Thể thao Trung Quốc lại “xấu mặt” vì gian lận ở Thế vận hội Quân sự

Tây Nguyên
Tây Nguyên
26/10/2019 08:35 GMT+7

Gian lận tiếp tục trở thành đề tài nóng trong dư luận thế thao Trung Quốc sau khi Liên đoàn Thể thao định hướng quốc tế (IOF) tuyên bố loại và tước thành tích các VĐV nước này khỏi nội dung tầm trung nam và nữ tại Thế vận hội Quân sự năm nay (World Military Game s) diễn ra từ ngày 18 - 27.10 ở Vũ Hán.

Trước đó, VĐV của chủ nhà Trung Quốc đã hoàn thành ở vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ tư của nữ và thứ hai dành cho nam vào hôm 20.10 ở nội dung định hướng thuộc lĩnh vực thể thao quân đội (một nhóm VĐV sẽ sử dụng la bàn, bản đồ để di chuyển nhanh nhất từ địa điểm này sang nơi khác ở khu vực địa hình chưa từng biết đến). Nhưng theo IOF, tổ chức này có bằng chứng chứng minh rằng các VĐV Trung Quốc đã nhận được sự hỗ trợ bất hợp pháp từ khán giả trên địa hình và có dấu hiệu chuẩn bị những lối mòn có sẵn cho họ dễ định hướng.

Môn thể thao định hướng tại Thế vận hội Quân sự 2019

CHỤP MÀN HÌNH

Vụ gian lận được dấy lên sau một cuộc phản ứng dữ dội cùng lúc từ các đội tuyển Nga, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Ba Lan và Áo, trước khi ban giám khảo quyết định loại bỏ tất cả các VĐV của tuyển Trung Quốc. Theo quyết định của bồi thẩm đoàn, kết quả của VĐV Trung Quốc đạt được nói trên đã bị hủy (1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc) và không được đưa vào danh sách kết quả, đồng thời họ cũng không được phép bắt đầu trong cuộc thi đường dài ngày 21.10.
Phía Trung Quốc đã kháng cáo quyết định lên Hội đồng thể thao quân sự quốc tế (CISM), nhưng quyết định phản kháng bất thành. Dẫu vậy kết quả vẫn chưa chính thức. Ban đầu, ban tổ chức tuyên bố rằng cuộc thi đường dài sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn, nhưng sau các cuộc đàm phán với CISM, nó đã được phục hồi trong chương trình mà không có sự tham gia của đội Trung Quốc.
“Thế vận hội quân sự là một sự kiện được tổ chức dưới sự quản lý của Hội đồng thể thao quân sự quốc tế nhưng thông qua một bản ký kết với IOF, các quy tắc của IOF chi phối việc tiến hành sự kiện này”, Tổng thư ký IOF Tom Hollowell nói. “IOF đặc biệt chú ý đến hành động của đội Trung Quốc và rất vui khi thấy các quy tắc của IOF được áp dụng để mang lại sự công bằng trong thi đấu khi được ban giám khảo và CISM thi hành. IOF sẽ cùng với CISM điều tra để ban hành các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến các hoạt động không phù hợp. Mặc dù sự kiện này không phải là sự kiện IOF”, người đại diện của IOF nhấn mạnh.
Theo IOF, họ cũng đang điều tra xem có cần thực hiện thêm hành động nào để đảm bảo sự công bằng trong thi đấu tại Chung kết World Cup sắp tới tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ ngày 25 - 29.10. “Định hướng quân sự và dân sự ở Trung Quốc hoàn toàn tách biệt về mặt tổ chức và World Cup đã được kiểm soát trong cấu trúc của IOF, với những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu tìm thấy bằng chứng xác thực về bất kỳ hành vi không phù hợp nào, IOF sẽ áp dụng mọi biện pháp trừng phạt cần thiết để đảm bảo sự công bằng của các cuộc thi tại World Cup”, IOF nhấn mạnh.

Nhà vô địch điền kinh thế giới Salwa Naser giúp Bahrain đoạt 3 huy chương vàng ở Thế vận hội Quân sự năm nay

AFP

Thông tin trên đã thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận khi World Military Games năm nay thu hút lên đến hơn 9.300 VĐV đến từ hơn 140 quốc gia, tranh tài ở 27 môn thể thao. Ngoài những môn đấu thuộc về kỹ thuật quân sự, World Military Games (sự kiện 4 năm diễn ra một lần và năm nay là lần thứ 7) còn có những môn thể thao phổ biến như: điền kinh, quần vợt, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, thể dục dụng cụ, quyền anh… Vì vậy, sự kiện cũng có sự tham gia của nhiều VĐV chuyên nghiệp từng đoạt thành tích ở các đấu trường thể thao quốc tế do họ thuộc về các cơ quan quốc phòng của quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.