Chăm sóc trẻ bị sởi

05/05/2014 03:00 GMT+7

Dịch sởi lan rộng trên toàn quốc với 80 - 90% các trường hợp mắc là trẻ nhỏ. Bệnh gây suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh sẽ giảm các tai biến nguy hiểm.

Chăm sóc trẻ bị sởi 1
Trứng, sữa là thực phẩm giúp trẻ mắc sởi sớm hồi phục sức khỏe - Ảnh: Shutterstock

“Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với vi rút sởi. Việc điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng (sốt, ho, tiêu chảy, viêm kết mạc mắt). Đặc biệt việc nâng cao miễn dịch, chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng hỗ trợ cho phòng ngừa biến chứng.

“Trẻ bị mắc sởi dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí suy dinh dưỡng nặng thêm bởi trẻ ăn kém do viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã, nhiễm nấm Candida hoặc Herpes. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh sởi rất cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ”, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lưu ý.

Tình trạng sốt, tiêu hao năng lượng, mất nước, chán ăn, bỏ ăn do nhiễm vi rút, do rối loạn nước điện giải, do viêm niêm mạc miệng. Đặc biệt, cơ thể sẽ tăng tốc độ dị hóa gây tiêu cơ, tăng nhu cầu năng lượng, do đó mắc sởi rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Về dinh dưỡng, những ngày đầu tối thiểu đạt 70%, sau tăng dần đến 100% nhu cầu. Khi hết sốt, trẻ ăn được cần tăng thêm 10 - 20% nhu cầu. Nên sử dụng các thực phẩm: sữa, trứng, các loại thịt, cá nạc; gạo, bột gạo, mì, khoai tây, đường, đồ ngọt; chất béo là các loại: dầu đậu nành, dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng. Các loại quả tươi, rau xanh. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, B, C, D, kẽm...

Chăm sóc trẻ bị sởi 2
Trái cây tươi là thực phẩm giúp trẻ mắc sởi sớm hồi phục sức khỏe - Ảnh: Shutterstock

“Quá trình chăm sóc trẻ bệnh, nên chế biến món ăn mềm hơn, lỏng hơn so với lúc trẻ chưa bị bệnh, phù hợp với từng lứa tuổi và chia nhỏ bữa ăn. Nên tập trung cho ăn vào thời điểm trẻ sốt không cao. Cho trẻ uống nhiều nước hơn so với nhu cầu, đặc biệt nếu trẻ bị sốt, nôn, tiêu chảy thì cần bổ sung thêm nước, điện giải (dung dịch oresol) theo hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Kim Liên lưu ý. Trẻ bị sởi có biến chứng suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy cần được bổ sung vitamin A, kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách nuôi dưỡng trẻ mắc sởi

Giai đoạn 1 - 3 ngày đầu (sốt, ho): chế độ ăn lỏng, mềm. Nhu cầu đạt 70 - 80% tổng số. Bù đủ nước và điện giải (uống oresol), các vitamin. Thức ăn tùy theo lứa tuổi và khẩu vị của trẻ, có thể lựa chọn các món ăn sau: sữa, súp, cháo, phở, nước trái cây. Chia ra ăn nhiều bữa, uống nhiều nước.

Giai đoạn phát ban: trẻ có thể nổi ban ở niêm mạc, ăn uống khó khăn; có thể có tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa: cần ăn thức ăn mềm, lỏng, không mặn quá, không chua; thức ăn dễ tiêu, hạn chế xơ sợi.

Giai đoạn hồi phục: chế độ ăn tăng năng lượng, tăng đạm. Các trẻ nặng tại bệnh viện có thể nuôi dưỡng qua sonde hoặc tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Vài lưu ý

Với trẻ trong độ tuổi bú mẹ, các bà mẹ cần tiếp tục cho con bú và cho bú nhiều hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Không được cai sữa khi trẻ bị bệnh. Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, béo, bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng).

Trẻ cần được giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; lau người, tắm bằng nước ấm và nơi nằm thoáng sạch; tuyệt đối không để trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến biến chứng viêm phổi. Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ tránh bị “cam tẩu mã” do sởi gây tình trạng viêm loét niêm mạc miệng. Chăm sóc vệ sinh mắt, chống nhiễm trùng cơ hội, chống loét giác mạc, hạn chế hình thành sẹo giác mạc, phòng teo nhãn cầu hay phình giãn nhãn cầu. 

Liên Châu

>> Thời tiết chuyển mùa, bệnh sởi gia tăng
 >> Tiêm ngừa vắc xin không hiệu quả, bệnh sởi tiếp tục gia tăng
 >> Vẫn chờ bệnh sởi 'hạ nhiệt
 >> TP.HCM tăng cường phòng chống bệnh sởi
 >> Cứu sống bé trai bệnh sởi biến chứng nặng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.