Xuất khẩu lao động: Vẫn còn cơ hội

23/12/2008 09:54 GMT+7

Dù có nhiều khó khăn, song năm 2009 hoạt động xuất khẩu lao động của VN vẫn có những dấu hiệu khả quan

Trong gần hai tháng qua, thông tin các thị trường lao động ngoài nước cắt giảm nhân công do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã trở thành vấn đề thời sự đối với xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN.

Sẽ gia tăng lao động về nước

Tại thị trường Đài Loan, đã xuất hiện tình trạng người lao động (NLĐ) mất việc, theo báo cáo của ngành chức năng đã có khoảng hơn 200 lao động phải về nước trước hạn. Nếu không có cơ chế hỗ trợ NLĐ tìm việc làm mới, chuyển xí nghiệp thì chắc chắn số lượng lao động về nước cũng sẽ còn cao hơn rất nhiều. Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số chủ sử dụng lao động ở Nhật Bản, nhất là ở ngành điện tử, đã hoãn tiếp nhận tu nghiệp sinh VN. Ngay cả lao động là chuyên gia tại thị trường Nhật Bản cũng phải về nước do mất việc. Các thị trường Qatar, Singapore cũng đã có lao động về nước do chủ sử dụng lao động cắt giảm nhân công.

Việc chủ sử dụng cắt giảm nhân công và trả lao động về nước dự báo sẽ gia tăng vào đầu năm 2009. Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, các nền kinh tế lớn phải đến hết quý III/2009 mới có thể bắt đầu hồi phục. Đây chính là vấn đề khó khăn và là thách thức rất lớn mà các DN XKLĐ nói riêng và XKLĐ VN nói chung phải đối mặt với bài toán tìm đầu ra cho NLĐ.

Chủ động đối phó tình hình

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như nói trên, nhưng XKLĐ của VN trong năm 2009 vẫn có những dấu hiệu khả quan nhất định. Bằng chứng là chủ sử dụng lao động ở UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), Ả Rập Saudi... vẫn có nhu cầu tiếp nhận rất lớn lao động VN trong các lĩnh vực xây dựng, thợ cơ khí, thợ hàn và giúp việc nhà. Ngoài các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất phụ tùng ô tô, may mặc... phải cắt giảm nhân công, các ngành công nghiệp dịch vụ và chế tạo khác ở các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc vẫn duy trì hoạt động và phát triển tương đối ổn định. Vấn đề là các DN XKLĐ phải có kế hoạch đào tạo nguồn lao động có chất lượng, thắt chặt các khâu, quy trình tuyển chọn và giáo dục định hướng tốt để giảm tỉ lệ lao động không đạt chất lượng tay nghề và vi phạm kỷ luật ở nước sở tại.

Nhìn chung, năm 2009, bên cạnh một số thị trường mới đã và đang được mở ra như các thị trường lao động thuộc các nước Đông u và cộng đồng các quốc gia độc lập, thị trường lao động châu Á vẫn là thị trường XKLĐ trọng điểm của nước ta và chắc chắn các DN sẽ tập trung chuyển hướng, khai thác mạnh các thị trường này.

Chuẩn bị nguồn lao động dự trữ

Suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ tác động đến XKLĐ mà ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động – việc làm trong nước. Hiện các DN trong nước đã và đang cắt giảm nhân công, khiến tỉ lệ lao động mất việc làm gia tăng. Thực trạng đó khiến cho mục tiêu duy trì tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 5% là nhiệm vụ không dễ dàng.

Tuy nhiên, khó khăn này tạo ra cơ hội cho chính các DN XKLĐ trong công tác tạo nguồn lao động. Nếu chủ động, tập trung đầu tư có chiều sâu cho tuyển chọn, đào tạo lao động, các DN sẽ thu hút được nguồn lao động để đào tạo, tạo nguồn lao động dự trữ có chất lượng cao. Lúc nền kinh tế thế giới được hồi phục, dự báo sẽ có một đợt tuyển dụng lao động mạnh mẽ phục vụ cho hoạt động trở lại của các công ty, xí nghiệp ở nước ngoài. Khi đó, với nguồn lao động dồi dào và được đào tạo bài bản sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn của lao động VN trên thị trường lao động quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng bộ LĐ-TB-XH:
Đầu tư chiều sâu cho khai thác thị trường, đào tạo


Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước rà soát lại các thị trường, nhất là ở 7 thị trường trọng điểm gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, CH Czech, Qatar, UAE và đưa ra phương án đối phó khó khăn cho từng thị trường cụ thể. Đối với các DN, một mặt duy trì, chủ động tìm kiếm những đơn hàng tốt, phải nắm chắc lao động của mình đang làm việc ở các nước; có biện pháp can thiệp, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Trường hợp lao động mất việc làm không được chuyển đổi chỗ làm thì phải đưa họ về nước an toàn, giải quyết hợp tình hợp lý quyền lợi cho họ. Về lâu dài, trong thời điểm này, các DN cần tập trung chấn chỉnh lại bộ máy cán bộ, đầu tư chiều sâu cho việc khai thác thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh, đào tạo lao động... tạo ra bước khởi phát cho XKLĐ sau giai đoạn khó khăn này.

Theo Phạm Anh Thắng (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.