Thách thức cho tân giáo hoàng

08/03/2013 04:00 GMT+7

Người kế vị Giáo hoàng Benedict XVI chắc chắn sẽ có một lịch làm việc dày đặc ngay sau khi được 115 hồng y tham dự mật nghị bầu chọn.

Ngày 7.3, toàn bộ 115 hồng y đủ tư cách đã có mặt tại Vatican để tham gia bầu chọn giáo hoàng mới. Tuy Hồng y đoàn vẫn còn thảo luận và chưa quyết định chính thức ngày bắt đầu mật nghị nhưng chắc chắn tân giáo hoàng sẽ ra mắt tín hữu trước lễ Phục sinh vào cuối tháng 3. Theo tờ Le Monde, các hồng y người Ý muốn bắt đầu mật nghị vào ngày 10 hoặc 11, trong khi một số hồng y Mỹ, Đức, Pháp muốn dời thêm vài ngày để thảo luận kỹ về những tiêu chí cần ở giáo hoàng tương lai. Lý do là lãnh đạo mới của giáo hội sẽ phải bắt tay vào giải quyết “hàng núi” công việc từ đạo tới đời.

Hòn đá của hội thánh

Trả lời phỏng vấn Đài Radio Vaticana, Hồng y Philippe Barbarin, Tổng giám mục giáo phận Lyon (Pháp), nhận định: “Trong Kinh thánh, Chúa Jesus từng nói với Thánh Phê Rô (giáo hoàng đầu tiên của Công giáo - NV): “Con là đá, trên đá này ta xây dựng hội thánh của ta”. Thật vậy, giáo hoàng phải là người thật vững vàng và quyết đoán. Đứng đầu một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, với trên 1,2 tỉ giáo dân là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt là trong lúc Vatican đang gặp nhiều khó khăn.

 
Vatican có thể trải qua một số cải cách sau khi có giáo hoàng mới - Ảnh: Lan Chi

Vụ rò rỉ thông tin mật về những căng thẳng nội bộ của tòa thánh hồi năm 2012, thường được gọi là VatiLeaks, hiện đang được 3 hồng y điều tra. Tân giáo hoàng là người tiếp nhận những hồ sơ “nhạy cảm” này. Khi có kết quả điều tra, ông sẽ phải đưa ra quyết định xử trí hợp tình hợp lý nhất để giữ vững hình ảnh của giáo hội. Và để củng cố bộ máy điều hành của Vatican, tân giáo hoàng cần chọn lựa một hồng y vừa thân cận, vừa đủ uy tín để bổ nhiệm vào vị trí quốc vụ khanh. Chức vụ này tương tự thủ tướng ở các quốc gia khác và được xem là nhân vật số 2 của tòa thánh.

Kế đến, theo tờ Le Monde, những sứ vụ của giáo hội không nên quá tập trung vào Vatican mà cần được “chia lửa” cho các giáo phận địa phương để việc điều hành bớt nặng nề. Cụ thể là thường xuyên tổ chức hội nghị tôn giáo quy tụ giám mục ở các nước và khu vực để thảo luận và giải quyết những vấn đề quan trọng. Điều này cũng phù hợp với các văn kiện của Công đồng Vatican II (1962-1965), vốn được xem là cột mốc đánh dấu nhiều đổi mới. Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực vào “trung ương” là truyền thống lâu đời của giáo hội nên tân giáo hoàng sẽ phải rất quyết đoán nếu muốn thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Minh bạch tối đa

Theo Hồng y Barbarin, sau vụ VatiLeaks, tòa thánh cần một người đứng đầu có khả năng đưa mọi thứ vào khuôn khổ và minh bạch hóa những vấn đề còn khúc mắc. Giáo hoàng Benedict XVI đã có những quyết định quan trọng theo hướng này, nổi bật nhất là thừa nhận những vụ bê bối về lạm dụng tình dục của một số linh mục. Tân giáo hoàng đang được tín đồ Công giáo kỳ vọng sẽ tiếp bước người tiền nhiệm để “thanh lọc” những kẻ phạm tội.

Ngoài kiến thức sâu rộng về thần học, giáo hoàng còn phải giỏi về quản trị và… tài chính, hoặc ít nhất phải có một cộng sự là chuyên gia về lãnh vực này. Trong lúc khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng ở nhiều nơi, đặc biệt là châu u thì đây là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, từ đầu tháng 1.2013, Ngân hàng Trung ương Ý đã khóa các hoạt động giao dịch điện tử bằng thẻ tín dụng ở Vatican vì không đảm bảo các quy chuẩn quốc tế về minh bạch tài chính.

Về mặt phát triển Công giáo, tân giáo hoàng cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tại những quốc gia truyền thống của đạo này ở phương Tây, số lượng tu sĩ đang ngày càng giảm. Do đó, thời gian qua, nhiều chuyên gia từng đặt vấn đề cho phép linh mục được lập gia đình như giai đoạn giáo hội mới được thành lập. Như vậy sẽ giúp giải quyết tình trạng “khủng hoảng” nhân sự ở nhiều giáo phận của u-Mỹ. Các Giáo hoàng John-Paul II và Benedict XVI đều bác bỏ khả năng này. Giáo hội cũng không đồng quan điểm với nhiều nước phương Tây ở một số vấn đề xã hội như dùng các biện pháp ngừa thai, phá thai, ly dị…

Theo giới quan sát, tân giáo hoàng cần phải có những phát biểu “mềm mỏng” hơn về những vấn đề này để vừa giữ được giá trị truyền thống của Công giáo mà vẫn không gây phản ứng tiêu cực ở những người có khuynh hướng “tự do”. Song song đó, tân giáo hoàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tiếp tục phát triển quan hệ với các tôn giáo khác, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn cộng đồng Hồi giáo đang đối đầu về ý thức hệ với phương Tây.

Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là tân giáo hoàng sẽ thuộc “trường phái” nào? Bảo thủ, đổi mới hay trung hòa? Hầu hết các hồng y tham gia mật nghị, trong đó có giáo hoàng tương lai, đều do Giáo hoàng John-Paul II hoặc Benedict XVI bổ nhiệm nên về mặt quan điểm sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Do vậy, việc cải tổ Vatican, nếu được tân giáo hoàng ủng hộ, phần lớn cũng sẽ dựa trên những thay đổi đã được những người tiền nhiệm gợi mở.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Vatican vẫn chưa định ngày Mật nghị hồng y
>> Hồng y giả đột nhập cuộc họp kín tại Vatican
>> Vatican bác tin đồn về nhân sự
>> Ai điều hành Vatican trong thời gian trống tòa?
>> Giáo hoàng Benedict XVI có thể bị kiện nếu rời Vatican

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.