Thương sinh viên tình nguyện làm đường vất vả, người dân nấu ăn phục vụ tận nơi

Phúc Kha
Phúc Kha
07/07/2023 11:23 GMT+7

Niềm vui ấm áp của sinh viên tham gia tình nguyện Mùa hè xanh nhận được trong những ngày 'đánh vật' với bê tông, cát đá, với nắng nóng để xây dựng đường nông thôn chính là sự quan tâm, động viên, yêu thương, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền, người dân địa phương.

Cuối tháng 6.2023, Đội hình Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Khoa Công nghệ vật liệu, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đã về xã biên giới Bình Phú, H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp để thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần nâng cao đời sống bà con, chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương.

Yêu thương sinh viên như con cháu trong gia đình

Tại nhà gia đình bà Lê Thị Thanh Nga và ông Nguyễn Văn Điền, ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú, luôn rộn rã tiếng cười, nói của sinh viên tình nguyện, tiếng trò chuyện ấm áp của bà Nga và chồng cùng sinh viên. Gia đình bà Nga đã hỗ trợ chỗ ăn ở cho sinh viên trong những ngày làm việc tại địa phương.

Bà Thanh Nga cho biết: “Chính quyền địa phương đến nhà hỏi cho sinh viên về sinh hoạt, ăn ở trong 1 tháng. Nghe xong, tôi và chồng đồng ý liền. Trước ngày sinh viên về ở nhà, tôi đi mua 1 cái mùng dài 5m để cho nhiều sinh viên ngủ ban đêm không bị muỗi đốt. Cái mùng dài như thế mới đủ chỗ cho sinh viên ngủ. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng tin tưởng, yêu thương sinh viên như con cháu trong gia đình”.

“Sinh viên cũng như con cháu của mình, họ về đây xây đường sá nên mình nấu bữa cơm cho các cháu ăn cũng là chuyện bình thường. Tôi không đóng góp được vật chất, thì tôi góp sức mình nấu ăn, cho chỗ ngủ, nghỉ. Thấy mấy cháu đi xây đường suốt mấy ngày vất vả nên rất thương”, bà Trần Thị Nguyên, ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú, H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 2.

Gia đình bà Thanh Nga tạo mọi điều kiện sinh hoạt cho sinh viên tình nguyện đến ở trong những ngày tham gia Mùa hè xanh

PHÚC KHA

Bà Lê Thị Hằng Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Bình Phú, cho biết khi nhận được thông tin sinh viên tình nguyện về thực hiện công trình xây đường nông thôn ở địa phương, Hội Phụ nữ đã huy động hội viên tham gia công việc nấu ăn bữa trưa cho sinh viên để các em an tâm khi làm việc ở địa phương. Mỗi ngày có khoảng 5 - 7 người tham gia nấu bữa trưa. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ cũng vận động nhà hảo tâm, người dân địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm như thịt cá, rau củ quả, các loại gia vị, gạo… để nấu ăn cho sinh viên.

“Việc nấu ăn tại nhà giúp sinh viên bữa ăn được phong phú, bù lại được phần năng lượng đã mất sau khoảng thời gian làm việc vất vả. Địa phương có chung mong muốn là làm điều gì đó dù nhỏ nhưng có ý nghĩa để có thể động viên, tiếp thêm động lực cho sinh viên tình nguyện hoàn thành tốt công việc của mình”, chị Hằng Liên nói.

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 3.

PHÚC KHA

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 4.

PHÚC KHA

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 5.

Bà con chuẩn bị bữa trưa cho sinh viên

PHÚC KHA

“Hiểu được thế nào là tình làng nghĩa xóm”

Thời gian sinh sống cùng người dân địa phương khi tham gia tình nguyện Mùa hè xanh là để sinh viên trải nghiệm, để cảm nhận được cuộc sống sinh hoạt thường ngày, phong tục tập quán và sống gần gũi với người dân.

“Trải nghiệm cuộc sống bình dị và giản đơn của người dân miền Tây chân chất trong khoảng thời gian vừa qua, sinh viên dần thoát được lớp vỏ “cậu ấm cô chiêu” để trưởng thành hơn, không ngần ngại dấn thân vào hoạt động tình nguyện, cùng bà con xã Bình Phú chung tay xây dựng tuyến đường nông thôn”, anh Trần Anh Tú, Đội trưởng Đội hình Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Khoa Công nghệ vật liệu chia sẻ.

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 6.

Sinh viên phụ giúp các chị nấu ăn

PHÚC KHA

Theo anh Tú, những ngày sinh hoạt cùng người dân ở xã Bình Phú còn giúp sinh viên tình nguyện hiểu được thế nào là tình làng nghĩa xóm, hiểu được tình cảm mộc mạc, chất phác của những con người nơi vùng biên giới. Họ thật hiền lành, gần gũi và xem sinh viên như người thân trong gia đình mình.

“Từ khi di chuyển đến địa phương, sinh viên đã nhận được sự quan tâm, yêu thương từ phía bà con cô bác. Những nải chuối, dưa hấu, chai nước mắm, nước tương được bà con biếu tặng, thật sự là những nguồn động viên to lớn giúp cho sinh viên tình nguyện quên đi mệt mỏi, quên đi những vụng về của lần đầu cầm dao, cầm cuốc”, anh Tú kể.

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 7.

Bữa ăn trưa của sinh viên tại nhà người dân địa phương

PHÚC KHA

Sinh viên tình nguyện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân - Ảnh 8.

Sinh viên tình nguyện xây đường nông thôn tại xã Bình Phú, H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp

PHÚC KHA

Ngoài cảm giác háo hức, ngay từ đầu tham gia chiến dịch, Dương Thị Hồng Ngọc, thành viên Đội hình Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Khoa công nghệ vật liệu, vẫn thấp thỏm lo lắng về chỗ ăn, chỗ ở, làm gì, làm như thế nào và liệu có sống được như người dân hay không?

Hồng Ngọc nói: “Khi đặt chân tới địa phương, người dân hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, xem tụi mình như con cháu trong nhà. Hơn 2 tuần sinh hoạt cùng người dân, tụi mình dần quen được nếp sống, biết cách chia sẻ, trò chuyện cùng người dân, rồi khi tiếp xúc với người dân phải hoạt bát, lễ phép ra sao”.

Những ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, đọng lại trong tâm thức của Hồng Ngọc là những kỷ niệm không thể nào quên. Ngọc chia sẻ: “Khi nhận những món ăn do bà con tự tay nấu, tạo điều kiện ăn ở thoải mái, tụi mình đều cảm thấy như đang nhận từ tấm lòng những người thân của mình. Tụi mình rất xúc động, cảm kích tấm lòng của bà con”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.