzzi cho biết để loại bỏ “vệt đen” này, FBI đang quyết tâm mở những “trận đánh” ở mọi cấp độ và quy mô.

Lớn không thoát, nhỏ không tha

“Chuỗi tội phạm tham nhũng chính trị” của thống đốc Illinois Blagojevich là một trong những vụ án ở cấp chính quyền cao nhất mà FBI thực hiện thời gian qua. “Tin nổi không, một thống đốc đương nhiệm bị nghe lén! - ông Ellen Podgor, hiệu trưởng Trường luật ĐH Stetson (Florida), nhận định - Điều đó cho thấy FBI đang tấn công ở cấp cao nhất, tới những thống đốc và thị trưởng. Họ không còn chỉ truy đuổi những công chức quèn nữa”. Có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể bị “sờ gáy”.

Điệp viên FBI Robert Grant trả lời báo chí về vụ bắt giữ thống đốc bang Illinois Rob Blagojevich - Ảnh: Reuters

Quả đúng như vậy, trước vụ Blagojevich, hồi tháng 10 thượng nghị sĩ đến từ bang Alaska Ted Stevens bị kết án vì tội nhận hối lộ hàng trăm nghìn USD. Là một trong những chính khách Cộng hòa giữ ghế trong thượng viện lâu kỷ lục, ông Stevens có thể sẽ phải ngồi tù đến 35 năm. Một trường hợp đáng chú ý nữa là vụ hạ nghị sĩ đến từ bang Louisiana William Jefferson đang chờ hầu tòa vào đầu năm 2009 sau khi FBI phát hiện ông này giấu 90.000 USD trong tủ lạnh. Danh tiếng bị hoen ố, cả hai đã thất bại trong các kỳ bầu cử thượng và hạ viện hồi tháng 11 và 12 vừa qua.

Ở cấp thấp hơn, ngày 1-12 vừa qua, FBI đã bắt giữ Larry Langford, thị trưởng thành phố Birmingham (bang Alabama) với tội danh nhận hối lộ, rửa tiền... từ thời còn là chủ tịch hội đồng hạt Jefferson ở bang Alabama hơn 10 năm trước. FBI đã lật lại điều tra các hoạt động của Langford từ năm 1996. Trong thời gian đó, Langford đã nhận hối lộ 235.000 USD từ doanh nhân William Blount để giúp công ty của Blount kiếm lời 7,1 triệu USD trong các hợp đồng phát hành trái phiếu của hạt. Ngoài ra, Blount còn giúp Langford vay 50.000 USD để thanh toán những khoản chi tiêu vung vãi của ông ta vào các loại đồ trang sức và quần áo sang trọng. Số năm tù Langford phải đối mặt lên đến hàng chục.

Một vụ án đầy ly kỳ khác là vụ thượng nghị sĩ da đen đầu tiên của bang Massachusetts Dianne Wilkerson bị FBI gài bẫy. Bà Wilkerson, bị bắt ngày 28-10 và buộc phải từ chức ngày 19-11 vừa qua, bị FBI điều tra suốt 18 tháng qua vì lạm quyền trục lợi. Một doanh nhân muốn xin giấy phép bán rượu cho quầy bar sắp mở bị bà Wilkerson vòi tiền khiến doanh nhân này quay sang hợp tác với FBI. Các điệp viên FBI đóng giả người đi cùng doanh nhân này đến đưa hối lộ cho bà Wilkerson.

Tổng cộng bà Wilkerson đã nhận tám phong bì với số tiền lên đến 23.500 USD. Trong một số lần, bà Wilkerson đã nhét phong bì tiền vào cả áo lót. Toàn bộ những cuộc đưa phong bì và các cuộc nói chuyện của bà Wilkerson với doanh nhân này được các nhân viên FBI quay phim và ghi âm lại bằng máy quay siêu nhỏ. Wilkerson có thể bị phạt tù 20 năm và nộp phạt 500.000 USD.

“Vũ khí tối thượng”

Bức ảnh chụp từ đoạn băng video quay cảnh thượng nghị sĩ bang Massachusetts Dianne Wilkerson giấu phong bì tiền đút lót vào áo ngực - Ảnh: AP

Điệp viên FBI G.B. Jones, người tham gia điều tra vụ án Blagojevich, cho biết các chiến dịch điều tra án tham nhũng của quan chức chính quyền luôn cực kỳ khó khăn. “Nếu chúng tôi thực hiện một cuộc điều tra nhạy cảm và phải liên hệ với rất nhiều người thì chúng tôi sẽ phải cẩn thận về việc ai biết nhiều đến đâu”. Các điệp viên FBI khẳng định khi đối tượng là một nhân vật cấp cao, nghe lén điện thoại là vũ khí hiệu quả nhất để thu thập bằng chứng.

Luật sư Patrick Collins, người “tiễn” cựu thống đốc Illinois George Ryan vào tù vì tội tham nhũng, cho biết các cuộc đàm thoại bị ghi âm là bằng chứng tốt nhất trong mỗi vụ án. “Có bằng chứng từ các cuộc nghe lén có nghĩa là nghi phạm tự mình thú tội, khiến sự xác thực của vụ án được khẳng định mạnh mẽ”. Các thiết bị nghe lén, quay lén thường khá tốn kém, tuy nhiên các điệp viên FBI khẳng định chúng đáng đồng tiền bát gạo, mà vụ bà Wilkerson là một minh chứng điển hình.

Vậy FBI đã làm như thế nào trong vụ Blagojevich? Ông Robert Grant, lãnh đạo lực lượng FBI ở Chicago, cho biết ban đầu để được phép nghe lén với mục tiêu bắt tận tay, day tận trán, FBI phải xin trát tòa từ chánh án tòa án Chicago James Holderman sau khi trình ra những bằng chứng cho thấy Blagojevich tham nhũng. Sau khi nhận được trát tòa, thay vì đột nhập vào dinh thống đốc để đặt “con bọ” nghe lén vào điện thoại, nhân viên FBI chỉ cần lọc các cuộc gọi đến nhà ông từ trung tâm chuyển mạng của công ty điện thoại.

Tuy nhiên, để nghe được các cuộc điện thoại gọi đến văn phòng thống đốc, các nhân viên FBI đã buộc phải đột nhập vào tòa nhà để cấy “bọ”. Ngoài ra, FBI còn đặt thêm một máy quay bí mật trong văn phòng ông Blagojevich để xác định ai là người thực hiện các cuộc nói chuyện.

Trên thực tế, theo số liệu của chính quyền, trong số hơn 2.200 đề xuất xin nghe lén mà FBI đưa lên tòa án trong năm ngoái, phần lớn đều nhắm vào các đối tượng buôn bán ma túy. Chỉ có một vài vụ nghe lén là để điều tra các quan chức. Tuy nhiên, năm nay FBI đã sử dụng nhiều hơn thứ “vũ khí tối thượng” trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong các vụ án lớn kể trên, biện pháp này đã đóng vai trò tối quan trọng để vạch mặt các quan chức hủ hóa và đưa họ vào tù.

Theo Hiếu Trung / Tuổi Trẻ
(tổng hợp)

Sau xìcăngđan thống đốc bang Illinois Rob Blagojevich, dư luận và truyền thông Mỹ đặt câu hỏi: “Bang nào là bang tham nhũng nhất tại Mỹ?”. Alaska được đánh giá là một trong những “ứng cử viên” nặng ký nhất.

Kỳ tới: Chiến dịch Alaska

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.