'Thiếu điện miền Bắc đã cảnh báo trước, đưa nguồn điện mới phải 3 - 4 năm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/06/2023 11:06 GMT+7

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường, cho biết vấn đề thiếu điện ở miền Bắc vừa qua đã được cảnh báo từ trước, song để có nguồn điện mới đưa vào sử dụng ít nhất phải 3 - 4 năm. Do đó, đảm bảo an ninh năng lượng là việc phải chuẩn bị làm rất sớm.

Sáng 14.6, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Công nghiệp 4.0 năm 2023 do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức bắt đầu với chuỗi các hội thảo chuyên đề.

'Thiếu điện miền Bắc đã cảnh báo trước, đưa nguồn điện mới phải 3 - 4 năm' - Ảnh 1.

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề về công nghiệp năng lượng

NGỌC THẮNG

Phát biểu khai mạc tại hội thảo chuyên đề về xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển cho hay, Nghị quyết 29 ngày 17.11.2022 T.Ư khóa XIII đã xác định công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới.

Trước đó, Nghị quyết 55 ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phải từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng…

Vừa qua, Thủ tướng ban hành Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu cụ thể bám sát Nghị quyết 55, thậm chí một số mục tiêu cao hơn để phù hợp cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam ở COP 26.

Theo ông Hiển, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đề ra từ Đại hội III của Đảng, sau 10 kỳ đại hội, đến Đại hội XIII vừa qua đã đánh giá nhiều mục tiêu chưa hoàn thành. Do vậy, Nghị quyết 29 đã đề ra 24 mục tiêu cụ thể để hoàn thành, không để như giai đoạn trước.

Nhiều chính sách phát triển ngành điện thể chế hóa chậm

Nhấn mạnh các hội thảo về chuyển dịch năng lượng đã được tổ chức khá nhiều, ông Hiển nói mong muốn của Ban Kinh tế T.Ư khi tổ chức hội thảo là lắng nghe các chuyên gia, bộ, ngành góp ý làm thế nào để Việt Nam thực hiện các mục tiêu về phát triển năng lượng.

Ông Hiển nhìn nhận, việc đảm bảo năng lượng trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu là Việt Nam phải nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa những định hướng trong các nghị quyết nói trên.

'Thiếu điện miền Bắc đã cảnh báo trước, đưa nguồn điện mới phải 3 - 4 năm' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

GIA HÂN

"Việc thể chế hóa nhiều định hướng chủ trương, chính sách trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng còn khá chậm", ông Hiển nói và nhấn mạnh lại mong muốn của hội thảo là được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp, chuyên gia, địa phương về vấn đề này.

Đảm bảo an ninh năng lượng phải chuẩn bị rất sớm

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng nêu vấn đề làm thế nào để vừa thực hiện chuyển dịch năng lượng, vừa tránh các rủi ro về mất an toàn cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng đột biến do xung đột chính trị hay thời tiết cực đoan.

"Chúng ta cũng biết vấn đề thiếu điện ở miền Bắc trong tháng 5 - tháng 6 gần đây đã được cảnh báo trước, nhưng để đưa vào được nguồn điện mới thì ít nhất phải 3 - 4 năm, thậm chí còn lâu hơn. Do đó, đảm bảo an ninh năng lượng là việc phải chuẩn bị làm rất sớm", ông Tuấn nêu.

Liên quan tới phát triển điện gió, điện mặt trời, ông Tuấn cho biết, công nghệ thiết bị điện mặt trời đang phát triển nhanh và xu thế giá rẻ. Tuy nhiên, cần phải rút kinh nghiệm từ những hệ lụy trong quản lý đầu tư thời gian vừa qua để nguồn điện này không chỉ sản xuất tự sản, tự tiêu mà vẫn khuyến khích hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, song cũng không ảnh hưởng xấu tới lưới điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.