Thay đổi thói quen sinh hoạt thế nào để giảm cholesterol có hại?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
18/05/2024 00:07 GMT+7

Một trong những tác động đáng lo ngại nhất của cholesterol đến sức khỏe là hình thành các mảng xơ vữa trong thành động mạch. Các mảng xơ vữa này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều chỉnh một số thói quen hằng ngày sẽ giúp giảm cholesterol có hại, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể.

Cholesterol có hại trong máu cao thường là do chế độ ăn uống kém lành mạnh, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động và phần nào đó là yếu tố di truyền. Việc kiểm soát cholesterol rất quan trọng vì cholesterol cao có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe khác, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Để giảm cholesterol có hại, mọi người cần thực hiện những thay đổi sau trong lối sống:

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim sẽ tập trung vào thực phẩm tươi, giàu chất xơ, chất chống ô xy hóa và chất béo lành mạnh, đồng thời giảm các loại chất béo có hại như chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Các món này là rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả hạch và các loại hạt.

Rau củ, trái cây rất tốt cho sức khỏe

Rau củ, trái cây rất tốt cho sức khỏe

Pexels

Các món giàu chất béo chuyển hóa như đồ chiên, nướng thì cần hạn chế. Các loại thịt đỏ và sữa nguyên béo nên dùng ở mức độ vừa phải, thay vào đó hãy ưu tiên thịt nạc giàu protein và chất béo thực vật.

Vận động thể chất thường xuyên

Vận động thể chất không chỉ là tập thể dục mà còn là làm việc nhà, dọn dẹp hay các hoạt động đòi hỏi dùng sức khác. Vận động thường xuyên sẽ giúp cơ thể đốt nhiều calo hơn, giảm mức cholesterol "xấu" LDL và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần. Các bài tập này có thể là đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ hay bất kỳ môn thể thao nào cũng được. Nếu tập cường độ cao, chẳng hạn như nâng tạ hay chạy bộ, thì cần tập ít nhất 75 phút/tuần.

Bỏ thuốc lá

Các hóa chất trong thuốc lá sẽ làm tổn thương mạch máu, gia tăng tình trạng viêm nhiễm, tăng nồng độ cholesterol trong máu và góp phần gây tích tụ mảng bám trong thành động mạch. Bỏ thuốc lá là một trong những thay đổi lối sống quan trọng nhất giúp cải thiện sức khỏe tim và mạch máu.

Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến những hành vi lối sống không lành mạnh như ăn quá nhiều, thích ăn đồ ngọt và nhiều chất béo, ít hoạt động thể chất và thường xuyên thiếu ngủ. Tất cả yếu tố này đều tác động tiêu cực đến cholesterol và sức khỏe tim. Các phương pháp như tập thở, yoga, chánh niệm hay tập thể dục là những biện pháp giúp giảm căng thẳng hiệu quả, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.