Tình tiết mới vụ VĐV Việt Nam bị nghi dùng doping

11/11/2022 08:48 GMT+7

Các VĐV thể hình VN điều trần về việc sử dụng doping trước SEA Games 31; mẫu B xét nghiệm có chất cấm hay không của 5 tuyển thủ điền kinh sẽ cho kết quả sau ít ngày tới. Đó là vấn đề nóng của thể thao Việt Nam .

Không biết thực phẩm chức năng chứa chất cấm ?

Theo đề nghị của 5 VĐV tuyển điền kinh Việt Nam (có kết quả xét nghiệm dương tính với doping mẫu A khi tham dự SEA Games 31), phòng xét nghiệm tại Thái Lan đã tiến hành xét nghiệm mẫu B ngày 5.11 vừa qua. Dự kiến khoảng giữa tuần sau, phòng xét nghiệm này sẽ trả kết quả cho ngành thể thao Việt Nam.

Dựa trên kết quả cuối cùng này mới kết luận chính thức về việc 5 VĐV nói trên có sử dụng doping tại SEA Games 31 hay không. Sau đó ngành thể thao mới có cơ sở thực hiện những quy trình tiếp theo, hoặc “xóa án” nếu mẫu B cho kết quả âm tính hoặc yêu cầu cả 5 VĐV phải giải trình và quyết định án phạt cho họ nếu mẫu B cũng dương tính.

Thời gian tới, các VĐV của Việt Nam buộc phải có giấy chứng nhận đã học tuyên truyền về doping

Thái Ninh

Xin được nhắc lại, 5 VĐV này đều đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31, trong đó 4 VĐV nữ giành HCV nội dung cá nhân và tiếp sức (có 1 VĐV nữ còn giành thêm 1 HCB); VĐV nam giành HCĐ nội dung cá nhân. Kết quả sơ bộ ban đầu ở mẫu A, 5 VĐV điền kinh Việt Nam có thể đã sử dụng chung một loại thực phẩm chức năng có chất tăng cường chuyển hóa. Chất này không được ghi trên nhãn mác của loại thực phẩm chức năng này nên có thể các VĐV khi mua về sử dụng không biết là có chất cấm trong đó. Trong trường hợp nếu mẫu B dương tính với doping thì tình tiết trên đây có thể giúp giảm nhẹ án kỷ luật đối với cả 5 VĐV Việt Nam.

Ở diễn biến khác, như Thanh Niên từng đưa tin, trước SEA Games 31, Liên đoàn Thể hình Việt NamN tiến hành xét nghiệm doping với tuyển thể hình VN và có tới 8 VĐV bị phát hiện dùng chất cấm trong thể thao (mẫu A dương tính). Khi kiểm tra mẫu B, có 2 VĐV kết quả âm tính, 6 VĐV còn lại vẫn dương tính với chất cấm nên đã bị loại khỏi đội tuyển dự SEA Games 31.

Mới đây, các VĐV này phải tham gia phiên điều trần và họ giải trình về việc đã sử dụng thuốc tăng cường chuyển hóa, có tác dụng tạo vóc dáng đẹp cho cơ thể khi thi đấu. Khác với thực phẩm chức năng không thuộc ngành dược, thuốc khi được sản xuất bắt buộc phải ghi rõ thành phần của thuốc. Các VĐV thể hình chắc chắn biết tên loại chất bị cấm nhưng vẫn cố ý sử dụng. Vì thế, các VĐV này tuy không được dự SEA Games 31 nhưng vẫn đối mặt án phạt nặng từ Liên đoàn Thể hình Việt Nam.

Muốn dự ASIAD phải có giấy chứng nhận đặc biệt

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) cùng các tổ chức hay hội đồng thể thao khác trên thế giới ngày càng siết chặt vấn đề phòng chống doping tại tất cả giải đấu, ở mọi quy mô và cấp độ. Cách đây chưa lâu, tuyển cử tạ Việt Nam dự giải châu Á tại Bahrain và tuyển cầu lông người khuyết tật Việt Nam dự giải tại Nhật Bản, mỗi VĐV phải mang theo giấy chứng nhận đã tham gia khóa học về phòng chống doping. Nếu không có chứng nhận này, các VĐV sẽ không đủ điều kiện thi đấu. Với những đại hội thể thao tầm cỡ như Olympic hay ASIAD, giấy chứng nhận đã học tuyên truyền về doping sẽ xem như tiêu chuẩn bắt buộc mà các đoàn thể thao phải có mới được phép thi đấu. ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2023, đoàn thể thao Việt Nam cũng như các đoàn khác của châu Á, mỗi VĐV của các đội tuyển (kể cả bóng đá nam, nữ) buộc phải có giấy chứng nhận này (do WADA cấp hoặc do Trung tâm phòng chống doping quốc gia cấp). IOC yêu cầu đến đầu năm 2024, mọi giải đấu quốc tế và đại hội thể thao, các VĐV nếu không có giấy chứng nhận đã học về phòng chống doping, có thể ngoài việc không được thi đấu thì còn bị chế tài.

“Phủ sóng” rộng hơn số lượng VĐV được kiểm tra doping

Trước các kỳ SEA Games hay ASIAD, đoàn thể thao Việt Nam sẽ chọn một số lượng VĐV nhất định (thường là các VĐV trọng điểm) để tiến hành kiểm tra doping. Kể từ năm 2023, ngành thể thao sẽ “phủ sóng” rộng hơn số lượng VĐV được xét nghiệm doping. Trước SEA Games 32 khoảng 1 tháng, có thể khoảng 100 VĐV được xét nghiệm doping, còn trước ASIAD số lượng vào khoảng 70 VĐV.

Bóng đá cũng là môn mà Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sẽ áp dụng biện pháp như IOC đã tiến hành. Một bác sĩ thể thao cho biết Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải tính đến việc tổ chức các khóa học về phòng chống doping cho các tuyển thủ của tuyển Việt Nam, U.23, các đội tuyển trẻ. Nhiều khả năng từ năm 2023, những giải đấu bóng đá do FIFA hay Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức, mỗi đội tuyển phải chứng minh bằng giấy tờ về việc các cầu thủ đã học về phòng chống doping. Nếu không có loại giấy chứng nhận này, đội tuyển đó sẽ phải về nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.