Thổ dân Úc vướng ải trưng cầu dân ý

Khánh An
Khánh An
16/10/2023 06:30 GMT+7

Tiếng nói của người bản địa Úc vẫn chưa được đưa vào hiến pháp, sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý mới đây.

Nhiều cư dân bản địa Úc bày tỏ sự phẫn nộ và đau buồn sau khi nỗ lực để được công nhận đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 14.10. Theo tờ The Sydney Morning Herald, lá cờ thổ dân Úc treo rủ tại tòa thị chính Sydney từ tối 15.10, bắt đầu "tuần mặc niệm" theo đề nghị của những người ủng hộ tiếng nói người bản địa.

Kết quả "cay đắng"

Hơn 17 triệu cử tri ở Úc đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 14.10, được tiến hành theo một nghị quyết do quốc hội thông qua hồi tháng 8. Các cử tri được hỏi liệu họ có ủng hộ việc thay đổi hiến pháp để công nhận người bản địa và tiếng nói của họ tại quốc hội hay không. Để thay đổi hiến pháp, chính phủ phải đảm bảo một kết quả "đa số kép" trong cuộc trưng cầu, có nghĩa là đa số cử tri trên cả nước ủng hộ và có ít nhất 4/6 tiểu bang lớn có đa số cử tri ủng hộ.

Thổ dân Úc vướng ải trưng cầu dân ý - Ảnh 1.

Thủ tướng Albanese (áo trắng) ngồi với lãnh đạo các dân tộc bản địa Úc hôm 10.10

AFP

Nội dung đề xuất thay đổi hiến pháp là bổ sung một chương về các sắc tộc bản địa Úc vào hiến pháp, công nhận họ là những dân tộc đầu tiên tại Úc. Nghị quyết đề xuất thành lập một cơ quan đại diện, có thể trình bày trước quốc hội và chính phủ về những vấn đề liên quan họ. Ngoài ra, quốc hội sẽ ban hành các luật liên quan vấn đề người bản địa.

Tuy nhiên, với đa số phiếu được kiểm đếm, có đến 60,6% phản đối, trong khi chỉ có 39,4% ủng hộ. Ngoài ra, không có bang nào trong 6 bang có đa số cử tri ủng hộ.

"Đây là một sự mỉa mai cay đắng. Những con người chỉ mới đến lục địa này 235 năm lại từ chối công nhận những người đã ở vùng đất này trong hơn 60.000 năm thì thật vô lý", tờ The Guardian dẫn thông cáo của lãnh đạo các dân tộc bản địa Úc. Theo họ, cuộc trưng cầu dân ý là cơ hội để "những người mới đến thể hiện lòng biết ơn, điều mà họ từ chối từ lâu".

Hơn 60.000 năm lịch sử

Với hơn 800.000 người, thổ dân Úc chiếm khoảng 3,8% dân số cả nước, gồm hàng trăm sắc tộc với bề dày lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ khác nhau và đã cư trú tại vùng đất này hơn 60.000 năm.

Theo Reuters, dân số người bản địa Úc giảm nhanh kể từ khi bắt đầu thời thuộc địa Anh vào năm 1788, do họ bị tước đoạt đất đai, nhiễm các bệnh mới, bị buộc làm việc trong điều kiện nô lệ và bị giết hại. Khoảng 1/3 trẻ em bản địa bị buộc phải rời khỏi gia đình từ thập niên 1910 đến thập niên 1970 trong nỗ lực hòa nhập chúng vào xã hội da trắng. Năm 2008, chính phủ Úc xin lỗi về vấn đề "thế hệ bị đánh cắp" đó. Trong hầu hết các chỉ số kinh tế - xã hội, người bản địa Úc đều ở dưới mức trung bình. Họ còn ghi nhận tỷ lệ tự sát, bạo lực gia đình và tù tội cao hơn mức trung bình chung, trong khi tuổi thọ trung bình thấp hơn khoảng 8 năm so với những nhóm người không phải bản địa.

Thổ dân Úc vướng ải trưng cầu dân ý - Ảnh 2.

Theo dõi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Sydney hôm 14.10

AFP

Người bản địa lần đầu được kể đến trong điều tra dân số Úc sau cuộc trưng cầu dân ý nhằm sửa đổi hiến pháp vào năm 1967, nhiều thập niên kể từ khi nước này độc lập vào năm 1901. Năm 2017, khoảng 250 người đại diện cho các dân tộc bản địa kêu gọi đưa tiếng nói của họ vào hiến pháp. Tuy nhiên, lời kêu gọi khi đó bị chính phủ từ chối. Năm 2022, ứng viên Công đảng Anthony Albanese trở thành thủ tướng và ông nói rằng người dân Úc sẽ có tiếng nói về vấn đề này thông qua cuộc trưng cầu dân ý.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Albanese thừa nhận "làm những việc khó, đặt mục tiêu cao thì đôi khi bạn thất bại". Ông cam kết chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để người bản địa được thừa nhận, nhưng không nói cụ thể. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Peter Dutton nói rằng cuộc trưng cầu là không cần thiết và chỉ dẫn đến chia rẽ đất nước. Phản ứng với phát biểu đó, ông Albanese cáo buộc ông Dutton vận động bỏ phiếu chống, theo ABC. 

Người bản địa tại các thuộc địa cũ của Anh

Theo Reuters, những người bản địa tại các vùng đất khác từng là thuộc địa cũ của Anh tiếp tục đối diện tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhưng một số nước đã có thành công nhất định trong việc đảm bảo quyền lợi của họ.

Canada ghi nhận quyền lợi của người bản địa theo Đạo luật Hiến pháp 1982. Tại New Zealand, Hiệp ước Waitangi năm 1840 cam kết bảo vệ văn hóa của người Maori. New Zealand còn có các ghế tại quốc hội dành cho người Maori, cho phép bộ phận người bản địa chọn giữa việc bỏ phiếu các ứng viên những ghế này hoặc tham gia tổng tuyển cử. Te reo Maori được công nhận là một ngôn ngữ chính thức tại New Zealand, được dùng trong trường phổ thông, đại học và công sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.