Anh hùng lao động tuổi 70

28/12/2009 15:02 GMT+7

Nghệ nhân, Tổng Giám đốc (TGĐ) Cty Sản xuất kinh doanh - Xuất nhập khẩu Hương Sen (gọi tắt Cty Hương Sen), Trần Văn Sen là người làng Dệt Phương La, Hưng Hà, Thái Bình. Ông đã góp phần làm sống lại và phát triển nghề dệt cổ truyền.

Cũng chính ông đưa thương hiệu Bia Đại Việt trở thành niềm tự hào của quê lúa. Ông vừa được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đúng vào dịp bước vào tuổi 70.  

Làm sống lại nghề dệt cổ truyền 

Cuối những năm 70 thế kỷ trước nghề dệt Phương La rơi vào thời điểm khó khăn nhất, có nguy cơ mất nghề, nhiều người đã bỏ làng, bỏ nghề tha hương.

Là trưởng tộc dòng họ Trần - một dòng họ bao đời góp phần gìn giữ tinh hoa nghề dệt truyền thống của quê hương, đêm ngày ông Sen suy nghĩ trả lời câu hỏi: “Tại sao quê mình không sống nổi với nghề dệt? Làm thế nào để khôi phục, phát triển nghề dệt của Phương La?”.

Gia đình ông lúc này còn khó khăn, để có tiền đi đến các làng dệt tiếp thu công nghệ mới ông phải nhờ người thân giúp đỡ. Ông bắt tay vào cải tiến, nâng cấp máy dệt. Những chiếc máy dệt bằng gỗ thủ công thô sơ dần trở thành máy dệt bán tự động, máy dệt liên hoàn, dệt được vải khổ rộng, năng suất và hiệu quả cao hơn. 

Ông cũng là người đầu tiên đưa công nghệ in hoa tẩy nhuộm về làng. Số người trở lại nghề dệt ngày một đông, làng có sản phẩm dệt tốt, hàng bán chạy, thu nhập của người lao động được cải thiện.

Năm 1981, ông Sen đứng ra thành lập Tổ hợp dệt nhuộm Tân Phương chuyên sản xuất hàng dệt cao cấp. Tân Phương thu hút hàng ngàn lao động, mỗi năm sản xuất hàng triệu mét vải kẻ, vải si, vải pho, vải bò, satanh, thổ cẩm, vải hoa, khăn ăn, khăn tắm...  phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Đức, Nhật Bản. Tân Phương là mô hình kinh tế mới xuất hiện đầu tiên ở Thái Bình.

Cuối thập kỷ 90, từ sự gợi ý của huyện, ông lên thị trấn Hưng Hà, mở rộng sản xuất, đưa nghề dệt ra khỏi lũy tre làng. Xí nghiệp dệt nhuộm in hoa Hương Sen ra đời. Giai đoạn này, Công ty cũng gặp muôn vàn khó khăn thử thách, đặc biệt là không được vay vốn. Thế rồi cái khó ló cái khôn. Ông cùng công nhân cũng vượt qua thời lận đận.

Các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng  đã về thăm. Và từ đó nghề dệt Thái Phương phát triển ra  24 xã trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác; 50 tổ hợp và 40 doanh nghiệp trong đó có 5 doanh nghiệp lớn đi lên từ ngành dệt Thái Phương. Làng Phương La được mệnh danh là “Làng tỷ phú”.

Sau hồi sinh nghề dệt là sản xuất bia - nước giải khát

Đây là lĩnh vực rất mới với một nghệ nhân ngành dệt: tỷ suất đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thị trường cạnh tranh quyết liệt, chất lượng, vệ sinh an toàn rất cao...

Sau khi đi khảo sát ở nhiều nước, năm 1995, Công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng lắp đặt nhà máy Bia cao cấp Hương Sen với thiết bị tiên tiến hiện đại đồng bộ, khép kín tự động hoá cao của CHLB Đức. Đây là nhà máy hiện đại vào bậc nhất Việt Nam thời kỳ đó, cũng là nhà máy Bia tư nhân đầu tiên của cả nước.          

Sử dụng và phát huy hiệu quả nhà máy bia hiện đại là bài toán khó với cán bộ công nhân hầu hết xuất thân từ nông nghiệp. 

