‘Tòa án thu thập chứng cứ còn khó, nếu buông thì đương sự chỉ có chết’

10/11/2023 07:28 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng, bản thân tòa án thu thập chứng cứ đôi khi còn khó, nếu bãi bỏ nghĩa vụ này và giao toàn bộ cho đương sự thì khó sẽ càng thêm khó.

Chiều 9.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là TAND tối cao đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, bao gồm cả án hành chính và án dân sự.

Việc thu thập chứng cứ sẽ giao hoàn toàn cho đương sự. Tòa án chỉ giữ vai trò trọng tài, xét xử trên cơ sở các chứng cứ do đương sự cung cấp.

‘Tòa án thu thập chứng cứ còn khó, nếu buông thì đương sự chỉ có chết’ - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) thảo luận tại tổ về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi

PHÚC BÌNH

Tòa án là cơ quan quyền lực, nhiều khi thu thập còn khó

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) cho biết rất băn khoăn đối với đề xuất của TAND tối cao. Ông Sơn lấy ví dụ một vụ án trên địa bàn tỉnh An Giang: người chị khởi kiện người em nhưng chỉ có duy nhất đơn khởi kiện, không có chứng cứ nào khác; trong khi đó, người em cung cấp đầy đủ chứng cứ. Quá trình giải quyết vụ án, bằng nghiệp vụ của mình, tòa án phát hiện có sự gian dối của người em, nên đã quyết định tuyên cho người chị thắng kiện.

Vị đại biểu cho rằng, đối với một số vụ án, nếu tòa án không tham gia việc thu thập chứng cứ thì khó xác định được sự thật của vụ án để giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tâm phục khẩu phục; nhất là án dân sự, hành chính, kinh tế…

Hay như câu chuyện vướng mắc về công tác giám định trong các vụ án dân sự, tòa án nhiều lần đề nghị nhưng cũng rất khó khăn. Thực tế này cho thấy, tòa án là cơ quan quyền lực, yêu cầu cơ quan Nhà nước mà còn khó, “nếu buông việc thu thập của tòa án thì đương sự chỉ có chết, không thể nào cung cấp được”.

Ông Sơn cho rằng chưa nên bãi bỏ hoàn toàn nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, vì thế đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc theo hướng có những vụ việc vẫn cần sự can thiệp từ tòa án.

Đồng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nhận định trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân hiện nay còn chưa cao; nhiều người không đủ điều kiện, không đủ thông tin, thậm chí không dám, không biết đi đến đâu để yêu cầu cung cấp chứng cứ.

Thêm vào đó, các cơ quan, tổ chức (UBND, sở, ngành…) cũng rất ít khi chủ động cung cấp thông tin cho người dân khi có yêu cầu.

Nhất trí về việc thông lệ quốc tế không quy định nghĩa vụ thu thập chứng cứ đối với tòa án, nhưng ông Sinh cho rằng ở Việt Nam “có lẽ chưa đủ chín”, cần thêm thời gian trước khi bãi bỏ nghĩa vụ này.

‘Tòa án thu thập chứng cứ còn khó, nếu buông thì đương sự chỉ có chết’ - Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi về các nội dung tại dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi

PHÚC BÌNH


Phải luôn công bằng, không được nghiêng về bên nào

Liên quan đến băn khoăn của các đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh đến nguyên tắc tranh tụng khi giải quyết các vụ án, dù đó là hình sự, dân sự hay hành chính.

Với nguyên tắc ấy, tòa án là trung tâm, đứng ở giữa, với vai trò là trọng tài. Quá trình xét xử, tòa án phải luôn công bằng, không được nghiêng về bên nào. Nếu tòa án thu thập chứng cứ rồi xét xử dựa trên chính những chứng cứ do mình thu thập thì sẽ có thể có lợi cho một bên, vi phạm nguyên tắc công tâm, khách quan.

“Chẳng lẽ tòa án đi thu thập chứng cứ có lợi cho cơ quan Nhà nước, bất lợi cho người dân? Tất cả các bên đều bình đẳng trước pháp luật, trước tòa án”, ông Bình nói, và khẳng định, “không có quốc gia nào giao cho tòa thu thập chứng cứ cả”.

Về ý kiến cho rằng người dân sẽ gặp khó trong việc tự thu thập chứng cứ, Chánh án TAND tối cao cho hay, dự thảo luật đã quy định tòa án có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ; nếu đương sự là người yếu thế thì tòa sẽ hỗ trợ thu thập chứng cứ.

Hướng dẫn ở đây là gì? Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tòa án sẽ hướng dẫn người dân phải đi tới đâu để thu thập chứng cứ. Nếu người dân yêu cầu, tòa án sẽ có văn bản gửi đến cơ quan A, cơ quan B đề nghị cung cấp chứng cứ cho người dân.

Ông Bình nhận định, với số lượng án thụ lý mỗi năm lên tới 600.000 vụ, trong khi số lượng thẩm phán chỉ khoảng 6.000 người, việc yêu cầu tòa án đi thu thập “từ đầu đến cuối” là không khả thi, vừa không đủ sức, vừa không khách quan.

Vẫn theo Chánh án tối cao, song song việc bãi bỏ nghĩa vụ của tòa án, dự thảo luật nêu rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định cho đương sự khi có yêu cầu. Trường hợp vi phạm thì phải có chế tài, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chế tài ra sao thì không nằm trong phạm vi luật Tổ chức TAND sửa đổi, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác.

Chế tài nếu không chịu cung cấp chứng cứ

Cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) ủng hộ đề xuất của TAND tối cao về việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ đối với tòa án. Tuy vậy, ông cho rằng cần nghiên cứu, hoàn chỉnh các luật có liên quan.

Vị đại biểu lấy ví dụ về thực tế trong lĩnh vực tố tụng hành chính, nhiều cơ quan bị kiện (chủ tịch UBND, UBND hoặc sở, ngành…) cung cấp tài liệu chứng cứ chưa được tốt, thế nhưng lại thiếu chế tài đối với hành vi này.

Do đó, song song với việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, ông Tuấn đề nghị phải nghiên cứu bổ sung các luật khác theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp chứng cứ, kèm theo đó là chế tài nếu vi phạm, để bảo đảm thuận lợi cho đương sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.