12 năm, mức đầu tư cho mỗi học sinh chỉ tăng 8 USD

21/12/2008 22:15 GMT+7

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020 vừa được Bộ GD-ĐT công bố đã nhận được sự góp ý của rất nhiều các nhà giáo, nhà khoa học lão thành.

Cần sự tham gia của cả hệ thống

GS-TS Nguyễn Mậu Bành - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu giáo chức VN chỉ ra những vấn đề cơ bản của giáo dục (GD) mà dự thảo chiến lược còn né tránh: quan hệ giữa GD kiến thức và đạo đức, ý thức, năng lực làm người; cân đối giữa phát triển GD ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn; giữa GD trong nhà trường và ngoài nhà trường; giữa GD và kinh tế thị trường, vấn đề xã hội hóa GD và kinh tế thị trường… GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng: Chiến lược được vạch ra và thực hiện có tính đơn độc. Một chiến lược thực hiện quốc sách hàng đầu cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, xã hội, trong đó có sự phân công rõ trách nhiệm từng mặt: giáo dục kiến thức, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, trong khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập… 

Cùng chung quan điểm này, GS Nguyễn Hữu Tăng, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật bày tỏ: "Cách mạng" trong GD-ĐT không có nghĩa là dồn mọi việc cho ngành GD-ĐT mà phải có trách nhiệm của toàn xã hội, phải nâng cao nhận thức của người lớn đối với việc học tập cũng như hình thành nhân cách của con trẻ.

Còn GS Vũ Dương Ninh - Hội Sử học VN góp ý: "Để thựchiện chiến lược cần phải có mấy bước đi để tránh tình trạng cái gì cũng làm nhưng không cái gì làm được đến nơi". Theo GS Ninh, trong 3 năm đầu, nên chấn chỉnh những cái đang có, cái mà xã hội đang băn khoăn đối với GD-ĐT về quy mô, chất lượng, sự gian dối trong dạy, học và đánh giá. 

Có thực mới vực  được đạo

GS Nguyễn Hữu Tăng cho rằng: "Trong mối quan hệ giữa GD-ĐT với nền kinh tế thị trường cần phải xác định rõ: sản phẩm của GD-ĐT không thể được xử lý như một loại hàng hóa thông thường. Chính vì vậy, người "sản xuất" ra các sản phẩm đó là đội ngũ nhà giáo phải có những tiêu chuẩn đặc biệt và Nhà nước phải đối xử với họ khác so với đội ngũ lao động, trí thức khác. Có thể trảphụ cấp cho đội ngũ nhà giáo gấp 2-3 lần lương nếu họ làm tốt công việc của mình".

Theo GS Vũ Dương Ninh, để nâng cao chất lượng và khắc phục bệnh gian dối trong GD-ĐT, cần đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của đội ngũ quản lý GD chứ không chỉ nhà giáo trực tiếp đứng lớp. Ví dụ, hiện tượng "học sinh ngồi sai lớp" thì không phải là sự dối trá của học sinh, cũng không phải của đội ngũ giáo viên. Ông Ninh khẳng định: "Bản thân người học không có quyền lựa chọn việc mình ngồi lớp nào, phần lớn người dạy cũng băn khoăn, trăn trở vì điều này nhưng do phải chịu sức ép của cấp quản lý về thành tích nên họ đành phải để học sinh ngồi sai lớp".

Theo dự thảo chiến lược thì mức chi từ ngân sách cho GD-ĐT có thể lên tới 21% vào năm 2020 (168 USD/HS). Tuy nhiên, GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng, như vậy thì sau 12 năm mức tăng đầu tư cho một người đi học chỉ là 8 USD (hiện nay là 160 USD/HS) trong khi các mục tiêu đề ra lại quá lớn. "Nếu không đủ phương tiện thì phải lùi mục tiêu thực hiện" - GS Bành kiến nghị.

GS Bành đề nghị cần phân tích thêm về nguồn tài chính và nguồn nhân lực trong kế hoạch để đảm bảo tính khả thi của chiến lược, "nếu không, chiến lược này sẽ chỉ là sự… mong muốn".

Tuệ Nguyễn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.