Tiềm năng du lịch Tây Ninh

08/06/2013 09:48 GMT+7

Tỉnh Tây Ninh có điều kiện tự nhiên và nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Với những cố gắng của địa phương, đến nay du lịch của tỉnh đã có những nét khởi sắc, thu hút được nhiều khách tham quan.

Tây Ninh có đường biên giới chung với Campuchia dài 240 km với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát. Ngoài ra, Tây Ninh còn có 4 cửa khẩu quốc gia và 14 cửa khẩu tiểu ngạch. Là tỉnh nằm giữa 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Phnom Penh (Campuchia) trên các trục giao thông đường Xuyên Á, Quốc lộ 22… Đây là điệu kiện thuận lợi cho địa phương kết nối kinh tế trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội phát triển, đặc biệt là du lịch. Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 201 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, Tây Ninh được biết đến là nơi có hệ thống di tích lịch sử, di tích khảo cổ, công trình kiến trúc độc đáo; với phong tục tập quán đa dạng về tính chất, phong phú về hình thức. Một số di tích nổi tiếng ở Tây Ninh như: di tích chiến thắng Tua Hai, tháp cổ Bình Thạnh, tháp Chóp Mạt… Ngoài ra, Tây Ninh còn có thể phát triển nhiều làng nghề truyền thống như bánh canh, bánh tráng phơi sương, mây tre đan, làng rèn, nghề muối ớt... Đây là cơ hội để Tây Ninh chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành “công nghiệp không khói” nhằm khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh khu vực. Hiện tại, các mảng du lịch đang được định hướng khai thác như du lịch sinh thái (Hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Ma Thiên Lãnh), du lịch tâm linh (núi Bà Đen, chùa Tòa Thánh) và ẩm thực (bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt tôm, mãng cầu ta Bà Đen – sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý).

Núi Bà Đen trở thành KDL quốc gia

Một tin vui vừa qua được Sở VHTT-DL tỉnh Tây Ninh cho biết, Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen vừa được Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch (KDL) quốc gia. Theo đó, KDL này sẽ được đầu tư số vốn 210 triệu USD (chia thành 4 giai đoạn bắt đầu từ năm 2011 đến 2030) để xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, Căn cứ trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên) cũng đã trở thành điểm du lịch quốc gia. Theo Sở VHTT-DL Tây Ninh, chỉ tính riêng những ngày Hội xuân núi Bà Đen năm 2013, khách tham quan đạt mức trên 1,4 triệu người, tăng 112% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch núi Bà Đen trong đợt này đạt 28,75 tỉ đồng. Theo dự báo doanh thu du lịch tại núi Bà Đen đến năm 2015 sẽ đạt 53,35 triệu USD và đến năm 2020 sẽ đạt 72,76 triệu USD.

Theo Sở VHTT-DL Tây Ninh, một số dự án đầu tư phát triển du lịch của tỉnh nếu được đầu tư chu đáo thì ngành du lịch Tây Ninh nhanh chóng có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ví dụ như khu vực Hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt hồ 27.000 ha, đất bán ngập 4.560 là điều kiện thuận lợi để đầu tư thành khu nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, công viên rừng, khu săn bắn, câu cá, bãi tắm, du thuyền, các môn thể thao trên nước… Ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Tây Ninh cho biết, để phát triển du lịch bền vững cần phải gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn thì những địa danh gắn liền với Tây Ninh như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Căn cứ trung ương Cục miền Nam là cơ hội phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.