Rủi may chuyện xin học

06/05/2013 03:20 GMT+7

Dù còn 2 tháng nữa mới đến thời điểm các trường mầm non công lập mở cửa tuyển sinh cho năm học mới nhưng nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội giờ đã toát mồ hôi khi nghĩ đến viễn cảnh xin học cho con.

Dẫu chính quyền thành phố cam kết không để tái diễn cảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm xin học trước cổng trường mầm non nhưng điều này không có nghĩa là tất cả mọi nhu cầu học mầm non công lập của người dân đều được đáp ứng. Thậm chí, ở nhiều quận nội thành, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Sau bao năm tìm kiếm giải pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng thiếu chỗ học, các quận/huyện chỉ còn cách làm duy nhất: tổ chức cho phụ huynh học sinh bốc thăm. Đương nhiên, cách làm này không tạo thêm chỗ học, nó chỉ giúp các quan chức đỡ “ê mặt” khi phải nhìn những bức ảnh chụp các đám đông mệt mỏi trước cổng trường lúc 0 giờ. Nhẹ gánh chính quyền, nhưng nặng lòng người dân. Trên các diễn đàn, phụ huynh tiếp tục kêu than: “Ai bốc thăm trượt thì con phải nghỉ học ư?” Có vị còn bỡn: “Có bác nào hay trúng vé số không để em nhờ đi bốc thăm giúp con em?”.

Công bằng mà nói, lãnh đạo thành phố không thờ ơ trước những bức xúc về chỗ học của con em người dân, nhưng “lực bất tòng tâm”, khi mà họ cũng chỉ là những người chạy theo giải quyết tồn đọng từ những sai lầm trong hoạch định chính sách giáo dục. Hàng chục năm trời, khi cả nước tập trung lo phổ cập giáo dục tiểu học, rồi THCS thì giáo dục mầm non bị bỏ rơi. Thậm chí, nó còn được chính thức đẩy sang cho người dân với chủ trương “xã hội hóa” để 80% trẻ mầm non học ở các trường ngoài công lập, nhà nước chỉ đảm nhận 20% và đây là lý do để trong cả chục năm nhà nước hầu như không bỏ tiền ra xây thêm trường mầm non. Năm ngoái, trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhắc đến chủ trương này như một điển hình minh chứng cho nhận xét về một số “mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa một số chủ trương chính sách với thực tiễn khiến lãnh đạo chính quyền các địa phương phải đau đầu tính toán”.

Những trường và nhóm lớp tư thục là bến đỗ cuối cùng cho những người dân kém may mắn. Trong nhiều hội nghị, lãnh đạo ngành GD-ĐT đã bày tỏ sự hàm ơn với hệ thống trường - nhóm lớp tư thục này, kèm theo đó là băn khoăn vì họ chưa được hưởng những chính sách đãi ngộ xứng đáng. Chẳng hạn chỉ là một khoản hỗ trợ thường xuyên theo đầu học sinh như các trường công lập (hoặc ít hơn cũng được). Nhưng những đề xuất đó mãi đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, với mức độ rất dè dặt…

Lê Đăng Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.