"Hàng hiệu" xuống dốc

26/12/2008 13:00 GMT+7

Nhóm CP của các DN thuộc lĩnh vực tài chính CK, NH, bất động sản (BĐS) luôn được xem là "hàng hiệu" trên thị trường do những liên hệ mật thiết với nhau và luôn phản ứng nhanh nhạy nhất trước những biến động kinh tế vĩ mô.

Nhóm CP này còn được xem là chỉ báo của thị trường và thường là các cột trụ của những con sóng tăng giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường suy giảm chung, đây lại chính là những CP bị tác động nhiều nhất.

CP NH: Gánh nặng cuối năm

Phiên giao dịch ngày 25.12, cả hai sàn CK đều trong trạng thái giao dịch buồn ngủ với giá trị khớp lệnh thấp nhất kể từ đầu tháng 12 đến nay. Nhóm CP tài chính NH dẫn dắt con sóng nhỏ trong 2 tuần qua đã tỏ ra đuối sức rõ rệt: Lần lượt STB, SSI, PVF của sàn HoSE và ACB, KLS, HPC, BVS của sàn HaSTC quay đầu giảm giá với chào mua rất thấp. Theo phân tích và tư vấn của nhiều CTCK, CP lĩnh vực tài chính,  NH thuộc loại có nhiều rủi ro.
 
Nguy cơ lớn nhất đối với nhóm NH là khả năng không đạt lợi nhuận theo kế hoạch do tác động của việc lãi suất cơ bản hạ nhanh trong khi giá vốn huy động thời kỳ lãi suất cao chiếm tỉ trọng lớn. Báo cáo tài chính quý III của các NH phản ánh rõ nét hậu quả của cuộc đua lãi suất huy động trong nửa đầu 2008, mà thời điểm cao trào nhất là cuối quý II và đầu quý III vừa qua: Chi phí vốn huy động tăng khoảng 25%-27% so với quý II nhưng tổng dư nợ cho vay trung bình lại giảm từ 14%-16% làm cho hoạt động tín dụng trong quý III gần như không có lãi, lợi nhuận nhiều NH giảm sút mạnh so với 2 quý đầu năm.

Chẳng hạn ACB lũy kế 9 tháng vẫn đạt lợi nhuận 1.389 tỉ đồng nhưng lợi nhuận quý III giảm 35% so với quý II; STB giảm 34% so với quý II. Trong bối cảnh cho vay vẫn bế tắc, việc hoàn thành kế hoạch năm là thách thức lớn, nhu cầu vốn cuối năm sẽ không tăng cao như các năm trước và thu nhập từ lãi khó kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh trong quý IV.

Một rủi ro khác khiến CP NH giảm hấp dẫn là nguy cơ nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu liên quan đến BĐS. Mặc dù đã có nhiều thông tin khẳng định sự an toàn trong dư nợ liên quan đến BĐS nhưng thị trường vẫn luôn nghi ngờ phần chìm của tảng băng nổi. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nợ khó đòi từ cho vay BĐS đang có chiều hướng gia tăng. Tổng dư nợ cho vay BĐS là 115.500 tỉ đồng, tương đương 9,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
 
Các khoản cho vay cầm cố sổ đỏ nhà đất rất lớn và nếu chỉ một phần nhỏ của số này biến thành nợ xấu thì rủi ro cũng rất cao. Phân tích của CTCK Rồng Việt cho rằng nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9 là 35.000 tỉ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ và có thể tăng lên 4% vào cuối năm. Việc tăng chi phí dự phòng là khó tránh khỏi và NĐT cần phải cân nhắc đến những rủi ro này trước khi quyết định đầu tư ngành NH.

CP Cty chứng khoán:  "Hết sóng"

Với nhóm CTCK, chỉ có SSI "sáng giá" nhất với khoản lãi báo cáo dù khá khiêm tốn so với mục tiêu. Lũy kế 3 quý SSI đạt khoảng 42% kế hoạch còn lại các Cty khác đều báo cáo lỗ nặng. Từ góc độ phân tích cơ bản, nhóm CP này khó hấp dẫn vì thị trường không có thêm "con sóng" nào kể từ khi chốt quý III. Với những Cty lỗ do trích lập dự phòng, gần như khó có "cửa" vì tình hình hiện tại còn bi đát hơn cả thời điểm trích lập. Với CP "thượng hạng" SSI cũng phải đặt dấu hỏi lớn về kết quả kinh doanh quý IV khi lợi nhuận quý III chủ yếu là hoàn nhập dự phòng và bán đi phần lớn danh mục có lãi.

Trong các mảng nghiệp vụ đem lại lợi nhuận cho CTCK, tự doanh và môi giới chiếm tỉ trọng cao. Tuy nhiên, cũng dễ dàng phán đoán khả năng kinh doanh trong quý IV khi thị trường không có con sóng lớn đáng kể nào. Giá trị giao dịch liên tục giảm và ngày 25.12 cả hai sàn chỉ đạt 446,9 tỉ đồng, tương đương mức giao dịch của một sàn thời điểm bình thường. Do đó thu nhập từ môi giới không còn là cứu cánh cho các CTCK như thời điểm quý III vừa qua. Tự doanh cũng phải ngồi chơi khi hết sóng để lướt, thậm chí có Cty chỉ nhăm nhe bán cắt lỗ danh mục cho nhẹ nợ cuối năm.

CP BĐS:    Khéo "bắt đáy" cho dài hạn?

Cùng với nhóm CP tài chính NH, nhóm CP BĐS mà tiêu biểu là SJS trên sàn HoSE cũng là CP tiên phong trong đợt tăng giá vừa qua. CP BĐS chịu tác động của diễn biến đóng băng thị trường BĐS từ đầu năm đến nay.
 
Trước thông tin Chính phủ sẽ kích cầu nền kinh tế, trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng, CP BĐS đã có dịp "ăn theo" mà tiêu biểu là SJS tăng tối đa gần 35%  trong khi VN-Index chỉ tăng 7,3%. Đi liền với nhóm CP BĐS là nhóm CP vật liệu xây dựng mà tiêu biểu là sắt thép, xi măng cũng rục rịch tăng giá với suy đoán sức mua sẽ lên theo chương trình kích cầu. Tuy nhiên, thị trường đã trả lời bằng những đợt bán ra mạnh cùng hoạt động lướt sóng ngắn hạn khiến giá CP lại trở về điểm xuất phát.

Xét về tính chu kỳ, số liệu các năm cho thấy DN BĐS ghi nhận doanh thu cao tập trung vào quý IV. Nhưng với diễn biến trên thị trường nhà đất hiện tại, dự báo cũng sẽ không có nhiều đột biến trong kết quả kinh doanh của các DN, trừ một vài DN đã thực hiện chuyển nhượng dự án. Dù vậy với mức vốn khả dụng của NH đang dư thừa lớn, khả năng phục hồi của thị trường BĐS vẫn còn và những CP đang niêm yết đều là những DN BĐS hàng đầu.

Theo Nam Nguyễn/Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.