Kỷ Nguyên Hỗn Loạn *

15/12/2008 22:40 GMT+7

Trong suốt gần 20 năm, từ 1987 tới 2006, Alan Greenspan là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông đã được ca ngợi sau khi đưa hệ thống ngân hàng Mỹ vượt qua “ngày thứ hai đen tối” (19.10.1987) và kinh qua những chuyển biến quan trọng trong suốt thập niên 90.

Cùng lúc, nhiều nhà kinh tế hàng đầu cũng coi Greenspan là thủ phạm gây ra tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản Mỹ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và rộng hơn là khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nhưng sau tất cả những gì xảy ra, Greenspan vẫn là chuyên gia kinh tế uy tín và đến lúc này, khi đã về hưu và ở tuổi 82, ông vẫn là nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Báo Thanh Niên xin giới thiệu một số trích đoạn của cuốn The Age of Turbulence của Alan Greenspan do The Penguin Press xuất bản tại Mỹ năm 2007, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2008.

Ngày thảm họa

Buổi chiều ngày 11.9.2001, tôi đáp máy bay trở về Washington trên chuyến bay 128 của Hãng hàng không Thụy Sĩ, sau cuộc họp quốc tế thường kỳ của các thống đốc ngân hàng trung ương tại Thụy Sĩ. Khi tôi đang đi về phía cabin thì đội trưởng đội an ninh hộ tống tôi trong các chuyến đi nước ngoài là Bob Agnew chặn tôi ngay lối đi. Bob là cựu nhân viên mật vụ, một người thân thiện nhưng kiệm lời. Lúc đó, trông anh ta có vẻ nghiêm trọng. “Thưa ông Chủ tịch”, anh ta nói nhỏ, “Cơ trưởng muốn gặp ông ở phía trước. Hai máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới”. Khuôn mặt tôi lúc ấy chắc đầy vẻ nghi ngờ khiến anh ta phải nói thêm: “Tôi không đùa đâu”.

Tại buồng lái, cơ trưởng có vẻ khá căng thẳng. Anh ta nói với chúng tôi rằng đã xảy ra một vụ tấn công khủng khiếp chống lại đất nước chúng ta - một số máy bay đã bị đánh cắp, hai trong số đó đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc. Một chiếc khác đang mất tích. Đó là tất cả thông tin anh ta có được và nói ra bằng giọng tiếng Anh hơi lơ lớ. Chúng tôi sẽ quay trở lại Zurich và anh ta không thông báo nguyên nhân cho các hành khách khác.

 

Alan Greenspan - Ảnh: Reuters

“Chúng ta phải quay lại sao?”, tôi hỏi, “Liệu có thể hạ cánh ở Canada được không?”. Anh ta trả lời không được vì theo lệnh phải bay tới Zurich.

Tôi trở lại ghế ngồi khi cơ trưởng thông báo rằng cơ quan kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay của chúng tôi phải bay tới Zurich. Điện thoại ở ghế ngồi ngay lập tức bị tắc nghẽn khiến tôi không thể liên lạc được với mặt đất. Các đồng nghiệp ở Fed dự hội nghị với tôi tại Thụy Sĩ  cuối tuần hôm đó cũng đang đi trên các chuyến bay khác. Không có cách nào biết được sự việc đang tiến triển như thế nào, tôi không thể không nghĩ về những điều xảy ra trong ba giờ rưỡi nữa. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, công việc tôi mang theo, đống bản ghi nhớ và báo cáo kinh tế bị bỏ quên trong túi của tôi. Liệu có phải những cuộc tấn công trên báo hiệu sự bắt đầu của một âm mưu lớn hơn?

Ngay lập tức tôi cảm thấy lo cho vợ tôi - Andrea là trưởng nhóm phóng viên phụ trách các vấn đề quốc tế tại Washington của hãng tin NBC. Cô ấy không có mặt ở New York, điều đó là sự an ủi lớn, và Lầu Năm Góc cũng không nằm trong lịch làm việc ngày hôm đó của cô ấy. Tôi đoán rằng cô ấy hẳn đã ở văn phòng của NBC tại trung tâm thành phố, bận đưa tin tức đến tối mắt tối mũi. Do đó tôi không quá lo, tôi tự nhủ... nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy lại quyết định vào phút cuối đến phỏng vấn một vị tướng nào đó ở Lầu Năm Góc?

