Tiếng trống làng Chăm

07/10/2013 09:25 GMT+7

Ai đã từng có dịp về thăm những xóm Chăm bên bờ sông Hậu đỏ quạch phù sa, chắc chắn sẽ không thể nào quên được tiếng trống Ráp Pà-nà như muốn níu chân khách lạ.

 Đội trống cổ Ráp Pà-nà Lama
Đội trống cổ Ráp Pà-nà Lama (xã Vĩnh Trường, H.An Phú) trong một lần tập hợp đầy đủ cùng nhau chơi trống - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Cội nguồn âm nhạc Chăm

Trải qua bao biến động lịch sử, chiến tranh, chạy loạn rồi di cư khắp nơi nên nét văn hóa của người Chăm An Giang có phần đặc biệt hơn người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận. Không có điệu múa quạt xòe dịu dàng, uyển chuyển, những bữa tiệc văn nghệ của đồng bào Chăm An Giang đều xoay quanh tiếng trống.

Theo ghi chép của một số nhà nghiên cứu về văn hóa người Chăm, âm nhạc Chăm ở An Giang bắt nguồn từ tiếng trống. Tiếng trống chính là cội nguồn để âm nhạc hình thành và phát triển với những điệu hò, vè, làn điệu ru em... Nhiều loại hình văn nghệ của đồng bào Chăm An Giang cũng được phát triển từ tiếng trống Ráp Pà-nà như: ca dao Pa-nược Pa-dát, hát giao duyên Ađtơn, Atằm Tànà, hát ống, vè, hát đố, hát ru em, đồng dao hay các điệu hò… Âm nhạc Chăm An Giang không có múa, không có bất kỳ nhạc khí nào ngoài bộ gõ.

 Nghệ sĩ Bu-ba Cơ
Nghệ sĩ Bu-ba Cơ đang lần giở sách nhạc cổ chơi trống Ráp Pà-nà - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

 

Để hiểu nghệ thuật Chăm thì cả đời người chẳng thể nói hết, hiểu hết. Nhưng để có tâm hồn đồng điệu với nghệ thuật Chăm thì phải đắm mình trong tiếng trống người Chăm.

Ông Lâm Thanh Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo H.An Phú

Ông Lâm Thanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo H.An Phú, một nghệ sĩ,  nhạc sĩ đã gắn bó phần lớn cuộc đời âm nhạc của mình với đồng bào Chăm An Giang, nói: “Để hiểu nghệ thuật Chăm thì cả đời người chẳng thể nói hết, hiểu hết. Nhưng để có tâm hồn đồng điệu với nghệ thuật Chăm thì phải đắm mình trong tiếng trống người Chăm”.

Nỗi niềm... trống cổ

Gặp ông Cả Musa Haji, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo dân tộc Chăm An Giang, được nghe ông kể về nguồn cội tiếng trống Ráp Pà-nà và sự chia tách từ trống Pa-ra-nưng thành 2 dòng trống: trống Pa-ra-nưng ở vùng duyên hải Nam Trung bộ và Ráp Pà-nà ở An Giang. Trống Ráp Pà-nà có hình dáng tựa trống Pa-ra-nưng nhưng mục đích và cách biểu diễn có phần khác biệt. Một đội đầy đủ của trống Ráp Pà-nà gồm 12 chiếc (2 trống đực, 10 trống cái).

Trống Ráp Pà-nà được làm bằng cách khoét lỗ thân các loại danh mộc như giáng hương, mun… có tuổi từ 100 năm trở lên. Mặt trống làm bằng da dê già, niềng thân trống bằng dây mây rừng. Âm thanh trống hay, dở là do niềng và căng trống. Trống Ráp Pà-nà chỉ dành cho nam giới chơi vào những ngày lễ tết. Khi chơi trống, người chơi ngồi thành vòng bán nguyệt. Đội đồng ca cũng là người chơi trống, cất vang những bài hát ca ngợi tình mẹ cha, tình yêu quê hương đất nước, lời răn dạy… 

Ngày nay, do nhu cầu giao lưu văn hóa, trống Ráp Pà-nà cũng được biểu diễn trong những ngày lễ hội, giao lưu. Ông Cả Musa Haji nói rằng ngày trước, 9 xóm người Chăm ở An Giang đều có đội trống cổ, nhưng nay chỉ còn 2 đội:  xóm Châu Giang (xã Châu Phong, TX.Tân Châu) và đội trống Lama (xã Vĩnh Trường, H.An Phú).

Ông Mách Ta Rế, Trưởng ban Trống cổ Lama, cho biết trống cổ Ráp Pà-nà trước kia đủ 12 cái, tuổi thọ khoảng 300 năm. Nhưng thời chiến tranh, mỗi người đem về cất riêng rồi thất lạc, bây giờ chỉ còn 6 chiếc, 1 trống đực (còn gọi là trống dẫn) và 5 trống cái. “Anh em chơi trống chúng tôi lâu lâu mới có dịp tập trung lại vì ai cũng bận làm ăn xa. Tụi tui bây giờ đã 50 - 60 tuổi hết rồi, sức khỏe cũng yếu nên rất muốn dạy cho con cháu nhưng chúng nó không chịu học. Nghĩ mà buồn lắm thay…”, ông Mách Ta Rế bùi ngùi.

 Nguyễn Huỳnh

>> Tượng nữ thần Chăm
>> Tiếng trống Paranưng không xuyên tạc văn hóa Chăm
>> Trưng bày bộ sưu tập hiện vật văn hóa Chăm
>> Rực rỡ sắc màu văn hóa Chăm
>> Dấu ấn văn hóa Chăm pa ở Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.