Những người tạo ra phép mầu - Kỳ 8: Mỗi phút giây sống đều quý giá

27/02/2012 10:04 GMT+7

Nhờ vào sự chung tay góp sức của rất nhiều tấm lòng vàng trong và ngoài nước, những người từng sống cách biệt với thế giới bên ngoài này không những đang hồi phục tốt mà còn tự tin nghĩ về tương lai.

Nhờ vào sự chung tay góp sức của rất nhiều tấm lòng vàng trong và ngoài nước, những người từng sống cách biệt với thế giới bên ngoài này không những đang hồi phục tốt mà còn tự tin nghĩ về tương lai.

Bức tranh từ Đà Lạt

Không lời hoa mỹ, buổi gặp gỡ giữa BS McKinnon và bệnh nhân Nguyễn Duy Hải tại Bệnh viện FV TP.HCM hôm 8-1-2012 ngập tràn nụ cười. Nụ cười hạnh phúc của anh Hải và người mẹ già, nụ cười mãn nguyện của vị bác sĩ tài ba và nụ cười chia sẻ của những người chứng kiến đã làm cho buổi gặp mặt trở nên đặc biệt.

Dù BS McKinnon và anh Hải phải nói chuyện với nhau thông qua một phiên dịch viên, nhưng sự thông hiểu xuất phát từ đáy lòng mà họ dành cho nhau thì không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được.

 
Mỹ Dung đã khỏe hơn để giúp việc nhà cho cha mẹ - Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Gắng gượng kìm nén đau đớn từ vết thương còn chưa tháo chỉ, anh Hải dồn hết sức thốt ra những lời chân thành nhất có thể đến vị bác sĩ người Mỹ mà anh xem như người cha thứ hai. “Bác đi về rồi mà bác vẫn còn quay lại cứu con. Con chỉ biết lấy tấm lòng của con cảm ơn bác. Không phút giây nào trong cuộc đời này con quên bác”.

Vị bác sĩ hiền hậu đáp lại: đơn giản là chính sự dũng cảm và nghị lực phi thường của anh Hải đã kéo ông quay trở lại Việt Nam lần hai.

Buổi tối trước đó, gia đình anh Hải còn lặng lẽ gói ghém cẩn thận một bức tranh nhỏ mà họ đặt mua từ Đà Lạt để tặng BS McKinnon và vợ như một món quà tri ân. Và bác sĩ McKinnon đã nhận.

Nhưng BS McKinnon không phải là người duy nhất anh Hải muốn bày tỏ lòng tri ân. Anh còn mang ơn Bệnh viện FV, bà Amanda Schumacher, đoàn làm phim MorningStar, và rất nhiều cá nhân và tổ chức thầm lặng khác. “Tuy họ đến từ một đất nước khác, nhưng trái tim bao la của họ thật sự làm tôi rất cảm phục”, anh Hải bộc bạch.

Anh Hải cho biết sau khi lành bệnh, anh sẽ tiếp tục học nghề sửa điện thoại còn dang dở để tự nuôi bản thân và cho mẹ anh có thêm thời gian an hưởng tuổi già.

Tết vui của Mỹ Dung

 
Sa Ly tự đút nước uống - điều cô không thể làm được trước đây - Ảnh: Nhan Quốc Dũng

Đã hơn một tháng trôi qua từ ca mổ của bác sĩ McKinnon, không khí trong căn nhà nhỏ của ông Kiều Sinh Dũng và bà Nguyễn Thị Xuân Huyền tại thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt đã nhẹ nhõm đi rất nhiều và tràn ngập tiếng cười của Mỹ Dung, cô con gái đầu lòng. Kiều Thị Mỹ Dung đã mang một khối bướu dị dạng gần 2kg trên khuôn mặt trong 22 năm!

“Từ hồi được mổ về tới giờ nó mừng lắm, tính tình tự nhiên thay đổi khác hẳn so với lúc trước. Nó nói nhiều, rạng rỡ, hoạt bát hơn”, người đàn ông khắc khổ không giấu được niềm vui khi âu yếm kể về cô con gái.

Suốt mấy chục năm trời, Dung chỉ luẩn quẩn trong nhà, cơm nước chờ ba mẹ đi làm rẫy về. “Nó thường phải chờ tới trời tối, nhờ em trai chở ra đầu hẻm ăn ly chè rồi vội vàng về ngay”, ông Dũng bùi ngùi kể.

Mới rồi, cả nhà được đón cái tết trọn vẹn đầu tiên từ khi Dung được phẫu thuật. Sau bữa thăm khám hôm mồng 7 ở BV Chợ Rẫy TP.HCM, bác sĩ dặn Dung về nhà tẩm bổ, nghỉ ngơi, chờ cho các vết mổ lành hẳn rồi sẽ thực hiện phẫu thuật tạo hình mắt phải và tai phải lần cuối để trả lại khuôn mặt bình thường cho cô vào tháng 8 năm nay.

