Giun xoắn gây viêm

15/10/2012 10:07 GMT+7

Bệnh giun xoắn là bệnh rất phổ biến của heo vì heo là loài rất mẫn cảm với bệnh này mà vật chủ của chúng là người. Giun xoắn còn có nhiều ở giống heo cỏ, lợn mán thả rông ở các vùng núi; chó, mèo, ngựa...; những động vật hoang dại như cáo, gấu, lợn lòi, chó sói, chuột…

Hiện một số địa phương đã xảy ra tình trạng nhiễm giun xoắn. Kết quả xét nghiệm trong một vụ dịch vừa xảy ra tại tỉnh Yên Bái cho thấy trong thịt heo chế biến thành nem có tới 879 ấu trùng giun xoắn/g thịt và một con heo khác có 70 ấu trùng giun xoắn. Nhiều người dân tại thị trấn Mường Lát - Thanh Hóa cùng có biểu hiện sốt cao, phù nề, tiêu chảy, xét nghiệm 4 người có nhiễm giun xoắn...

Người mắc bệnh này do ăn phải thịt của động vật có kén giun xoắn chưa được nấu chín. Khi vào tới dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được thoát ra khỏi kén. Sau 1 - 2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập  niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4 - 5 và kéo dài trong vòng từ 10 - 30 ngày, giun xoắn cái đẻ ra ấu trùng trong các bạch mạch.
 
Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim, phổi rồi tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén và có khả năng gây nhiễm. Kén giun xoắn có khả năng tồn tại trong mô cơ khoảng 20 năm và vẫn giữ được khả năng gây nhiễm. Nếu không được xác định bệnh sớm để điều trị thì khả năng xảy ra một số biến chứng như viêm cơ, viêm phổi, viêm não, viêm ruột, làm bệnh nhân có thể tử vong.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản:

- Phù mi mắt là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể kèm theo phù và chảy máu kết mạc, đôi khi phù toàn bộ đầu, có khi phù cả cổ và chi trên.

- Đau cơ: Đau xuất hiện khi bệnh nhân thở sâu, ho, nhai, nuốt, khi đại tiện. Đau cả ở cơ mặt và cổ.

- Sốt: Thông thường thân nhiệt tăng dần và sau 2 - 3 ngày thì đạt tới tối đa. Nhiễm nhẹ, bệnh nhân sốt âm ỉ.

- Tăng bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan tăng trong những ngày đầu của bệnh…

Việc phát hiện đúng giun xoắn không dễ bởi đây là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu, dễ bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét...
 
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là kiểm dịch động vật, phát hiện thịt nhiễm giun xoắn và tuyệt đối không ăn các loại thịt chưa nấu chín như lòng lợn, tiết canh.

Theo Bác sĩ Hoàng Xuân Đại \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.