Tôi cũng lo cho đồng nghiệp của tôi tại Fed. Liệu họ có an toàn không? Và còn gia đình của họ nữa? Họ chắc đang cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng. Vụ tấn công này - diễn ra lần đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ kể từ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng - sẽ đẩy đất nước lâm vào khủng hoảng. Vấn đề tôi cần phải tập trung vào là liệu nền kinh tế có bị giáng một đòn chí mạng hay không.

Khủng hoảng kinh tế là quá rõ ràng. Kịch bản xấu nhất, mặc dù rất khó xảy ra, sẽ là sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Fed sử dụng hệ thống thanh toán điện tử với giao dịch lên đến hơn 4.000 tỉ USD/ngày bằng tiền mặt và trái phiếu với các ngân hàng trên khắp nước Mỹ và tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng nếu ai đó muốn tấn công nền kinh tế Mỹ, họ sẽ phá hủy hệ thống thanh toán. Các ngân hàng khi đó sẽ buộc phải sử dụng cách chuyển tiền mặt kém hiệu quả. Các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng phương thức hàng đổi hàng hay giấy vay nợ; mức độ hoạt động kinh tế trên toàn quốc sẽ rơi tự do như một hòn đá.

Trong Chiến tranh lạnh, nhằm đề phòng bị tấn công hạt nhân, Fed đã xây dựng nhiều cơ sở máy tính và thông tin dự phòng để bảo đảm an toàn. Chúng ta có nhiều tầng nấc bảo vệ, ví dụ như số liệu của một ngân hàng thuộc Fed luôn được lưu giữ tại một ngân hàng khác cách xa hàng trăm dặm, hay tại một địa điểm xa xôi nào đó. Trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, chúng ta ngay lập tức sẽ chạy hệ thống sao lưu tại những nơi không bị ảnh hưởng phóng xạ. Hệ thống có lẽ đang được Phó giám đốc Fed - ông Roger Ferguson - sử dụng trong ngày hôm nay. Tôi tin rằng ông ấy và những đồng nghiệp của chúng tôi sẽ có các bước đi cần thiết để bảo đảm hệ thống tiền tệ vận hành trơn tru.

Tuy nhiên, ngay cả khi tôi nghĩ về điều đó, tôi cũng không cho rằng phá hủy hệ thống tài chính một cách vật lý sẽ được những kẻ cướp máy bay chủ tâm sử dụng. Nhiều khả năng đây là hành động bạo lực mang tính biểu trưng chống lại nước Mỹ - giống như quả bom đặt tại garage của Trung tâm Thương mại Thế giới tám năm về trước. Điều làm tôi lo lắng là sự sợ hãi mà vụ tấn công đó gây ra - đặc biệt nếu xảy ra những vụ tấn công tiếp theo. Trong một nền kinh tế phức tạp như của Mỹ, người dân phải giao lưu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ một cách liên tục, và sự phân chia lao động rõ ràng đến mức tất cả các hộ gia đình đều phụ thuộc vào thương mại để tồn tại. Nếu người ta rút khỏi cuộc sống kinh tế hằng ngày - các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, hay thương gia quay lưng lại với thương mại, người dân ở nhà vì sợ đi siêu thị sẽ bị đánh bom liều chết - ảnh hưởng mang tính lan truyền sẽ xảy ra. Chính vấn đề tâm lý sẽ dẫn đến sự sợ hãi và suy thoái. Một sự hoảng loạn như vậy sẽ gây ra hàng loạt cuộc rút chạy và suy giảm kinh tế. Lúc đó đúng là họa vô đơn chí. (Còn tiếp)

Alan Greenspan

* Sách Kỷ Nguyên Hỗn Loạn (The Age of Turbulence) do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2008. Nhóm dịch: Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Văn Sảnh, Lê Hồng Vân, Nguyễn Minh Vũ. Nhan đề các kỳ do Thanh Niên đặt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.