• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Thời trang nghề & nghiệp

Thu Trần - Người mang lụa, chàm lên rừng xuống biển

Trinh Nguyễn
trinhthanhnien@gmail.com
31/01/2021 08:00 GMT+7

Đời sống với nữ nghệ sĩ Trần Thị Thu là những ngày vẽ lụa, vẽ chàm rồi mang may trang phục. Cũng có khi, chị lại mang chàm, mang lụa lên rừng, xuống biển để sắp đặt những không gian nghệ thuật riêng.

Cụm tơ khổng lồ miền sơn cước
Họa sĩ Trịnh Tuân leo ngàn bước lên ngọn đồi của bản Chiềng Đi 1 (Vân Hồ, Sơn La) gió thổi trong ngày lạnh buốt của đợt rét đậm tháng 1.2021. Ở đó, một chiếc khung dệt cao chục mét được dựng lên với 5.000 mét lụa tỏa xuống.
 
“Nếu người đi xem đi vào trong tác phẩm sẽ thấy những tấm lụa có những họa sắc khác nhau. Thời tiết lạnh, lúc sương mù xuống, khi nắng lên, gió thổi phần phật thì lụa đó lại rất động. Gió đẩy, lụa lật chiều, tung lên, tốc xuống, căng phồng tạo ra tiếng kêu nữa. Nên tóm lại tác phẩm ở ngoài đời đẹp hơn những gì ta nhìn thấy trên ảnh rất nhiều. Và nếu ngắm tác phẩm ở thực địa sẽ thấy sức lao động trực tiếp của nghệ sĩ. Không thể nói hết công sức chăm chút lớn thế nào đâu”, họa sĩ Trịnh Tuân, người đứng đầu mạng lưới kết nối nghệ thuật châu Á Asia Link, nói.
Tác phẩm sắp đặt có tên Trở về này của nữ họa sĩ Thu Trần (Trần Thị Thu) là câu chuyện trở về quê hương của bà. Chiếc khung dệt đó được bà gọi là cụm tơ. Trở về cũng là giăng tơ. “Giăng tơ, trở về với tôi như những đêm năm canh với người đàn bà ngồi bên khung cửi. Họ được ví như sự nhẫn nại và chờ đợi chăm chỉ, hóa thân như những con tằm kéo kén, con nhện giăng mùng, nghe như những câu hát quan họ cổ, chèo cổ thật bùi ngùi xúc động. Tôi đã xúc động và những sợi tơ ấy đã hiện lên, để tôi muốn kéo từ ngọn núi này sang ngọn núi khác những guồng quay tơ, dệt lên những bài ca về lao động của những sắc tộc đó. Giăng tơ cũng chính là một hình thức giao thoa văn hóa giữa các dân tộc với nhau, con đường tơ lụa vẫn là một cầu nối từ ngàn xưa!”, bà nói.
Trong suốt nhiều năm sáng tác, bà Thu làm nhiều sắp đặt. Chúng hầu như đều nằm trong các không gian lớn, đòi hỏi lượng lao động khổng lồ. Chúng cũng thách thức khả năng tạo dựng và lan tỏa các chi tiết, hình khối trong không gian. Và chúng cũng đều là những sắp đặt với vải chàm, với lụa do chính tay bà vẽ. “Từ trên đỉnh núi tôi xuống đồng bằng để học cách kể câu chuyện nghệ thuật mà tôi trăn trở. Những năm tháng trăn trở không biết kể về nơi mình lớn lên thế nào, Sơn La là toàn bộ câu chuyện nghệ thuật của tôi”, bà Thu chia sẻ.
 
