Đường nào cũng khổ

03/01/2014 03:00 GMT+7

Có những trường hợp mà cả những người trong cuộc và những người làm công tác tư vấn, hòa giải hôn nhân gia đình đều rơi vào tình thế khó xử, có lúc tưởng chừng bó tay, không cách tháo gỡ.

Sự cố đột ngột


Minh họa: dad 

Gia đình nọ ở một huyện ngoại thành lâm vào cảnh rất trớ trêu: hai vợ chồng ở chung một nhà với bố mẹ và anh chị em chồng. Mới ở với nhau một thời gian ngắn chưa kịp có con bế con bồng thì anh chồng đột ngột qua đời. Cô vợ trẻ vẫn được bố mẹ chồng cho ở lại nhà và sẵn sàng đứng ra tổ chức cho “đi bước nữa” nếu con dâu có nguyện vọng.

Tưởng thế là ổn thỏa, “tình nghĩa vẹn tròn”. Nhưng sự đời lại không đơn giản, chiều theo ý người. Oái oăm thay, một ngày xấu trời sau khi chồng mất gần hai năm, cô con dâu bỗng dưng lộ ra cái bụng tròn tròn độ ba, bốn tháng. Cô giấu rất khéo các biểu hiện tự nhiên khiến mọi người đến tận lúc đó mới phát hiện ra. Cả nhà chồng ngã ngửa, sửng sốt, rồi sôi lên sùng sục trước “sự kiện động trời”.

Bố mẹ chồng thì ngọt nhạt khuyên bảo con dâu dẫn “tác giả” của cái thai đến thưa chuyện đàng hoàng để cả nhà còn biết đường “chữa cháy” bằng cách “hợp pháp hóa” cho “vẹn cả đôi đường”. Nhưng oái oăm ở chỗ cô con dâu lại khai rằng, “tác giả” kia vẫn đang có vợ con đề huề và không hề có ý định “giải tán gia đình” để thiết lập mối quan hệ mới. Cô con dâu “vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân” thì cứ khăng khăng giữ cái thai để nuôi. Từ bố mẹ chồng đến các anh chị em chồng đều đồng lòng nhất trí không thể chấp nhận, dung túng thứ “con dâu mất nết”, “chan tương đổ mẻ” vào gia đình nhà chồng như thế.

Từ bức xúc, giận dữ, nhà chồng “biến tức giận thành hành động”, hết rủa xả lại dùng bạo lực nhằm trả con dâu về cho ông bà thông gia. Cô con dâu cũng nhất định không về vì nhà bố mẹ đẻ còn vợ chồng anh, em trai, chỗ đâu mà tá túc! Cả làng thì bàn tán, gièm pha, giễu cợt khiến cho cảnh nhà càng rối tinh rối mù như cuộn chỉ rối không biết đường nào mà gỡ. Thế là trở thành một vụ bạo lực gia đình phải đưa ra chính quyền giải quyết.

Đi cũng dở mà ở không xong

Người viết làm công tác phụ nữ, thỉnh thoảng nhận được vài cuộc điện thoại có số lạ hoắc, bắt máy thì ra các nạn nhân của bạo lực gia đình - thường là phụ nữ nông thôn. Có chị vừa nói vừa khóc: “Chị ơi, em nhờ chị tư vấn cho em làm thế nào để em ly dị được chồng em càng nhanh càng tốt”. Hỏi ra mới hay, các ông chồng bế tắc kinh tế, sinh ra rượu chè bê tha lại còn về nhà tróc nã mấy đồng tiền còi cọc của vợ vất vả cả ngày ngoài đồng, ngoài ruộng, không moi được là chửi rủa, đánh đập. Thương con, không muốn gia đình tan vỡ, các chị chịu đựng ngày này sang ngày khác. Đến ngưỡng không chịu nổi nữa, các chị đâm đơn ly hôn.

Với phương châm “xây chứ không phá”, các cơ quan, đoàn thể chức năng ra sức hòa giải, vun đắp. Mấy ông chồng kia thì lại tìm mọi cách hòa hoãn không chịu ly hôn vợ nhưng cũng chẳng sửa mình. Lúc được hòa giải thì các ông ăn năn, hối cải, hứa hẹn đủ đường, nhưng được vài hôm thì đâu lại vào đấy. Các nạn nhân bạo lực thì “đi cũng dở”, vừa mang tiếng, vừa khổ con khổ cái, nhưng mà “ở thì cũng chẳng xong”.

Cuộc sống gia đình với muôn vàn hoàn cảnh muôn hình vạn trạng, mỗi thành viên trong gia đình sống làm sao, ứng xử thế nào để cân bằng, hài hòa với các thành viên khác trên mọi phương diện, với mục đích “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” như tiêu chí mà cơ quan quản lý nhà nước về gia đình đang định hướng cho các tổ ấm vươn tới quả thật không hề đơn giản.

Bùi Thúy Hạnh

>> Chăm sóc gia đình ngày tết
>> Bạn 'tốt' của gia đình 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.