Quản lý blog như thế nào?

25/12/2007 23:38 GMT+7

Trước sự "bùng nổ" của blog mà tính chất và tác động của nó giống như một trang tin điện tử (nhiều người thậm chí còn xếp nó như một loại hình báo chí), tại Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí kết thúc ngày hôm qua, rất nhiều đại biểu đặt vấn đề phải bổ sung quy định quản lý blog trong Luật Báo chí đang được xem xét sửa đổi. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

* Thưa ông, trên diễn đàn hội nghị này, nhiều đại biểu gọi blog là "báo chí công dân", quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Quan niệm "blog là một loại hình báo chí" sẽ không chính xác về mặt pháp luật. Thông tin trên blog mặc dù cũng dành cho tất cả mọi người đọc và chiêm nghiệm giống như báo chí nhưng tính chất pháp lý là khác nhau. Chủ thể của blog là cá nhân, người viết ra là cá nhân, đưa lên mạng internet cũng là cá nhân nên yếu tố pháp lý ở đây chỉ là trách nhiệm cá nhân, nó khác hoàn toàn với thông tin trên báo chí, nơi ở đó thể hiện quan điểm, chính kiến, định hướng của một tờ báo, đại diện cho một tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gọi blog là nhật ký cá nhân trên mạng cũng chỉ đúng một phần, vì đã là nhật ký là tôi viết cho tôi, hoặc chỉ chia sẻ với số ít người thân cận. Còn trong trường hợp này là sự ghi chép cá nhân, suy nghĩ, quan niệm cá nhân được viết ra nhưng lại có nhu cầu chia sẻ cho mọi người cùng xem, cùng đọc.

* Ông đánh giá như thế nào về tác động của các blog cá nhân?

- Bất kỳ một thông tin nào được đưa ra trong xã hội bằng hình thức này hay hình thức khác đều có tác động. Trước đây những chuyện ấy có thể "buôn chuyện" ở quán nước, nhà hàng, vỉa hè thì nay "buôn chuyện" trên mạng internet. Sức lan tỏa của mạng internet ngày nay đương nhiên là nhanh hơn và rộng hơn. Phải xác định rằng, thông tin cá nhân và chia sẻ thông tin cá nhân là nhu cầu có thực, rất cần thiết trong đời sống xã hội, nếu không có blog thì những thông tin ấy cũng phải được chia sẻ ở đâu đó, dưới hình thức nào đó. Nhưng vấn đề ở đây là đối tượng tham gia blog có đủ mọi tầng lớp, đối tượng với đủ loại thông tin tốt, xấu. Làm thế nào phải có biện pháp hạn chế tối đa hoạt động của blog xấu, để những blog tốt có thể phát huy, lấn át thông tin xấu.

* Vậy có nên đặt vấn đề quản lý blog như với một loại hình báo chí?

- Bây giờ vấn đề sửa đổi Luật Báo chí đang bàn nhưng sẽ có nội dung đề cập đến việc quản lý các loại hình thông tin trên mạng internet nói chung chứ không riêng blog. Tôi nghĩ bất kể hoạt động gì trong xã hội cũng đều phải được quản lý nhưng quản lý bằng phương thức gì thì phải tính toán cho phù hợp. Với blog cũng vậy, đừng hiểu quản lý có nghĩa là nghiêm cấm, bóp chặt mà quản lý chính là một sự tạo điều kiện cho phát triển đúng pháp luật. Với đặc thù của blog như tôi đã nói, quản lý không phải là cấp phép mà quan trọng nhất là phải có hướng dẫn để mọi người biết cần đưa và có thể đưa những loại thông tin gì. Bản thân các blogger phải có trách nhiệm trước thông tin mà họ đưa lên mạng và cũng có trách nhiệm với thông tin mà họ truy cập. Khi có hướng dẫn đầy đủ như thế thì tôi nghĩ không ai quản lý blog tốt hơn chính bản thân các blogger.

* Nhưng ranh giới giữa thông tin có thể đưa và không thể đưa rất khó xác định, việc xử lý vi phạm lúc đó sẽ làm như thế nào?

