Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tạo thuận lợi cấp visa cho người Việt

Mai Hà
Mai Hà
13/11/2022 12:40 GMT+7

Nhật Bản mong muốn được cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam, tạo thuận lợi cấp visa cho người Việt, cũng như thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư Bệnh viện Chợ Rẫy 2, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...

Sáng 13.11, tại Phnom Penh (Campuchia), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 và các Hội nghị liên quan.

Thủ tướng đề nghị Nhật có các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng hơn 400.000 người Việt Nam tại Nhật, tạo thuận lợi cấp visa cho người Việt

Dương giang

Thúc đẩy tiến độ tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

Tại cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, sớm triển khai cung cấp ODA thế hệ mới; hợp tác ứng phó chống biến đổi khí hậu. Tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với khoản hỗ trợ 10 tỉ USD mà Thủ tướng Kishida đã cam kết tại Hội nghị COP 26, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ.

Thủ tướng cũng mong muốn Chính phủ Nhật Bản có các chính sách hỗ trợ cộng đồng hơn 400.000 người Việt Nam, trong đó có nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa cho công dân Việt Nam.

Thủ tướng Kishida khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng hàng đầu trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực. Ông cũng khẳng định Nhật Bản mong muốn làm sôi động lại hợp tác ODA với Việt Nam, sẽ thúc đẩy để sớm triển khai khoản vay ODA thế hệ mới, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh.

Đồng thời, nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của cả hai nước. Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam trong tháng 11.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi và thúc đẩy tiến độ một số dự án quan trọng như dự án Trường Đại học Việt - Nhật, dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông và một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, tiểu vùng Mê Kông, Liên hợp quốc và các hoạt động dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - ASEAN.

Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á sáng 13.11, trước khi rời Phom Penh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp cao tới Campuchia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN

dương giang

Hội nghị cấp cao Đông Á bàn nhiều vấn đề nóng

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17, cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ và Tổng thư ký ASEAN. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Tổng thư ký Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được mời trình bày về hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các lãnh đạo nhất trí EAS cần phát huy vai trò, đóng góp hiệu quả cho các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Các nước nhấn mạnh chia sẻ lợi ích và đề cao trách nhiệm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Các đối tác EAS cũng bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp tiếp diễn tại Myanmar, khẳng định ủng hộ vai trò và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp sớm ổn định tình hình.

Chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, ASEAN bày tỏ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hoà bình, ổn định và phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên liên quan tại các cơ chế do ASEAN chủ trì.

Về xung đột tại Ukraine, các nước nhấn mạnh các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định EAS mang đến cơ hội để cùng tìm ra các giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề đang nổi lên hiện nay, đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và thịnh vượng chung.

Thủ tướng khẳng định ASEAN sẵn sàng làm “trung gian tin cậy” cùng các Đối tác EAS tham vấn, đối thoại, cùng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, bền vững và lâu dài cho các thách thức an ninh hiện nay, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nâng cao hiểu biết, tin cậy, đối thoại và hợp tác.

Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN, chuyển giao chủ tịch ASEAN

Ngay sau Hội nghị cấp cao EAS-17, lãnh đạo các nước đã tham dự lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan, và lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia.

Tổng thống Indonesia thông báo chủ đề của năm ASEAN 2023 là “ASEAN Matters: The Epicentrum of Growth” (tạm dịch: ASEAN tầm vóc - tâm điểm của tăng trưởng).

Các Hội nghị Cấp cao đã khép lại sau 4 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, đánh dấu một năm thành công của ASEAN trên tinh thần “ASEAN Hành động - Cùng ứng phó thách thức”, tạo tiền đề và động lực để ASEAN tiếp tục ghi các dấu ấn thành công mới trong những năm tiếp theo.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất, hiệu quả vào tất cả các hoạt động, góp phần vào thành công chung của các hội nghị.

Chiều 13.11, Thủ tướng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Phnom Penh về nước, kết thúc thành công chuyến công tác thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.