Thời trang của Thu Trần sáng tạo.
Thời trang của Thu
Thu Trần tâm sự bà từng là một họa sĩ không thích vẽ lụa. “Tôi không thuộc về lụa, vì mỗi khi tôi phải trả bài chuyên khoa lụa tôi rất sợ. Hình như lúc đó lụa đối với tôi là phải vẽ chậm và đủ các bước, vờn tỉa. Tôi đã nghĩ tôi tránh lụa trong sáng tác. Khi chấm bài chuyên khoa cao học về lụa, thầy Nguyễn Thụ cười khà khà và bảo tôi: Thu vẽ lụa như vẽ sơn dầu… nhưng rất đẹp”, bà nhớ lại.
Nhưng sau đó, bà bắt đầu vẽ lụa, vẽ áo, vẽ khăn vì mưu sinh và dần dần yêu thích. “Đã 12 năm rồi, từ 2008 đến nay tôi đã tìm ra lối vẽ lụa của mình và vô cùng yêu thích lụa, dù trong tôi cái mùi sơn dầu vẫn nồng và ngầy ngậy như muốn ăn cùng với salat. Tôi luôn bị phân vân giữa lụa và sơn dầu, trong tôi có hai phía luôn vẫy gọi tôi. Thỏa mãn về độ rung và loang của lụa, khốc liệt của sáng và tôi, của dầy và mỏng với chất liệu sơn dầu, cứ thế tôi luôn hỏi tôi cần gì, bản thân mình luôn mâu thuẫn trong nội tại!”, bà nói. Song song với lụa, bà Thu vẫn nhuộm chàm, vẽ chàm theo kỹ thuật truyền thống và sáng tạo riêng.
Hiện tại, một dòng thời trang của Thu Trần đã ra đời. Trong đó, những tấm vải đều là không giống nhau, là tác phẩm bà tự tay vẽ. “Khi việc vẽ lụa của thời trang cũng trở thành một việc thực nghiệm trong quá trình tìm hiểu về nghệ thuật đương đại, dường như lụa và nắng ngoài vườn như dẫn lối cho tôi đến sự si mê như đi tìm người tình của mình!”, bà nói.
Bà cho biết thời trang với lụa là dịp cho bà được thả lỏng bản thân. Mỗi lần vẽ cả cây lụa, bà lại được thoải mái tung tẩy và nhanh vẫn trên xu hướng trừu tượng. Có đôi khi Thu Trần vẽ gợi tả thực nhưng nó vẫn phóng khoáng như một cuộc trình diễn sắp đặt ngoài trời với hàng trăm mét lụa ngoài trời. “Những lần thử nghiệm với nhiều phong cách thời trang, từ hiện đại đến trang phục cổ từ nam, nữ, trẻ em, thanh niên, đến người trung tuổi, đã cho tôi nhũng cảm giác khi vẽ cho những đối tượng khác nhau. Tôi thích nghiên cứu và phát triển theo xu hướng thời trang hiện đại, kế thừa từ truyền thống”, bà nói.
Những tác phẩm thời trang của bà Thu vì thế rất linh hoạt và tiện dụng. Người ta có thể mặc chúng trong những không gian bụi bờ cỏ cây rừng núi, cũng có thể mặc chúng trong tiệc sang trọng. Bà đánh giá cao phong dáng thoải mái, nhưng cũng sẵn sàng kết hợp với các chuẩn mực may truyền thống như áo ngũ thân. Chính vì thế, đêm thời trang áo dài do Ban quản lý phố cổ tổ chức, trang phục áo dài may trên vải vẽ của bà Thu được nhiều người yêu thích. Bà cũng nhận giải thưởng ở Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc mới nhất cho những sáng tạo thời trang vải của mình.
Nhưng dù thế nào, câu chuyện của Thu Trần trên vải chàm, trên lụa, trên tác phẩm thực địa cũng đều gắn với giăng tơ và canh cửi. Họa sĩ Lý Trực Sơn nhìn thấy trong suốt chuỗi tác phẩm của bà Thu là câu chuyện của người trải qua tuổi trẻ ở vùng cao, nơi phụ nữ xe tơ dệt vẽ, trên những hình trang trí nhiều màu có lề luật mà không bao giờ giống nhau. “Hội họa giúp chị tự do và có nhiều giải pháp cho việc vẽ và nhuộm vải. Vẽ và nhuộm vải lại mở ra cho chị con đường rộng hơn ở hội họa. Vải và tranh khác nhau nhưng nương nhau mà thành vải tơ mang muôn vàn màu sắc, hình nét mà hài hòa trong nhịp điệu tạo hình”, ông Sơn đánh giá.
Ảnh: NVCC
Top
Top