- Thực ra ngay bây giờ, chế tài để điều chỉnh những hoạt động cung cấp thông tin trên mạng internet chúng ta cũng đã có. Trong Bộ luật Dân sự, Hình sự, Luật Báo chí đều đã có quy định những vấn đề nào được thông tin. Trong cuộc sống nếu anh tuyên truyền xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tôi, tôi cũng có quyền kiện anh ra tòa chứ chưa nói anh đưa những thông tin đó lên blog. Và tất nhiên anh không được thông tin dưới bất kỳ hình thức nào những thông tin chống lại đất nước, kích động bạo lực, phát động chiến tranh, dâm ô, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục...

Cũng có nhiều người lo ngại, có những blogger khi có ý đồ xấu thì thường không lấy tên và địa chỉ thật, nhưng tôi lại nghĩ khác. Đấy là chúng ta chưa làm đến tận cùng, bởi vì không có blog nào tồn tại ngoài các cơ sở cung cấp dịch vụ; với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước thì việc kiểm soát rất dễ còn các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi vào Việt Nam hoạt động, họ cũng phải tuân thủ các chế định của luật pháp Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

"Blog là thông tin cá nhân, nếu nó chỉ để dành cho cá nhân đó viết và đọc thì không ai có quyền kiểm soát. Nhưng khi cung cấp nó công khai trên mạng có nghĩa là tham gia giao lưu với công chúng, trình bày suy nghĩ của mình về đời sống, xã hội và chính trị thì phải được quản lý. Tôi cũng không cho rằng, chúng ta phải đặt vấn đề đăng ký hoặc cấp phép đối với việc mở blog nhưng thông tin trên blog thì phải nằm trong sự hướng dẫn của Luật Báo chí mới đảm bảo thông tin đi đúng hướng. Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do công luận nên mình không thể cấm họ bàn đến vấn đề này hay vấn đề kia nhưng nếu sự bàn luận ấy vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phải bị xử lý. Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi vì gần đây có rất nhiều blog viết, bình luận về những vấn đề rất nhạy cảm, vượt ra ngoài những quy định thông tin được quảng bá, mà điều đó tác động rất mạnh mẽ theo hướng tiêu cực tới suy nghĩ của giới trẻ".

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ Báo chí và Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư):

"Tôi chia sẻ quan điểm phải đặt vấn đề quản lý đối với blog khi sửa đổi Luật Báo chí lần này. Luật pháp chúng ta không vi phạm tự do cá nhân, không cấm nếu như anh lập blog để chia sẻ suy nghĩ, tình cảm với nhiều người, điều đó quá tốt; trên thực tế có rất nhiều blog cá nhân tốt, số lượt truy cập lớn ngang một tờ báo điện tử, trở thành địa chỉ gần gũi của nhiều người. Và tôi thậm chí còn muốn mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ đều có blog của mình. Nhưng cũng có những blog vượt ra ngoài những thông tin cá nhân, bình luận quá xa về các vấn đề chính trị, xã hội, bới móc cá nhân, mạt sát người khác, thậm chí phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực thì rõ ràng luật pháp phải có chế tài xử lý... Nhà nước tôn trọng tự do cá nhân nhưng cá nhân cũng phải có trách nhiệm đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

Tôi cũng chia sẻ rằng, quản lý thế giới ảo là khó nên ngoài các quy định luật pháp cũng cần lưu ý các giải pháp kỹ thuật. Điều quan trọng nữa, theo tôi là, mỗi người cần ý thức về trách nhiệm công dân, đặc biệt là các nhà báo còn có trách nhiệm xã hội khi viết thông tin lên blog trước khi thỏa mãn nhu cầu cá nhân".

Ông Lê Hoàng, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM:

"Có rất nhiều vấn đề mới phát sinh mà Luật Báo chí cần phải nghiên cứu thêm. Chẳng hạn như hình thức tin nhắn (SMS) có được xem là phương tiện báo chí hay không? Blog có được xem là "phương tiện truyền thông cá nhân" hay không? Vai trò, vị trí của chúng được Luật Báo chí xác lập như thế nào? Nếu nó nằm trong phạm vi luật báo chí thì Luật Báo chí quy định thế nào về những hiện tượng không lành mạnh gần đây qua khai thác SMS và đặc biệt là blog mà báo chí đã phản ánh".

A.N (ghi)

An Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.