'Tính lương khởi điểm của bác sĩ theo lương cơ sở là chưa phù hợp'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
17/10/2023 15:05 GMT+7

Ông Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho hay mức lương khởi điểm của bác sĩ bằng với các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học ở bậc 1 (hệ số 2,34 x mức lương cơ sở) là chưa phù hợp.

Sáng 17.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri ngành y tế và ngành giáo dục tại TP.HCM về góp ý sửa đổi luật BHXH và các vị trí việc làm, chính sách tiền lương hiện hành của cán bộ, viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp.

Nhiều ý kiến đại diện bệnh viện đã đề cập đến chính sách tiền lương cho cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế hiện nay còn thấp.

Lương bác sĩ trẻ chưa tương xứng

Đơn cử, ông Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho hay mức lương này đang được thực hiện theo Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ. Tuy nhiên, ông nói: "Mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ bằng với các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học ở mức bậc 1 (hệ số 2,34 x mức lương cơ sở) là chưa phù hợp".

'Tính lương khởi điểm của bác sĩ theo lương cơ sở là chưa phù hợp' - Ảnh 1.

Ông Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

THU NGÂN

Bởi theo ông Hiếu, đối với đội ngũ bác sĩ, do tính chất đặc thù về thời gian đào tạo là 6 năm kéo dài hơn so với các ngành nghề khác. Sau khi ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề cơ bản (như về nội, ngoại, sản, nhi).

Rồi đến các đơn vị như Bệnh viện Ung bướu thì các bác sĩ phải tham gia đào tạo sau đại học bác sĩ chuyên khoa I, chuyên ngành ung bướu, với thời gian học 2 năm để đủ điều kiện hành nghề. Trong quá trình hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức ngắn hạn và dài hạn với kinh phí khá cao...

"Nếu áp dụng mức lương khởi điểm như hiện tại thì không đảm bảo nhu cầu cuộc sống, không thu hút nhân lực", ông Hiếu nói và kiến nghị các đại biểu Quốc hội, các đơn vị xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu với bác sĩ. Ngoài ra, cần điều chỉnh tăng khoảng cách chênh lệch giữa các bậc lương và giảm thời gian nâng bậc lương.

Về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến và sẽ kiến nghị để xây dựng mức lương thỏa đáng hơn.

Bác sĩ y học dự phòng phải chuyển làm chuyên viên

Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM Võ Đức Hiếu cũng thông tin rằng theo đề án vị trí việc làm năm 2020 của đơn vị được phê duyệt, có vị trí việc làm bác sĩ y học dự phòng. Đến nay, đã bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng với 5 viên chức, trong đó có 2 phó trưởng khoa.

Tuy nhiên, khi căn cứ Thông tư 03 năm 2023 của Bộ Y tế thì có quy định vị trí việc làm tại cơ sở khám chữa bệnh không có bác sĩ y học dự phòng.

Điều này khiến bệnh viện không thể xây dựng vị trí việc làm bác sĩ y học dự phòng. Đồng nghĩa là 5 viên chức đã tuyển dụng phải chuyển sang chức năng nghề nghiệp mới như chuyên viên, y tế công cộng... Trong khi đó, y tế công cộng học cử nhân 4 năm còn bác sĩ y học dự phòng học tới 6 năm, điều này là lãng phí.

Cạnh đó, ông Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cũng cho rằng theo hướng dẫn cũ (trước khi Thông tư 03 năm 2023 của Bộ Y tế có hiệu lực), tiêu chuẩn đào tạo bồi dưỡng của bác sĩ là tốt nghiệp bác sĩ trở lên và của nhân viên hộ sinh là tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành hộ sinh.

'Tính lương khởi điểm của bác sĩ theo lương cơ sở là chưa phù hợp' - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

THU NGÂN

Nhưng từ khi áp dụng Thông tư 03 thì tiêu chuẩn đào tạo bồi dưỡng của bác sĩ là tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành y học; còn của hộ sinh là tốt nghiệp cao đẳng hộ sinh.

Điều này khiến bệnh viện bị động trong tuyển dụng viên chức và khó giải quyết đối với những người lao động đã được tạm tuyển chờ xét tuyển viên chức. Trong khi đó, bệnh viện không thể điều chỉnh đề án vị trí việc làm tất cả chức danh y tế vì sẽ tăng quỹ tiền lương và cũng không đúng nhu cầu của bệnh viện. Vì vậy, ông Nghiêm đề xuất cần điều chỉnh lại quy định như cũ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian chuẩn hóa trình độ đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y sinh vì thiếu nhân lực. Theo ông Dũng, việc chuẩn hóa nên tiến hành ở mốc thời gian năm 2030.

Lo vượt quỹ BHYT

TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho hay khi các bệnh viện tự chủ, nghĩa là phải có người bệnh, tức có nguồn thu chi. Việc nhiều người đến khám bệnh tại đơn vị phản ánh được chất lượng điều trị tốt.

Nhưng khi người bệnh đến nhiều hơn, các bệnh viện lo lắng nguy cơ vượt quỹ BHYT đã quy định và lo hơn khi phần vượt quỹ có nguy cơ không được chi trả trong khi người bệnh đã được khám xong, đã chi tiền thuốc... Chính điều này khiến bệnh viện không có nguồn để chi lương thưởng cho người lao động, chi mua sắm hay đầu tư phát triển thêm về vật tư máy móc.

'Tính lương khởi điểm của bác sĩ theo lương cơ sở là chưa phù hợp' - Ảnh 3.

TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM), nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri

THU NGÂN

Ông Thanh dẫn lại thông tin trong buổi sơ kết công tác khám chữa bệnh 9 tháng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Sở Y tế TP.HCM diễn ra chiều 13.10 rằng hiện ước tính TP.HCM đã vượt quỹ khoảng 1.400 tỉ đồng. Nếu cơ quan BHXH trình Chính phủ bù chi thì cũng được khoảng 800 tỉ đồng, như vậy, số còn lại khả năng các cơ sở khám chữa bệnh phải gánh.

Về vấn đề này, Phó giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh cho biết hiện nay căn cứ quyết toán hằng quý của bệnh viện, cơ quan BHXH sẽ thanh toán. Trước mỗi quý, BHXH cũng sẽ tạm ứng.

"Liên quan về lo ngại vượt quỹ BHYT, đây là vấn đề được trao đổi rất nhiều lần. Tôi nghĩ rằng BHXH TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM cần phối hợp để thực hiện tốt hơn", ông Nguyễn Quốc Thanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.