Cơn lốc "hàng đá" - Kỳ 3: "Đập đá”... đập luôn sức khỏe

02/05/2012 03:33 GMT+7

Chưa hết đê mê với những cơn “đập đá”, nhiều người phải vào bệnh viện vì bị loạn thần kinh.

 >> Kỳ 2: Bạn đồng hành của tội phạm
>> Kỳ 1: Cơn lốc "hàng đá"

Điên loạn vì “hàng đá”

Tiếp xúc với chúng tôi trên giường bệnh, N.H.M (làm nghề hớt tóc, 24 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đã sử dụng “hàng đá” được 1 năm nay. Lúc mới 14 tuổi, M. bắt đầu chơi thuốc lắc khi cùng đám bạn vào vũ trường. Dành dụm được bao nhiêu tiền, M. bỏ hết vào mua thuốc. Sau đó, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, M. lại chuyển qua chơi “hàng đá”. M. nhập viện vào ngày 20.3 sau khi lên cơn loạn thần ăn nói lảm nhảm và dùng kéo cắt hết quần áo…

bị loạn thần do dùng “hàng đá” 
Bác sĩ khám cho các trường hợp bị loạn thần do dùng “hàng đá” - Ảnh: Hà Minh

Tại Khoa Nội của Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM không hiếm những trường hợp nhập viện do loạn thần vì dùng “hàng đá”. Bác sĩ (BS) Vũ Đình Vương, Trưởng khoa cho hay, bệnh nhân (BN) thường là nam thanh niên, độ tuổi từ 17 - 40. P.Đ.L (24 tuổi, ngụ Q.4) sử dụng heroin đã 3 năm nay. Mặc dù được người nhà đưa đi cai nhiều lần nhưng L. vẫn tái nghiện. Ba tháng gần đây theo lời bạn bè, L. không cưỡng lại ma lực của “hàng đá”. Nhưng cùng với cảm giác phê là những cơn hoảng sợ, lo lắng kèm theo, L. thường hay nói một mình, nghĩ có người hại mình; ngủ ít, ăn uống bất thường và quậy phá. Điều trị được 5 ngày, gia đình tự ý đưa BN về vì L. cáu gắt, nằng nặc đòi ra khỏi BV. Được 2 ngày thì L. tiếp tục dùng “hàng đá” nên bệnh tái phát. Người nhà của L. phải khăn gói đưa L. vào lại BV.

 

Nhận diện người chơi "hàng đá"

Theo BS Nhữ Văn Minh, về hình dạng, methamphetamin trong suốt, không mùi, không vị, và thường khi dùng người ta đập nhỏ ra nên mới có tên gọi là đập đá. BS Phạm Văn Trụ lưu ý, các bậc phụ huynh cần quan sát những bất thường trong sinh hoạt của con em, những biểu hiện về ảo thị, ảo giác như môi khô, mắt đỏ, đi loạng choạng, nói một mình, sợ bị đuổi đánh, sợ có người theo dõi… để kịp thời giám sát và đưa đi khám.

Theo BS Nhữ Văn Minh, BV Tâm thần TP.HCM, nhiều người sử dụng “hàng đá” có tiền căn dùng các chất gây nghiện khác như heroin, thuốc lắc.

Vào TP.HCM buôn bán, N.T.L (32 tuổi, Q.8) bắt đầu trượt dài theo những cơn nghiện "hàng đá", thuốc lắc. Trên thân thể L. đầy các vết xăm hình thú quái dị, ngoài ra còn có 2 vết cắt ở bụng. L. cho hay, khi phê thuốc, anh ta còn có sở thích tự làm đau mình. “Tiền từ buôn bán, tôi đổ hết vào mua hàng đá. Lúc mới dùng mỗi lần tôi mua hết vài trăm ngàn nhưng về sau, tôi chi hết hơn một triệu cho một lần mua hàng đá” - L. kể lại. Chỉ đến khi những cảm giác lo lắng, hoảng sợ xuất hiện cùng những hình ảnh rắn rết, tiếng hét, kêu cứu bên tai, L. trở nên cáu gắt và quậy phá để trấn an mình. Thế nhưng, những hình ảnh kia lại càng ám ảnh L. Nhập viện sau khi đập đầu vào tường để tự sát, L. mới bày tỏ với BS về sự bất an trong lòng.

