Căng thẳng chuyện riêng - chung

19/05/2012 09:22 GMT+7

Sau khi kết hôn, có được tổ ấm riêng là niềm mơ ước lớn lao của phần lớn các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng dù tiếp tục “chung một mái nhà” với cha mẹ, họ vẫn mong chờ ngày... được ra riêng.

Ban đầu, việc sống cùng cha mẹ dễ dàng được cô dâu chú rể mới chấp nhận và có sự đồng thuận cao trong gia đình.

Vui trước, buồn sau?

Nhiều cha mẹ thấy yên tâm vì con cái ở cùng để dễ dàng bảo ban, cùng sắp xếp cuộc sống, mọi người có điều kiện quan tâm chăm sóc lẫn nhau, đồng thời cũng có cơ hội “uốn nắn” người mới. Vợ chồng trẻ thì cảm thấy gần gũi gia đình, ở cùng cha mẹ đem lại cho họ cảm giác có cơ hội báo hiếu, không lo nghĩ việc mua nhà cửa, sắm sửa đồ dùng, tổ chức cuộc sống gia đình, cứ theo nếp nhà sẵn là được...

Song, với thời gian, mọi việc phát sinh một cách tự nhiên, sớm hay muộn, nhanh hay chậm, nhẹ nhàng hay dữ dội tùy thuộc tính cách, quan điểm, thói quen sinh hoạt, sự thích ứng, kỹ năng cuộc sống... của mỗi thành viên.

 

Việc ở chung với cha mẹ sau khi cưới cũng có nhiều mặt thuận lợi, thực tế cho thấy không ít cặp vợ chồng rất ổn khi sống cùng cha mẹ.

Cho đến khi vợ chồng trẻ sinh con niềm vui tưởng chừng vỡ òa, tưởng chừng những lấn cấn vụn vặt (như sự khác biệt lối sống, nếp nghĩ...) đến lúc có cơ hội hòa giải. Nhưng không hẳn vậy.

Ngay từ lúc biết giới tính đứa bé, riêng việc đặt tên con cũng đủ tạo một... trận chiến. Khi con ra đời, vợ chồng trẻ phân công nhau lịch pha sữa, thay tã, giặt đồ em bé, phụ huynh người lớn lại quan tâm “Con của con thì con lo, để con trai mẹ ngủ mới có sức mà đi làm chứ!”. Kế tiếp là trẻ ăn giặm món gì, chơi đồ chơi nào, mấy giờ đi ngủ, bao lâu thì cho ra đường chơi, chừng nào gửi nhà trẻ... tạo nên những “khó khăn tâm lý” đáng kể cho người lớn.

Đau đầu nhất chính là quan điểm trong việc nuôi con, dạy con. Người già có kinh nghiệm, người trẻ có kỹ năng cập nhật tri thức nhưng lại ít khi bổ sung cho nhau, thậm chí còn không chấp nhận nhau. Con gái nói “mẹ đừng cho cháu ăn món đó, nhiều hàn the không tốt cho sức khỏe”, mẹ nói “hồi nhỏ mày toàn thích ăn mấy thứ này”; con trai nói “ba mẹ đừng ôm cháu hoài, nó nhõng nhẽo”, ông bà bảo “các con lớn còn thích ôm nhau nói gì con nít”. Cha mẹ quyết tâm “phải nghiêm khắc với con cho nó có nề nếp”, thì ông bà khẳng định “như vậy ác với trẻ con, không có tình thương”; cho con đi học sớm để tạo tính tự lập, chẳng may con bị ốm thì cha mẹ cũng “rêm mình” với ông bà và khó có cơ hội sớm đưa con quay lại trường...

Điểm đến của những điều này là gì? Thông thường nhất là sự mệt mỏi, căng thẳng của các thành viên, không khí ngột ngạt trong gia đình bắt đầu phát sinh. Hơn thế, có thể nảy sinh xung đột dẫn đến cãi vã khi không còn sự khách sáo ban đầu. Nếu dồn nén nhiều ngày không giải quyết được, chắc hẳn một ai đó sẽ bị stress. Có những ông bố bà mẹ dù rất thương con, nhớ con, nhưng cứ lao vào công việc, kiếm thêm việc để làm mà không ý thức được mình đang bị bệnh “sợ về nhà”. Ông bà thì buồn phiền, sa sút sức khỏe vì quan tâm chăm sóc con cháu mà không được hồi đáp như mong muốn...

Quyết định kịp thời

Để tránh những tổn hại về tinh thần ngoài tầm kiểm soát, để vợ chồng trẻ trưởng thành hơn, để bố mẹ thảnh thơi tuổi già hơn, việc ra riêng và ra riêng đúng lúc của vợ chồng trẻ là thật sự cần thiết. “Mỗi nhà mỗi cảnh”, có thể ra riêng ngay từ đầu, có thể ở cùng cha mẹ một thời gian rồi ra riêng, có thể ở riêng nhưng ăn chung, có thể năm ngày riêng hai ngày chung (cuối tuần về thăm và sinh hoạt gia đình với ông bà), có thể chọn chỗ ra riêng gần ông bà để có điều kiện chăm sóc nhau...

Tuy vậy, khi quyết định ra riêng, các cặp vợ chồng trẻ phải lường trước một số khó khăn để chuẩn bị cho thấu đáo:

- Về tài chính: việc mua nhà hay thuê nhà cần đến khoản chi phí rất lớn.

- Về thời gian: phải dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái, nhà cửa khi không có cha mẹ bên cạnh, cùng với việc sắp xếp thời gian chạy đi chạy về thăm nom cha mẹ.

- Về tâm lý: có thể cha mẹ giận khi con đòi ra riêng; khi vợ chồng bất đồng dễ dẫn đến cãi nhau, xô xát khi không còn phải lo cả nể cha mẹ như lúc trước.

- Hoàn cảnh neo đơn của gia đình, sức khỏe của cha mẹ khi đã lớn tuổi...

Suy cho cùng, dù ở chung hay ở riêng, trên nền tảng tình yêu thương lớn lao dành cho nhau, các thành viên của hai thế hệ nên có sự cảm thông chia sẻ, biết đặt mình vào vị trí của người khác, đối xử tôn trọng sự khác biệt của nhau thì sẽ luôn giữ được hòa khí trong gia đình, tránh được những kết cục không mong muốn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.