Giáo dục Quảng Trị đụng đâu khó đấy

21/12/2012 12:35 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 6 nhiệm kỳ 2011- 2016, rất nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài của ngành giáo dục địa phương đã được đưa ra mổ xẻ…

Trả lời về việc chậm trễ trong việc tuyển 1.430 biên chế trong quá trình chuyển đổi trường mầm non dân lập sang công lập theo Nghị quyết 28/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Thanh Niên từng phản ánh), ông Hoàng Đức Thắm, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh cho rằng khó khăn là do sự chồng lấn giữa các nghị quyết, hướng dẫn nên chưa thống nhất được cách làm. Khi ông Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị hỏi: “Lộ trình của HĐND đề ra để thực hiện việc này là đến hết năm 2013, anh Thắm xem đến lúc đó có làm xong không?” thì ông Thắm để ngỏ và trả lời việc này không thuộc thẩm quyền của đơn vị mà là do UBND các huyện thị và Sở Nội vụ quyết. Trong khi đó, ông Hồ Ngọc An, GĐ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị thông tin dù Sở đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhưng UBND các huyện, thị lại rất trễ nải nên đến nay mới có 5/9 huyện, thị nộp cho Sở danh sách các vị trí biên chế cần tuyển dụng. “Các địa phương cũng phải rà soát lại cho phù hợp, cân đối cho các vị trí GV, kế toán và cán bộ y tế học đường. Còn nếu trình danh sách nhận toàn bộ biên chế là GV thì chúng tôi sẽ không chấp nhận”, ông An nhấn mạnh.

 Giáo dục Quảng Trị đụng đâu khó đấy
Các thầy cô giáo và học sinh tại nhiều điểm trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn phải dạy và học trong những gian nhà tranh tre nứa lá như thế này - Ảnh: Nguyễn Phúc

Ông Thắm tiếp tục thông tin rằng hiện tỉnh Quảng Trị có 5.741 phòng học (67 % kiên cố, 27% bán kiên cố) và hiện chỉ có 190 phòng học mượn, tạm (chiếm 3,3%), là chấp nhận được. Nhưng rồi một lần nữa vị đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh Quảng Trị lại kêu khó vì địa bàn rộng, kinh phí Nhà nước hạn hẹp nên chưa thể đồng bộ việc kiên cố hóa trường học. 

Luân chuyển giáo viên-muốn về  cũng không được!

Về việc luân chuyển giáo viên (GV) công tác ở vùng khó về vùng thuận lợi và ngược lại, ông Thắm cũng kêu khó và cho rằng hiện nay về cơ bản biên chế ngành giáo dục ở đồng bằng (đặc biệt là ở TP.Đông Hà) đã đủ, nên GV ở 2 huyện vùng khó là Đakrông và Hướng Hóa có muốn về cũng không được. “Mấy năm qua, chúng tôi cũng có thực hiện việc chuyển đổi nhưng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu, chủ yếu thế vào chổ GV vùng thuận lợi nghỉ hưu. Và thường đáp ứng về vùng thuận lợi cho GV có thâm niên công tác lâu hơn vì không thể ép vùng này nhận thêm người khi họ đã thừa”, ông Thắm nói. Phía lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị thông tin thêm rằng trong 4 năm (từ 2009 đến 2012) chỉ luân chuyển được 104/166 trường hợp GV từ vùng khó về vùng thuận lợi, lý do là “nhu cầu của các địa phương tiếp nhận và nguyện vọng các cá nhân không đồng nhất”. Còn ông Lê Bá Nguyên cho rằng việc chuyển đổi GV, UBND các cấp chỉ đạo chưa rốt ráo, ngành chủ quản lưu ý chưa đúng mức nên dễ phát sinh tiêu cực, tâm tư trong đội ngũ GV. Ông Nguyên yêu cầu Sở GD-ĐT cần phối hợp với các ban ngành liên quan để làm cho được việc này vì đông đảo cử tri (đặc biệt là các GV) đang rất hy vọng.

Cái khó là cái khó chung nhưng theo dõi các phiên chất vấn của HĐND tỉnh Quảng Trị, nhiều cử tri đặt câu hỏi sao ngành giáo dục ở Quảng Trị lại nhiều… cái khó đến vậy?!

Đại biểu Hoàng Đức Cường (Chánh VP HĐND tỉnh Quảng Trị) cho biết năm 2012 toàn H.Hướng Hóa có 120 SV mới ra trường, trong đó có 20 SV cử tuyển ĐH, 91 em tốt nghiệp trung cấp y là con em của đồng bào dân tộc thiểu số không được bố trí việc làm. “Để khỏi tốn tiền đào tạo của Nhà nước, đề nghị chính quyền các cấp, Sở Nội vụ xem xét bố trí công việc cho các em, thay thế lực lượng cán bộ ở địa phương, công tác lâu năm nhưng trình độ thấp”, ông Cường nói. Nhưng ông Hồ Ngọc An, GĐ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị lại cho rằng: “Dù đối tượng cử tuyển luôn được ưu tiên nhưng việc các em ra trường chưa có việc làm không thể trách tỉnh được vì đây là trách nhiệm của các UBND huyện. Đáng lẽ, khi cử các em đi học cử tuyển thì UBND các huyện phải tính toán được vị trí cho các em này khi ra trường”!

Nguyễn Phúc

>> Công bố nhiều dự thảo quy định mới về giáo dục đại học
>> Chứng chỉ giáo dục thể chất là một trong điều kiện xét tốt nghiệp
>> Các chương trình phát triển giáo dục Việt Nam - Nhật Bản
>> Triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.