Nghiện heroin đã chục năm nay, dù được đưa đi cai cũng gần chục lần nhưng vẫn không hiệu quả, N.T.P (34 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) còn dùng thêm "hàng đá". Chăm sóc P. tại BV, mẹ P. kể, nhiều lần P. có biểu hiện như lơ mơ, nói nhảm, cười một mình, la hét, đi vòng quanh nhà xô đồ đạc, có khi đuổi đánh cả anh em trong gia đình. Không dừng lại ở đó, P. còn chạy xe máy đến trụ sở công an xã và nhặt đá ném vào những người trực ở đây.

“Hàng đá” cũng gây nghiện

Thời gian gần đây, việc sử dụng ma túy đá rất phổ biến trong giới ăn chơi. Nhiều người lầm tưởng loại ma túy này không gây nghiện, hết dùng thì không lâm vào hội chứng cai (khi ngưng dùng thì không bồn chồn, bứt rứt, vật vã) như heroin. Thực chất, nó lại là loại ma túy gây ra nhiều ảo giác, dẫn đến loạn hành vi và ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. “Không những vậy, nhiều người khi dùng “hàng đá” lên cơn loạn thần còn có hành vi quậy phá, tấn công người xung quanh và nhiều khi còn trực tiếp gây án nên rất nguy hiểm”, BS Minh nói. “Nhiều trường hợp còn tìm cách thỏa mãn cơn nghiện với việc sinh hoạt tình dục tập thể. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại”, BS Minh nhấn mạnh.

Trong năm 2011, BV Tâm thần TP.HCM nhập viện cấp cứu 113 BN và 560 BN đến khám điều trị ngoại trú vì các triệu chứng hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi liên quan đến sử dụng ma túy, trong đó có methamphetamin.

Theo các BS phân tích: các loại ma túy tổng hợp, trong đó có methamphetamin còn có tên gọi là "hàng đá" tác động đến hệ thần kinh trung ương, trong không gian sôi động như vũ trường, bar tác động khiến người dùng cảm thấy hưng phấn. Tuy nhiên, chúng dễ gây ra cơn loạn thần như ảo giác, hoang tưởng tác động nhiều đến tâm lý của người dùng như hoảng sợ, lo lắng, sợ có người giết mình… Từ đó, BN sống trong tâm trạng căng thẳng và sinh ra nhiều hành động kỳ quặc, mất tự chủ. Ngoài ra, ma túy đá còn gây ảnh hưởng đến thực thể như rối loạn nhịp tim, nước, điện giải, suy tim, suy thận…

Hiện trung bình mỗi tuần, Khoa Nội, BV Tâm thần TP.HCM tiếp nhận 4 - 5 BN nhập viện điều trị loạn thần do dùng "hàng đá". Trong đó, đa số BN thuộc quận 8, 4, Bình Thạnh. BS Phạm Văn Trụ bày tỏ: “Điều trị nghiện ma túy trong đó có "hàng đá" thường phức tạp, bao gồm cắt cơn nghiện, sau đó điều trị duy trì làm sao cho các tác động sinh học thần kinh độc hại do ma túy gây ra giảm dần, đồng thời tạo điều kiện cho BN nghiện thay đổi lối sống, suy nghĩ để quyết tâm điều trị. Tuy vậy, có nhiều trường hợp người nhà tự ý đưa BN về giữa chừng khiến tình trạng tái nghiện và sử dụng thuốc cắt cơn của BN khó kiểm soát. Chính vì thế, phải có sự phối hợp giữa BS, BN và người nhà mới có hiệu quả cao”.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.