'Tòa huyện có thể xử cả chung thân, tử hình, chứ không dừng mãi ở 15 năm'

26/03/2024 16:44 GMT+7

Chánh án TAND tối cao nói rằng, với trình độ hiện nay, tòa án cấp huyện cũng có thể xử án chung thân hoặc tử hình, chứ không nên 'dừng lại mãi ở 15 năm'.

Chiều 26.3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo. Một trong những chính sách lớn được đề cập trong dự thảo là đổi tên tòa án cấp huyện thành tòa án sơ thẩm, tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm.

'Tòa huyện có thể xử cả chung thân, tử hình, chứ không dừng mãi ở 15 năm'- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc đổi tên gọi TAND cấp tỉnh và huyện là không cần thiết

PHẠM THẮNG

Cho ý kiến, một số đại biểu ủng hộ việc đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện, nhưng nhiều đại biểu không tán thành vì cho rằng đề xuất như dự thảo mới chỉ là đổi tên gọi chứ bên trong chưa thực sự mới.

Các đại biểu nhận định dù có tên gọi mới nhưng TAND sơ thẩm và phúc thẩm vẫn được bố trí theo địa giới hành chính như TAND cấp tỉnh và cấp huyện hiện tại. Chưa kể, cơ cấu tổ chức trong các tòa án cũng không có sự thay đổi so với bộ máy đang được vận hành, TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Việc chỉ dừng lại ở thay đổi tên gọi sẽ dẫn tới tình trạng "bình mới rượu cũ", phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi cũng như không thống nhất với một số cơ quan tố tụng khác có liên quan.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và huyện như quy định hiện hành. "Nhiều ý kiến nói sao cứ đổi hết cái này đến cái khác, từ căn cước công dân đổi thành căn cước, nay lại đến đổi tên tòa án", vị đại biểu nói và cho rằng việc chỉ thay đổi tên gọi là không cần thiết.

"Chúng ta không làm thì tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm"

Tham gia thảo luận tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm cần đổi mới (gồm việc đổi tên) TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện.

Theo ông Bình, đây là quy định của Đảng, thể hiện xuyên suốt từ Nghị quyết số 49 năm 2005 đến Nghị quyết số 27 năm 2022 (về cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền). 2 nghị quyết này đều nêu rõ tổ chức tòa án phải theo thẩm quyền xét xử.

"Luật tố tụng không quy định TAND cấp tỉnh làm cái này, TAND cấp huyện làm cái kia, mà chỉ nói sơ thẩm, phúc thẩm. Bản án cũng không nói TAND Q.Ba Đình làm cái này, TAND TP.Hà Nội làm cái kia, mà chỉ nói là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm quyết định thế này, thế kia", ông Bình nói.

'Tòa huyện có thể xử cả chung thân, tử hình, chứ không dừng mãi ở 15 năm'- Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc đổi mới TAND cấp tỉnh và huyện là cần thiết

PHẠM THẮNG

Dẫn chứng tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chánh án TAND tối cao khẳng định không có quốc gia nào tổ chức tòa án theo cấp tỉnh, huyện; bởi "đây là thẩm quyền quốc gia, quyền lực quốc gia nên phải tổ chức theo thẩm quyền xét xử".

Nhắc lại quan điểm của một số đại biểu khi cho rằng dự thảo chỉ đổi tên gọi chứ không đổi thẩm quyền của TAND cấp tỉnh và huyện, ông Bình cho hay dự thảo đã đổi tên và đổi cả thẩm quyền của 2 cấp tòa, theo thẩm quyền xét xử.

Hơn thế, việc thay đổi thẩm quyền xét xử sẽ còn nhiều hơn nữa khi tới đây sửa các luật tố tụng và phân cấp của tòa án.

"Chúng ta đã tiến một bước khi phân cấp TAND huyện được xử án đến 15 năm, nhưng với trình độ hiện nay thì có thể xử đến chung thân, tử hình; nên chúng ta cần có các bước đi hợp lý, chứ không dừng lại mãi ở cấp huyện 15 năm", Chánh án TAND tối cao nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành tòa án tiếp tục khẳng định về năng lực của tòa án cấp huyện hiện nay. Theo quy định, vụ việc có yếu tố nước ngoài phải chuyển lên tòa cấp tỉnh, nhưng thực tế một số vụ năng lực tòa cấp huyện, đặc biệt là tòa cấp quận của Hà Nội và TP.HCM, cũng có thể xử được. "Không việc gì phải lên tỉnh làm việc này", ông nói.

Nhấn mạnh đến lợi ích của việc đổi mới TAND cấp tỉnh và huyện, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng điều quan trọng nhất mang lại là đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa án, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.

"Hiện nay chúng ta không làm thì tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm, đây là xu hướng thế giới. Nếu không sửa bây giờ là lỡ một cơ hội để đổi mới triệt để hoạt động tòa án", ông nói và đề xuất đưa cả 2 phương án (đổi tên hoặc giữ nguyên - PV) vào dự thảo, để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 26.3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.