Tòa án không thu thập chứng cứ: Người yếu thế thiệt thòi?

10/09/2023 07:45 GMT+7

Luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực, quy định tòa án có nghĩa vụ xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính. Tuy nhiên, trong dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi đang lấy ý kiến, TAND tối cao đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ này.

Theo đó, trong vụ án hình sự, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử.

Tòa án không thu thập chứng cứ: Người yếu thế thiệt thòi ? - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án

Phúc Bình

Đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan?

Giải thích về đề xuất của mình, TAND tối cao cho biết, tòa án giữ vai trò là trọng tài, phán quyết trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, cùng với kết quả tranh tụng tại phiên xử. Phán quyết ấy phải công bằng, vô tư, khách quan; không được nghiêng về bên nào trong suốt quá trình xét xử cũng như tố tụng.

Quy định hiện hành giao cho tòa thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, dễ có định kiến hoặc xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập. Việc này nếu xảy ra sẽ gây có lợi hoặc bất lợi cho một bên nào đó, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của tòa, hạn chế thực hiện nguyên tắc tăng cường tranh tụng trong xét xử.

TAND tối cao còn tổng kết rằng quy định đang áp dụng vô hình trung khiến người có nghĩa vụ chứng minh không chủ động thu thập, cung cấp chứng cứ mà trông chờ vào tòa án. Trong khi đó, việc phải thực hiện một số biện pháp thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc đang ngày càng gây quá tải cho tòa án, đặc biệt là các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Để tạo thuận lợi cho đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, song song với việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ, dự thảo của TAND tối cao đề xuất tòa án sẽ hướng dẫn đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc hoặc hỗ trợ các đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ theo quy định. Cạnh đó, dự thảo còn quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự khi có yêu cầu.

Tòa thu thập chứng cứ còn khó, huống chi đẩy cho dân?

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ngày 7.9), khi cho ý kiến đối với dự thảo của TAND tối cao, một số đồng tình nhưng cũng nhiều người còn băn khoăn xung quanh việc có nên bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án.

"Tòa án phải đứng thẳng"

Giải trình trước những băn khoăn về đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay cơ quan soạn thảo đã dịch rất nhiều luật, đã tham khảo rất nhiều nước, "không có quốc gia nào giao cho tòa án thu thập chứng cứ".

Nhấn mạnh sự độc lập và khách quan trong xét xử, ông Bình cho rằng "tòa án là phải đứng thẳng", nếu tòa án thu thập chứng cứ có lợi cho nguyên đơn thì lệch về bên nguyên đơn, có lợi cho bên bị đơn thì lệch về bên bị đơn, thậm chí có thể bị khởi kiện. Thêm vào đó, tòa thu thập chứng cứ rồi lại xét xử trên cơ sở chính chứng cứ mình thu thập, bỏ quên các chứng cứ khác, như vậy là không được.

Trước lo ngại quyền lợi người yếu thế sẽ bị ảnh hưởng, ông Bình khẳng định dự thảo luật đã nêu rõ tòa án phải hướng dẫn thu thập chứng cứ (ví dụ phải có chứng cứ a, chứng cứ b; phải đến cơ quan này, cơ quan kia) và hỗ trợ thu thập chứng cứ (trong trường hợp người yếu thế, không thu thập được chứng cứ). "Đây là việc phù hợp với thực tiễn, riêng có của tòa án VN", ông Bình nhận định.

Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn, Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia VN, cho rằng đây là vấn đề rất mới, cần phải bàn kỹ. Xưa nay, xã hội vẫn quan niệm "việc dân sự cốt ở đôi bên", nghĩa là đề cao sự hòa giải và vai trò thu thập tài liệu, chứng cứ của đương sự nhằm tự chứng minh cho quan điểm của mình. Nhưng đó là với đương sự có đủ trình độ, điều kiện để tự giải quyết; còn với đương sự yếu thế (người nghèo, ít hiểu biết…) lại là câu chuyện khác, mà như ông Phàn nói, "người ta không tự xử được mới phải cầu cứu đến cơ quan tư pháp, đến Viện kiểm sát, đến tòa án"; thậm chí "tòa thu thập chứng cứ còn khó, huống chi đẩy cho dân".

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, dẫn câu chuyện mà ông được tìm hiểu, thực tế tại nhiều quốc gia, đó là "người dân kè kè luật sư bên cạnh". Để có được điều này, trình độ pháp luật là yếu tố quyết định. Còn ở VN, số vụ việc do tòa án giải quyết có sự tham gia của luật sư chỉ vỏn vẹn 8,15%, là rất thấp; đồng nghĩa số vụ án còn lại, đương sự sẽ phải trông chờ vào sự hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi từ cơ quan nhà nước.

"Không thể so sánh cứng nhắc với các nước, vì họ tiên tiến còn mình thì chưa thể. Cũng không thể lấy lý do ảnh hưởng tới sự khách quan khi phán quyết, bởi khách quan là trách nhiệm và nghĩa vụ của thẩm phán, trong mọi trường hợp", ông Kim nói.

Giống với đại biểu Phàn, đại biểu Kim lo ngại cho quyền lợi của nhóm đương sự yếu thế. Họ sẽ "kiệt quệ" nếu không được giúp đỡ (về việc thu thập chứng cứ), hoặc có thể không muốn ra tòa mà chấp nhận thiệt thòi, thua kiện luôn. Vì thế, ông Kim đề nghị tiếp tục xác định vai trò chủ động của tòa án trong việc thu thập chứng cứ, giữ nguyên như hiện nay.

Sự tương đồng ý kiến của 2 vị đại biểu trên còn được nêu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.