Học 3 tháng rưỡi, vẫn không nói được tiếng Việt? Dễ ợt

23/04/2014 15:00 GMT+7

(TNO) Không ai qua mặt được tôi về khoản phát âm sai bảng chữ cái tiếng Việt đâu nhé, chưa kể đến 6 dấu thanh của tiếng này.

Học 3 tháng rưỡi, vẫn không nói được tiếng Việt? Dễ ợt
Tác giả (ngồi, bên phải) và các "đối thủ" trong lớp học tiếng Việt tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, mà tác giả dịch ra là “The Hardest Name for Foreigners to Remember and Pronounce” (Trường đại học có cái tên khó nhớ và khó phát âm nhất đối với người nước ngoài) - Ảnh tác giả cung cấp

Hệ thống chữ viết tiếng Việt hiện nay được xây dựng dựa trên bảng chữ cái Bồ Đào Nha thế kỷ 16. Chính nhờ vậy mà tôi có thể nhận diện, rất lơ mơ, chữ cái tiếng Việt, để rồi phát âm sai bét.

Nhìn chung, về khả năng hiểu sai tiếng Việt thì tôi chắc mình chả thua ai. Tôi là người giỏi nhất.

Nhưng tôi đạt được khả năng này không chỉ bằng nỗ lực bản thân. Đã ba tháng rưỡi nay, tôi theo học một lớp tiếng Việt, đều đặn mỗi sáng. Để có được thành tích như ngày hôm nay, tôi đã phải bỏ ra hàng tiếng đồng hồ tập đọc tập viết và dùng hết hơn chục quyển sổ gáy nhựa và một chiếc bút chì rất tốt. Chưa kể thẻ học từ vựng nữa chứ. Chúa ơi, làm sao quên được những cái thẻ từ vựng viết sai chính tả đó!

Hẳn sẽ có bạn thắc mắc tại sao học tiếng Việt lại khó khăn với tôi như vậy.

Mà đúng là khó thật, thậm chí là phát mệt khi sống ở một đất nước mà ai ai cũng muốn nói tiếng Anh. Gần như ai cũng đều hiểu tôi đang nói gì, và nếu không hiểu thì họ cũng cố gắng để hiểu. 

Tôi biết có những độc giả nước ngoài viết thư cho Thanh Niên để phàn nàn về khả năng nói tiếng Anh của người Việt, rằng họ nói không tốt bằng những người sống ở Thái Lan, Singapore, hay London.

Ối trời, tôi hiểu cảm giác của các bạn “khoai Tây” này.

Sau hai năm trời ở Việt Nam, tôi đã chán cái cảnh phải dùng tiếng Anh trong mọi giao dịch công việc và cá nhân, chán đến nỗi tôi quyết định phải chấm dứt chuyện này và đi học tiếng Việt.

Vì vậy tôi bỏ ra 227 đô để đăng ký học một lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi đặt cho trường này một cái tên khác: Trường Đại học Có Cái Tên Khó Nhớ và Khó Phát m Nhất Đối Với Người Nước Ngoài.

Lớp dạy tiếng Việt cho "người nước ngoài" (People water outside - lại một kiểu dịch rất tếu táo của tác giả) tại trường này đã có từ rất lâu - chắc phải từ hồi người Bồ Đào Nha đi vòng quanh thế giới viết từ điển cho các nước.

Chọn một giờ học thích hợp không hề đơn giản. Cuối cùng, tôi quyết định chọn lớp 8 giờ sáng - để đảm bảo lúc đó tôi sẽ buồn ngủ hết cỡ, thường xuyên đi học muộn hay thỉnh thoảng trốn học.

Các bạn cùng lớp tôi (hay nói chính xác hơn là các đối thủ của tôi) bao gồm một bà nội trợ Nhật, hai sinh viên đại học Hàn Quốc hình như tối nào cũng nhậu nên sáng nào cũng lơ mơ, và một cặp vợ chồng về hưu đến từ Busan (Hàn Quốc).

Mặc dù cô giáo giảng bài bằng tiếng Anh, người duy nhất nói tiếng Anh trôi chảy ngoài tôi ra là một thương nhân người Hoa gốc Hà Lan học tiếng Quan thoại vào buổi tối.

Tôi học giỏi nhất lớp trong suốt tuần đầu tiên. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tuần tuyệt diệu nhất đời tôi. Tuy nhiên, khi chương trình học được nâng cao, không còn dừng ở việc nói “cảm ơn” và gọi cà phê, tôi bắt đầu thấy đuối.

Sang tuần thứ hai, mọi người trong lớp đã vượt qua tôi như một bầy báo đốm chăm chỉ.

Chả hiểu sao mà họ nhớ được từ vựng tiếng Việt!

Quyết tâm chiến thắng trong lớp học này, tôi viện đến sự giúp đỡ của một gia sư.

Tây ở Việt Nam thường đòi 20 đô cho một giờ dạy kèm tiếng Anh (chỉ làm mỗi một việc là tán chuyện) nên tôi rất lo giá thuê một gia sư tiếng Việt có chất lượng cũng sẽ cao không kém.

Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi chỉ cần tiếp cận các sinh viên ở sân trường Đại học Có Cái Tên Khó Nhớ và Khó Phát m Nhất Đối Với Người Nước Ngoài và nhờ họ giúp đỡ mà không phải trả tiền.

Toàn bộ sinh viên trường này dường như đã tuyên thệ rằng họ sẽ ngồi nghe người nước ngoài hủy hoại tiếng Việt trong bao lâu cũng được. Lời thề còn cấm họ có bất cứ một biểu hiện khó chịu nào, kể cả khi người nước ngoài gân cổ ra sức thuyết phục họ rằng tất cả người dân Việt Nam đều phát âm sai chữ “p”.

Cuối cùng, tôi quyết định chọn một gia sư đến từ miền Trung để dân tình sống ở các thành phố chính ở Việt Nam sẽ không hiểu tôi nói gì.

Ngày nào cũng vậy, hai chúng tôi học tập chăm chỉ để đảm bảo rằng tôi sẽ mãi mãi là sinh viên học tiếng Việt dở nhất mà Trường Đại học Có Cái Tên Khó Nhớ và Khó Phát m Nhất Đối Với Người Nước Ngoài từng dạy.

Tôi bắt đầu mỗi buổi học bằng việc phát âm sai toàn bộ bảng chữ cái tiếng Việt, sai từ đầu đến cuối.

Sau đó, gia sư của tôi đọc to các đoạn văn để tôi chép sai chính tả. Hai đứa tôi học đi học lại những từ viết sai chính tả để đếm xem tôi đã viết sai chính tả tất cả bao nhiêu lần. 

Tôi có thể tự hào nói rằng mình chưa viết đúng chính tả một chữ nào sau khi nghe cô đọc.

Gia sư của tôi tin rằng nếu tôi tiếp tục cố gắng thì chỉ trong vòng sáu tháng sẽ không ai hiểu tôi nói gì hết. Tôi đang hi vọng trong một ngày không xa, những gì tôi nói sẽ hoàn toàn vô nghĩa, và xứ sở này sẽ xem tôi như một nhà thơ thiên tài. 

Cho đến ngày đó, tôi xin chúc sức khỏe các bạn, theo như cách phát âm sai của tôi là “chúp sử quêy”...

Calvin Godfrey - Người dịch: Thùy Linh

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người nước ngoài đang sống và làm việc tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.