Thí sinh quay phim gian lận thi cử: Công hay tội?

08/06/2012 20:00 GMT+7

(TNO) Sau vụ thí sinh quay phim tố cáo tiêu cực trong thi cử tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, có nhiều luồng ý kiến xoay quanh vấn đề này. Có người cho rằng chủ nhân của các đoạn phim đã dũng cảm góp công chống tiêu cực. Thế nhưng, cũng có người cho rằng hành động này đã vi phạm quy chế thi.

Xử lý nương tay

“Theo nguyên tắc, việc thí sinh mang máy quay vào phòng thi là vi phạm quy chế thi. Nhưng nếu không vi phạm, vụ việc gian lận thi cử đó sẽ không được đưa ra ánh sáng. Thí sinh đó đã giúp cho ngành giáo dục nhìn lại cách tổ chức và công tác kiểm tra trong các kỳ thi”.

Trần Đình Hoàng - Phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM

 Thí sinh quay phim gian lận thi cử: Công hay tội?
Ảnh lấy từ clip

Người quay có công, người coi thi có tội

Việc thí sinh đem máy quay vào phòng thi đúng là đã vi phạm quy chế, cần xử lý. Nhưng cách xử lý ở đây như thế nào cho hợp tình hợp lý. Chúng ta cần phải xét ở góc độ: mục đích thí sinh quay phim để làm gì? Nếu các em dùng bút quay phim để làm phương tiện quay cóp, phục vụ cho bài thi của mình thì chắc chắn phải xử lý nghiêm. Nhưng ở đây, thí sinh quay để làm bằng chứng tố cáo tiêu cực. Chứng tỏ đây là một hành động dũng cảm, cần tuyên dương. Nếu kỷ luật các em, sau này còn ai dám đứng ra tố cáo tiêu cực? Ở đây tôi muốn nói tới vấn đề: sai phạm có hệ thống của hội đồng thi này. Có thể thấy rằng, việc tổ chức ném phao, cho thí sinh quay cóp là có tổ chức trước, cần phải xử lý ở khung kỷ luật cao nhất.

Luật sư Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông, Q. Bình Thạnh, TP.HCM

Tội thuộc về giám thị

Theo tôi, nếu xử lý đúng luật thì không chỉ hủy kết quả thi của mình thí sinh quay phim mà phải hủy kết quả của tất cả thí sinh tại các phòng thi đó, nếu không sẽ thiệt thòi cho thí sinh quay phim. Đồng thời quy trách nhiệm cho giám thị đã quá dễ dãi để thí sinh mang bút quay phim vào phòng thi. Lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về giám thị và lãnh đạo phòng thi.

Đỗ Hồ Xuân Sơn, SV năm 2, khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Cần phải xử lý theo hướng giáo dục

Tôi nghĩ, thí sinh dù quay phim tố cáo tiêu cực nhưng cũng đã vi phạm quy chế thi thì vẫn cần xử lý. Có điều cần phải đặt ra các hình phạt theo hướng giáo dục, chứ không nên làm quá gắt gao, cấm thi tác giả quay phim, sẽ gây ảnh hưởng tới tương lai của bạn. Có thể hủy kết quả thi, nhưng cũng cần cho bạn đó có cơ hội thi lại.

Nguyễn Phước Long, SV trường Đại học Y Dược

Tuyên dương

Mấy ngày nay tôi đều theo dõi thông tin liên quan tới vụ việc. Tôi cho rằng, các em trẻ tuổi nhưng vô cùng dũng cảm, xứng đáng là một đoàn viên, thanh niên. Các em đã thể hiện đúng với lời dạy của Bác Hồ là luôn luôn chống tiêu cực, nói không với tiêu cực. Nếu kỷ luật người có hành động dũng cảm thu thập bằng chứng và tố cáo tiêu cực thì có hợp tình không?

Bác Nguyễn Văn Sửu, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, ngụ Q.10, TP.HCM

Không thưởng không phạt

Một hội đồng thi mà để lọt thí sinh mang dụng cụ quay phim vào phòng thi, rồi quay phim trong giờ thi, thì rõ ràng có vấn đề. Người quay phim phản ánh tiêu cực vừa có công vừa có tội, vậy cứ xem như thí sinh này lấy công chuộc tội. Em nghĩ, cũng không phải khen thưởng và cũng không phải xử phạt gì cả.

Nguyễn Võ Mỹ Duyên, học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3

Xử lý theo đúng quy chế

Tôi nghĩ phải điều tra thật cặn kẽ việc này. Nếu nói rằng quay clip là cách duy nhất để em học sinh phản ánh sự việc, vì cả hội đồng thi đều vi phạm thì thật khó tin. Tiêu cực có thể xảy ra ở một vài lớp nào đó, chứ một hội đồng thi biết bao nhiêu người, phải có người sáng suốt chứ! Khó mà tin được cả nguyên một hội đồng thi đều vi phạm. Mặc dù các em có ý tốt chống tiêu cực, nhưng đương nhiên, khi đã vi phạm thì các em vẫn phải bị xử lý theo quy chế.

Giang Ánh Loan, giáo viên Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Quá xấu hổ cho bộ mặt giáo dục

Chính sự không nghiêm túc trong quản lý giáo dục, thi cử mới dẫn đến tình trạng này. Và thử nghĩ coi, nếu một lứa học sinh không trung thực, không biết xấu hổ và dối trá thì sau này lớn lên, trở thành nhà quản lý, họ dễ dàng chấp nhận tiêu cực, gian lận trong công việc thì xã hội sẽ như thế nào. Điều này rất nguy hiểm, vì nó là mầm mống của tiêu cực, tham nhũng, gây lũng đoạn xã hội. Nếu chúng ta quản lý nghiêm trong thi cử, thì đố học sinh nào có thể quay cóp được, đó cũng là cách rèn lòng tự trọng, chân thật trong các em. Tôi cho rằng hiện tượng tiêu cực trong thi cử xảy ra nhan nhản, chỉ có điều là có nơi phát hiện ra, nơi không. Chưa hết, chính hình ảnh “kỳ quặc” này, các nước nhìn vào mà cười giáo dục nước ta. Tôi cảm thấy xấu hổ cho bộ mặt giáo dục hiện tại. Cái lỗi ở đây bắt nguồn từ những người quản lý không trung thực và tiêu cực.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa, TP.HCM

Hải Yến - Nguyễn Trâm - Minh Luân

>> Có cần thi tốt nghiệp THPT?
>> “Bật mí” cách quay clip gian lận thi tại Trường Đồi Ngô
>> Lắp camera trong phòng thi để hạn chế tiêu cực
>> Phanh phui tiêu cực vì quá bức xúc
>> Thí sinh quay clip gian lận thi cử khủng hoảng tinh thần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.