Ở làng lập nghiệp

13/12/2013 12:36 GMT+7

51 hộ dân là Việt kiều Campuchia và các tỉnh miền Tây đến làm ăn sinh sống trên vùng biên giới thuộc thôn 4, xã Thiện Hưng (H.Bù Đốp, Bình Phước) đến nay đã hơn 20 năm. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng sau hơn 20 năm ở quê hương mới, cuộc sống của họ đã cải thiện, cái nghèo cái đói đang dần được đẩy lùi.

Ở làng lập nghiệp
Người dân nhận trồng và khai thác cao su cho Trung đoàn 717

Nhất phá Sơn lâm

Chúng tôi vượt chặng đường dài 4km từ trung tâm xã Thiện Hưng để đến tổ 11, thôn 4 trên con đường đất đỏ bụi mù. Giai đoạn 1990 -1995, đa số các hộ dân về đây lập nghiệp đều làm nghề rừng. Họ phát hoang, trồng tỉa làm kế sinh nhai. Anh Trần Văn Tuấn (tổ trưởng an ninh của thôn) cười nói: “Quê tui ở Trà Vinh, cuộc sống quá khó khăn nên đến đây lập nghiệp từ năm 1993. Thời điểm đó rừng nhiều, quản lý của ngành lâm nghiệp còn lỏng lẻo nên cả làng chủ yếu sống bằng nghề rừng. Họ nhận vận chuyển gỗ cho các đầu nậu mà không nghĩ đến tương lai. Cũng từ rừng họ khai phá đất lâm nghiệp để trồng tỉa, sinh sống. Giai đoạn 1999-2001, dự án kinh tế quốc phòng do Trung đoàn 717 (Bộ Quốc phòng) thực hiện đã tiến hành thu hồi hàng trăm ha đất khai phá vùng này. Đổi lại Trung đoàn 717 đã cấp đất tái định cư cho 51 hộ với diện tích mỗi hộ khoảng 1.200m2 đất ở. Trong đó có 19 hộ được Trung đoàn hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà.

Trên con đường sỏi đỏ khoảng 500m, một bên là cao su của Đội 4 (Trung đoàn 717), một bên là những dãy nhà san sát của làng lập nghiệp. Thượng úy Hoàng Văn Phương – Đội trưởng Đội 4 cho biết năm 2012, cả khu vực mới có điện sử dụng. Trước đó xài điện nhờ đường dây của các hộ khác rất xa, bà con có lúc phải trả 6000 -7.000đ/kWh điện. Từ khi Trung đoàn làm dự án trồng cao su, đơn vị đã tạo điều kiện cho bà con nơi đây nhận khoán vườn cây để chăm sóc, khai thác. Mỗi công nhân nhận khoán có mức lương từ 5-7 triệu đồng, có nhiều cá nhân còn nhận đến 10 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của bà con cơ bản ổn định.

Có đất, có việc làm, nhiều hộ dân đã tranh thủ trồng thêm tiêu và chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Gia đình anh Trương Minh Hùng quê ở An Giang đến đây lập nghiệp từ năm 1995. Trước kia anh Hùng cũng sống bằng nghề rừng. Đến nay, sau 20 năm vất vả mưu sinh và nhận được sự giúp đỡ của Đội 4 (Trung đoàn 717),  gia đình anh đã xây được nhà mới, trồng trên 200 nọc tiêu. Nhận khoán 5ha cao su của Trung đoàn, mỗi tháng vợ chồng anh có thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Từ đó gia đình có điều kiện cho 2 con được đi học tử tế.

Ở làng lập nghiệp
Vườn tiêu xanh mướt của một hộ dân ở làng lập nghiệp

Mong muốn của dân làng

Anh Trần Văn Tuấn cho biết: “Tuy cuộc sống của bà con xa quê đã ổn định hơn xưa, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn do chưa có sổ chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều lần huyện vào đo đạc nhưng lại không thấy hồi âm. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự vẫn còn tình trạng trộm cắp”.

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân cho biết nguyện vọng bà con là có sổ chủ quyền. Vì có sổ, bà con có thể vay vốn ngân hàng để mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều người dân nơi đều đều có chung suy nghĩ: “Làm nghề cao su chỉ lúc còn sức khỏe. Khi hết sức lao động mà kinh tế chưa vững thì cuộc sống cũng bấp bênh”.

Chúng tôi rời làng lập nghiệp, khi những cơn gió xuân bắt đầu thổi nhẹ mang theo những hi vọng của 51 hộ dân vùng biên giới Bù Đốp, mong muốn có sổ chủ quyền để bà con yên tâm lao động sản xuất.

Bài, ảnh: Hoàng Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.