“Cò Lộc” đã ra đi

10/12/2008 11:23 GMT+7

Thành tích hạ gục bao tên cướp nguy hiểm đã khiến người Pháp tiếc thương “ông cò vĩ đại” Nguyễn Văn Lộc. “Cò Lộc”, tên đầy đủ là Georges Nguyễn Văn Lộc, đã qua đời tại Cannes, miền nam nước Pháp, vì đau tim vào rạng sáng 7-12 ở tuổi 75. Đây là một người Pháp gốc Việt đã trở thành một nhân vật huyền thoại của ngành cảnh sát Pháp từ nhiều năm qua.

“Ông cò vĩ đại”

Bộ trưởng Nội vụ Pháp, bà Michelle Alliot-Marie, đã suy tôn “viên chức cao cấp danh dự, khuôn mặt biểu tượng của giới cảnh sát”, và nhấn mạnh vai trò rường cột của ông trong việc xây dựng nên lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ GIPN (Nhóm can thiệp của cảnh sát quốc gia). Thị trưởng Marseille, ông Jean -Claude Gaudin, trong một thông cáo đã gọi ông Nguyễn Văn Lộc là “Ông cò vĩ đại”. Quan trọng hơn, rất nhiều thường dân từng biết hoặc từng gặp gỡ ông Lộc đều có câu chữ tốt đẹp về những cống hiến của ông cho sự an bình của địa phương.

Ông cò Georges Nguyễn Văn Lộc cũng khá có duyên trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ông là tác giả bộ tự truyện Le Chinois gồm sáu cuốn, xuất bản từ năm 1989-2006. Còn trên truyền hình, ông đã đóng vai chính mình trong bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng mang tên Văn Lộc - siêu cớm của Marseille, được trình chiếu trong khoảng 1992-1998. Hầu như ít có người Pháp mê xem phim truyền hình nào mà không biết tên ông.

Sinh ngày 2-4-1933 tại một khu phố bình dân ở Marseille, thành phố cảng miền nam nước Pháp, vốn là nơi sinh trưởng của nhiều tay trùm mafia địa phương, Georges Nguyễn Văn Lộc thường được gọi là “Le Chinois” (thằng Chệt, người châu u thường khó phân biệt được các dân tộc châu Á nên gọi “người Hoa” cho tiện). Người dân Pháp không thể quên ông Lộc vì ông đã góp công rất lớn trong việc thành lập đơn vị GIPN vào năm 1972.

Đây là đơn vị huyền thoại của ngành cảnh sát Pháp, chuyên can thiệp những vụ án nguy hiểm nhất như khủng bố, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các vụ bắt giữ con tin...

René Giancarli, một cựu đồng đội của ông, nay là lãnh đạo cơ quan y tế cấp cứu Marseille, cho biết chính ông Lộc đã khởi xướng việc thành lập những nhóm cảnh sát chuyên biệt rất giỏi võ, cũng như nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có sự hiện diện của các nhà trung gian hòa giải, đặc biệt là trong những vụ bắt con tin.

Con người của hành động

Georges Nguyễn Văn Lộc đã điều hành đơn vị GIPN của Marseille trong suốt 15 năm. Ông trực tiếp tham gia rất nhiều vụ giải cứu con tin, chẳng hạn như vụ ở sân bay Marignane vào cuối thập niên 1970, hay vụ ở Cagnes-sur-Mer, khi kẻ bắt cóc bắt giữ hai người thân trong gia đình và làm nhiều nhân viên cảnh sát bị thương. Hoặc trong vụ một người nghiện ma túy giữ mẹ mình làm con tin ở Marseille vào đầu thập niên 1980, chính “cò Lộc” đã có sáng kiến giả trang thành y tá để xâm nhập và vô hiệu hóa tên tội phạm.

Tuy “tả xung hữu đột” như thế nhưng “cò Lộc” không chủ trương dùng bạo lực, mà đưa ra sáng kiến ưu tiên cho các cố gắng hòa giải. Nhờ ông mà trong những đội cảnh sát đặc nhiệm GIPN ngày nay đều có các chuyên gia được đào tạo kỹ càng, đóng vai trò trung gian thương thảo với bọn tội phạm, để cố tìm ra một lối thoát trước khi phải dùng đến biện pháp mạnh.

Một đồng đội cũ khác nay là người đứng đầu đơn vị an ninh vùng duyên hải nhận xét có rất nhiều chuyện lý thú xung quanh ông, nhưng trước hết ông là một thủ trưởng được nhân viên rất mực kính nể, quý mến. Ông không bao giờ ngần ngại xông ra trước đầu sóng ngọn gió và rất hào hiệp với nhân viên dưới quyền. “Chúng tôi đã sống qua một thời kỳ phải gọi là “anh hùng” trong thời đại của ông. Hồi đó trang thiết bị không được hiện đại như bây giờ, nhưng chúng tôi đã có được các phương pháp hoạt động sáng tạo”.

Tuy là người đóng góp nhiều sáng kiến mới mẻ cho ngành cảnh sát, nhưng ông lại giữ những nguyên tắc đạo đức theo lối xưa. Khó thể ngờ được “siêu cớm” Georges Nguyễn Văn Lộc lại là một con người giàu từ tâm và rất trung thực, ngay cả đối với những kẻ lầm lỡ bước chân vào giới xã hội đen. Ông thường tâm sự: “Tôi luôn dành cho họ một cơ hội”. Không chỉ được những người trong ngành cảnh sát kính nể mà giới tội phạm cũng phải kiềng mặt.

Một trong những giai thoại khác được giới trong nghề kể lại (và đó cũng là câu chuyện khiến ông phải về hưu non) là vụ cướp Ngân hàng tín dụng Marseille vào tháng 2-1987. Bọn cướp bắt con tin, sau nhiều đợt thương lượng, cảnh sát Marseille gọi chi viện từ Paris. Đối thủ của ông cò Lộc lúc đó là “siêu cảnh sát” Robert Broussard xuống và đề nghị tiếp tục thương lượng trong khi ông Lộc đánh giá đã “đến lúc tấn công”.

Bọn cướp có thêm thời gian để thương lượng và kịp đào đường hầm xuống hệ thống cống đào thoát cùng 10 triệu franc lấy từ 26 két sắt. Cảnh sát Marseille cười vào mũi cảnh sát thủ đô. Nhưng câu chuyện đó đã khiến ông Lộc mất chức và dành thời gian viết sách, đóng phim.

Georges Nguyễn Văn Lộc được Nhà nước Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh và Huân chương Công trạng.

Theo Nguyên Vĩnh (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.