Mấy chục năm trời làm nông, rồi xoay xở làm mướn nuôi ba đứa con khôn lớn, ông Dũng tâm sự không biết nói sao để cảm ơn cho đủ vị bác sĩ người Mỹ đã trả lại cho con ông khuôn mặt bình thường. “Hồi trước đi đâu, làm gì cũng lo buồn cho nó hết, nghĩ mà thương cho con lắm. Giờ tui chỉ biết cảm ơn tấm lòng cao cả của bác sĩ và các nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ gia đình” - ông nhắc đi nhắc lại.

Với Dung, cô đã bắt đầu nghĩ đến những dự định cho tương lai mà cô ấp ủ từ lâu. Có cô bạn gái thân và người chị họ đều theo học cắt tóc và đã đi làm, cô nói sẽ ráng theo học nghề này. “Hồi em còn bệnh, có lần tới chơi tiệm riêng của bạn với chị thấy thích lắm. Dù em thấy nghề cắt tóc cũng mệt nhưng mà sống được, làm đủ để sống. Hồi đó lúc nào em cũng buồn, cũng không dám nghĩ gì”.

Dung nói dù cô không biết hết những người đã chung tay giúp đỡ mình, nhưng cô thật lòng cảm kích trước lòng tốt của họ và đặc biệt “mong bác sĩ sẽ giúp đỡ được nhiều trường hợp khác cũng đau yếu bệnh tật như em”.

Nụ cười của Sa Ly

 
Bệnh nhân Thạch Thị Sa Ly ở Sóc Trăng

Với chị Thạch Thị Sa Ly, người có cơ thể bị các khối u lớn nhỏ phủ kín người ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng, đôi bàn tay vàng của BS McKinnon cũng đã thắp lại niềm vui sống tưởng chừng đã tắt bởi những xếp đặt quái ác của số phận.

Cả chục năm trời qua, Sa Ly nằm một chỗ ở xó giường, mắt mờ, không thể đi lại, một cử động xoay trở nhỏ cũng làm cô đau đớn, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào người mẹ, bà Thạch Thị Sa Phai.

Bị giam cầm tù túng, ngột ngạt trong chính cơ thể bệnh tật và không gian sống chỉ vỏn vẹn trong một góc giường, tưởng chừng ngọn lửa sống trong cô đã tắt, ấy vậy mà chỉ cần được cho một cơ hội - nó lại bùng lên mạnh mẽ.

Thạch Thị Loan, em gái của Sa Ly, kể chị mình đã vui vẻ, hoạt bát hơn rất nhiều so với lúc trước vì “giờ gương mặt của chị ấy gọn gàng hơn trước rất nhiều rồi”. Loan kể trước đây Sa Ly vốn đã ít nói, có thì cũng chỉ nói chuyện với người trong nhà, “vậy mà bây giờ chị ấy cười nói vui vẻ lắm, có ai tới thăm hỏi là chị nói chuyện nhiều, rồi kể về hoàn cảnh của mình cho người ta nghe”. Cô em gái đã đi lấy chồng, nhưng gần đây về ở với mẹ để phụ bà chăm lo cho Sa Ly.

Dù vết thương ở lưng Sa Ly vẫn còn đau (cô đã được phẫu thuật cắt bỏ các khối u trên trán, cằm, mũi và các u lớn ở lưng), sức khỏe cô hồi phục rất nhanh. “Tinh thần thoải mái nên chị ấy ăn rất nhiều. Hồi trước được cỡ một chén, vậy mà giờ mỗi bữa phải hơn một tô. Mà tự xúc ăn uống vậy đó”, Loan không giấu được sự hồ hởi trong giọng nói của mình.

Cô em gái bảo cả gia đình mừng lắm, mừng cho Sa Ly và đỡ lo về mẹ, vì mấy anh chị em đều có gia đình riêng, ai cũng khó khăn “nên thương lắm khi thấy ba mẹ già mà vẫn phải cơ cực kiếm tiền và chăm lo cho Sa Ly”.

Với Sa Ly, cô không mong gì nhiều, vì biết sẽ khó có thể lấy sạch được các khối u. Cô chỉ mong cuộc phẫu thuật sáu tháng sau ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẽ thành công để đôi chân có thể đi lại nhẹ nhàng, không còn đau đớn nữa và đỡ đần ba mẹ được chút ít.

Vậy đó, những ước mơ nhỏ nhoi khiêm tốn của những con người bất hạnh tột cùng. Số phận đã cướp đi của họ những năm tháng tuổi trẻ bình an và thử thách họ với căn bệnh trớ trêu quái ác.

Biết bao người đã cùng chung tay đi qua một đoạn đường dài để cho họ thêm cơ hội, để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin đi tiếp cuộc hành trình còn rất dài phía trước. Vì mỗi phút giây sống đều quý giá. Vì tình thương sẽ tạo nên điều kỳ diệu, nếu ta đủ quan tâm và chia sẻ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.