Đánh thức tiềm năng du lịch sông Đồng Nai

06/05/2013 09:38 GMT+7

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch đường sông, nhưng đến nay Đồng Nai vẫn chưa khai thác hết lợi thế này…

 

Muốn cho ngành du lịch đường sông hoạt động hiệu quả và phát triển cần tạo nên những điểm nhấn, định hình một bản sắc riêng. Tổ chức những trò chơi trên sông, như tết Qúy Tỵ vừa rồi đã tổ chức dịch vụ biểu diễn dù lượn làm cho người xem rất thích thú

Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở VHTT-DL Đồng Nai

Dọc sông Đồng Nai có rất nhiều điểm tham quan, du lịch như: Vườn bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); khu du lịch Bửu Long, làng cá bè Tân Mai (TP. Biên Hòa) và nhiều di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, như: chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, văn miếu Trấn Biên… Xuôi về Long Thành, Nhơn Trạch, thế mạnh có những vườn cây trái, những cù lao Ba Xê, cù lao Cỏ, Hiệp Hòa (Cù lao Phố) mang đậm nét sông nước miền Tây. Thế nhưng, những điểm du lịch này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Nhỏ lẻ và manh mún

Theo định hướng phát triển du lịch đường sông của tỉnh Đồng Nai, hiện nay Đồng Nai chỉ đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm sau đó kêu gọi đầu tư, xã hội hóa du lịch để phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng đầu tư chưa hoàn thiện, các bến, trạm dừng chân còn hạn chế và chưa chuyên nghiệp nên thiếu sức hấp dẫn, khó thu hút được nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở VHTT-DL Đồng Nai cho biết, trước năm 2010 Đồng Nai chưa có bến riêng phục vụ du lịch nên tàu thuyền du lịch phải đỗ chung các bến đò, bến vật liệu xây dựng. Đến năm 2010, những bến du lịch mới được xây dựng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay tuyến du lịch sông Đồng Nai có 4 bến đỗ đang khai thác phục vụ du lịch, đó là: Bến cầu dẫn trạm xe, tàu Nguyễn Văn Trị, bến đò cù lao Ba Xê, bến du thuyền Tín Nghĩa và bến dừng chân của cơ sở vườn bưởi Năm Huệ. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư xây dựng 2 bến đỗ, còn lại doanh nghiệp tự làm. Với thực trạng đang diễn ra hiện nay, ông Quyết thừa nhận du lịch đường sông ở Đồng Nai còn đang hoạt động nhỏ lẻ và manh mún.

Để cải thiện tình trạng này và hướng đến một tuyến du lịch đường sông đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, Sở VHTT-DL và Sở GTVT Đồng Nai đang phối hợp để rà soát và trình UBND tỉnh xem xét bổ sung thêm 7 bến đỗ thuyền du lịch vào quy hoạch. Theo dự kiến, những bến này phải được xây dựng đúng tiêu chí làm du lịch, đó là phải đẹp, an toàn, và phải có người đứng trạm tiếp đón có đủ trình độ chuyên môn để giới thiệu khách tham quan và chỉ sử dụng vào mục đích du lịch không xen vào các hoạt động khác.

Đánh thức tiềm năng du lịch sông Đồng Nai
Một góc công viên bờ sông đường Nguyễn Văn Trị (TP. Biên Hòa) - Ảnh: Lê Lâm

Điểm nhấn ở đâu?

Sông Đồng Nai đoạn qua thành phố TP. Biên Hòa hiện nay một phần đã làm bờ kè tạo cảnh quan, công viên rất đẹp bên dòng sông. Tuy nhiên, ở đây mới chỉ xây dựng được một đoạn bờ kè ngắn và phía bên địa phận Bửu Long còn để trống. Bên cạnh đó, tình trạng bơm hút cát đã làm dòng chảy của sông biến đổi, dẫn đến biến dạng cảnh quan hai bên bờ sông và gây ô nhiễm môi trường. Ở vùng Nhơn Trạch với lợi thế là những vườn cây ăn trái xum xuê nở đều bốn mùa, thủy sản phong phú thích hợp với du lịch chợ nổi giống như ở Cần Thơ, Hậu Giang. Bên cạnh đó còn có thể kết hợp du lịch rừng, về với Chiến khu Đ, tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa... thế nhưng ở những nơi này cũng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Quyết: “Muốn cho ngành du lịch đường sông hoạt động hiệu quả và phát triển cần tạo nên những điểm nhấn, định hình một bản sắc riêng. Tổ chức những trò chơi trên sông, như tết Qúy Tỵ vừa rồi đã tổ chức dịch vụ biểu diễn dù lượn làm cho người xem rất thích thú”- ông Quyết nói. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhà nước cần phát huy vai trò của mình trong việc phân phối hợp lý các nguồn lợi từ việc khai thác tuyến du lịch trên sông Đồng Nai. Mặt khác, thể hiện sự quan tâm của nhà nước bằng cách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch. Ưu đãi đầu tư cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia khai thác tuyến du lịch này.

Lê Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.