Sáu năm liền Cty Hương Sen dẫn đầu tỉnh về nộp ngân sách, năm 2008 Cty nộp 156 tỷ. Dự kiến năm 2009 sẽ nộp vượt 20% so với  năm 2008.

Số lao động biên chế là 900 người và lao động bán hàng là 7.600 người. Mức thu nhập của người lao động trong Cty luôn ở tốp cao nhất tỉnh.

Để tháo gỡ, ông đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như  thuê kỹ sư trưởng người Đức, thuê chuyên gia trong và ngoài nước mở các lớp đào tạo tại công ty, cử cán bộ đi học các trường đại học…

Tháng 5-1998, sản phẩm bia Beyker ra đời được khách hàng chấp nhận. Nhưng ngay sau đó Cty phải đương đầu với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Ngân hàng vừa không cho vay,  vừa siết nợ, khiến ông và Cty đã cận kề bên bờ của sự  phá sản. Song, ông không nản.

Ngày ấy, Tổng Giám đốc đến cán bộ chủ chốt phải đi làm thị trường. Xây dựng chế độ chính sách giá cả  hợp lý, hệ thống phân phối  mở rộng, cộng với chất lượng sản phẩm tốt đã thu hút được lượng khách hàng thị trường ngày càng mở rộng.

Đón đầu xu thế hội nhập kinh tế thế giới, năm 2002 ông đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy Bia cao cấp Hương Sen.

Với niềm tự hào hàng Việt, ông suy nghĩ và đăng ký thương hiệu “Đại Việt” cho sản phẩm bia cao cấp. Đến nay, thương hiệu Bia Đại Việt nhanh chóng chiếm lĩnh 64 tỉnh thành, xuất sang Hoa Kỳ và đăng ký thương hiệu ở 30 nước trên thế giới. 

Từ khi lựa chọn công nghệ ông đã tính đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thân thiện với thiên nhiên. Ông đã trực tiếp liên hệ với tổ chức ZAICA và các Trường đại học ở Nhật Bản tổ chức hội thảo và có sự giúp đỡ của Bộ khoa học công nghệ, Viện nghiên cứu xử lý môi trường, đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp hiện đại vào bậc nhất khu vực.


Doanh nhân Trần Văn Sen - Ảnh: L.Q.H

Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có tổ chức Đảng

Năm 1988, ông Sen đã đề nghị cho Xí nghiệp  thành lập Chi bộ Đảng. Lúc đầu chỉ là chi bộ với ba đảng viên đến nay trở thành đảng bộ gồm 3 chi bộ với hơn 50 đảng viên.

Đây là một cơ sở Đảng gương mẫu, liên tục đạt trong sạch vững mạnh, được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen. Ban tổ chức Trung ương và một số địa phương đã về nghiên cứu rút kinh nghiệm.

Ông cũng đã cùng Đảng bộ xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả các tổ chức Đoàn TN, Công đoàn, Hội phụ nữ. Các tổ chức trên được xếp vào diện xuất sắc của tỉnh. Ông đưa sáng kiến với Công an tỉnh xây dựng “Quỹ phòng chống và đấu tranh với tội phạm ma túy” và trực tiếp thưởng cho các đơn vị lập thành tích xuất sắc.

Tuy bận nhiều công việc Cty, tuổi đã cao, nhưng TGĐ Trần Văn Sen vẫn tích cực tham gia công tác xã hội.  Và vinh dự đã đến với ông. Ngày 10-12-2009, tại kỳ họp lần thứ XIV Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là danh hiệu sau 50 năm lao động và cống hiến không mệt mỏi của một Doanh nhân khi bước vào tuổi 70.

Được hỏi về cảm nghĩ của doanh nhân khi được nhận danh hiệu cao quý này, Nghệ nhân, TGĐ Trần Văn Sen tâm sự: Nửa thế kỷ qua, tôi luôn tâm huyết làm thế nào để góp phần làm giàu cho quê hương đất nước và chưa một lần suy nghĩ làm để được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn. Phía trước chúng tôi đang quyết tâm xây dựng Cty trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, đủ mạnh để vươn ra biển lớn.

Theo Lã Quý Hưng / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.