Người đàn ông mặc áo sơ mi cài cúc cổ

09/12/2008 16:31 GMT+7

Một người chỉ vì thói quen mặc áo sơ mi cài cúc cổ. Một người lại không thích thói quen đó. Chỉ thế thôi mà cả hai người tốt lại không đến được với nhau.

Chú Thanh một mẹ một con sống cuối làng, tôi lớn lên đã thấy thế, không hề biết ba chú là ai. Chú cao gần mét tám, da ngăm, áo sơ mi lúc nào cũng bỏ trong quần và cài cúc cổ. 30 tuổi chưa vợ, hồi đó đã gọi là ế.

Một dạo thấy chú năng tới nhà o Thư. Hàng xóm đứng ở hàng rào nhìn vô, nói với nhau rứa là được rồi. O Thư cũng đã 28. Nhưng o Thư không gật, hỏi o bảo chỉ vì chú mặc áo sơ mi hay cài cúc cổ.

Chú làm ở phòng nông nghiệp huyện, cách nhà đến 12 cây số nhưng hết giờ lại đi bộ về nhà, chú rất thương mẹ.

Một hôm về đến đầu cổng, chú đã gọi mạ toáng lên, vô nhà không thấy, chú chạy ra vườn rồi chạy xuống bến sông dìu mạ về, bảo mạ ngồi, trịnh trọng móc trong xắc-cốt ra gói giấy báo, bảo mạ ơi, đây là cà rem, mạ có biết cà rem là chi không, cà rem là người ta lấy đường đen, pha nước ra rồi bỏ vào cái ống, cắm cái que, cho vào máy lạnh đến không độ, mước đường đông lại cứng như băng tuyết bên Liên Xô, mút một cái thấm từ gót chân đến đầu ngón tay, mạ mút một cái khỏe liền.

Tờ giấy báo mở ra rồi chỉ thấy có cái que tre, chú tức lắm, bảo mình vừa bỏ đây đi về dưới bến, không biết đứa nào vô mút hết rồi, nói xong cứ thế khóc, bảo cả đời mới mua cho mạ được que kem thế mà đứa mô vô hậu. Mạ chú bảo thôi con, thôi con, họ ăn cũng như mạ ăn, họ khỏe cũng như mạ khỏe, đừng khóc.

oOo

Hôm sau đi làm, trưa, chú chạy ra cửa hàng bán kem. Thấy người đã xếp hàng dài dằng dặc, trên tấm bảng có ghi: “Mỗi người chỉ được mua nhiều nhất 5 cây kem giá 1 đồng (1 cây 2 hào)”. Rồi chú thấy một ông mua được chen ra khỏi hàng, mặt mày hớn hở, nhưng nhìn lại trên tay chỉ còn 5 que tre, ông chửi tổ cha thằng mô liếm, tau mới lơ đi tí nó liếm hết cả 5 que...

Ông này chửi hăng quá kinh động đến cửa hàng trưởng, cửa hàng trưởng bèn ra giải thích thế này thế này... đại để là kem làm không kịp bán nên hơi non, lấy ra phải ăn liền không nó chảy thành nước cả... Chú mới vỡ lẽ ra vì sao hôm qua tờ báo chú bọc bị ướt sũng.

oOo

Một hôm chú Thanh sang nhà tôi, nói với mạ tôi, mai chủ nhật cho em mượn cái xe đạp đi một buổi, mạ tôi hỏi chi rứa, chú bảo chở mạ em lên huyện có việc. Mạ tôi cười đầy ngụ ý, cứ như đã hiểu là chú chở bà đi hỏi vợ nên gật gật, nói chú lấy mà đi,  cả ngày cũng được. Nhưng chợt nhớ ra, mạ tôi hỏi, chú không biết đi xe đạp răng đi, chú nói chị cứ cho em mượn.

oOo

Trưa, nghe tiếng chú kêu từ đầu xóm, tôi chạy ra, cả xóm chạy ra, thấy chú để bà sau xe mà đẩy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng cười tươi roi rói, vừa cười vừa nói, bà con ơi, mạ tui được ăn cà rem rồi nì, mạ tui được ăn cà rem rồi nì, mạ tui được ăn cà rem rồi...

Tự nhiên tôi thấy mạ tôi quay vô nhà khóc nức.

Tối, mạ tôi kêu o Thư qua chơi, kể chuyện chú Thanh đẩy xe đạp lên huyện mua cà rem cho mạ ăn, người như rứa là như rứa như rứa... O Thư nghe xong hỏi có thiệt không chị, mạ tôi nói thiệt, o Thư nói thiệt thì thiệt nhưng không lấy vì mặc áo sơ mi hay cài cúc cổ.

oOo

Chú Thanh và o Thư không ai lấy vợ lấy chồng, ở thế cho đến bây giờ.

Hôm tôi về làng, nhiều người ngồi dưới bến sông Kiến Giang (của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngước lên nhìn. Đi lâu không nhận ra ai vì ai cũng già đi nhiều. Một người có gương mặt quen quen chạy lên đon đả hỏi thăm. Tôi nhớ ra đó là o Thư, tóc o đã bạc trắng.

Thấy anh con trai lớn của tôi mặc áo trong dài tay, áo ngoài ngắn tay, o Thư cứ thế xắn tay áo lên cho con tôi. Nhớ lại chuyện chú Thanh chỉ vì mặc áo sơ mi bỏ trong quần cài cúc cổ nên o và chú không thành duyên với nhau, tôi bảo “O ơi, kiểu của bọn trẻ bay chừ rứa đó o nờ. Chừ mang áo sơ mi cài cúc cổ cũng là mốt đó o, coi cháu đây nì”.

Tôi vừa nói vừa cài cúc cổ lại. O Thư nói lộn xộn, lộn xộn, không được không được. Vừa nói o vừa cởi cúc cổ ra cho tôi.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.