Ca khúc "ăn khách": Vì sao chết yểu?

10/12/2005 16:02 GMT+7

Điệp khúc quen thuộc của bài hát Kiếp đỏ đen cứ liên tục vang lên trong khu phố nhỏ. Bọn nhóc và cả người lớn lẩm bẩm hát theo. Đây là một trong những bản nhạc "hot" nhất hiện nay. Rồi thì những ca từ đại loại như: "... Em khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân...", "... Người ta thường nói khi yêu ai thì yêu dại khờ..." hay chen lẫn lời vừa Tây vừa ta trong những bản nhạc "nói" được các boy band, girl band trình diễn trong những chương trình ca nhạc được chiếu trên màn ảnh nhỏ, từ tường thuật đến cả phát "live" đã thành những "trào lưu" trong thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ.

Nuối tiếc một thời

Một điều có lẽ ai cũng biết rõ là ngày xưa khi sáng tác những ca khúc bất tử như Đêm đông, Em đến thăm anh một chiều mưa, Dư âm, Diễm xưa, Suối mơ, Biệt ly, Gửi gió cho mây ngàn bay, Du kích sông Thao... các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Doãn Mẫn, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Đỗ Nhuận... là những người trẻ. Trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Nhưng "những mái đầu xanh nay bạc trắng" này (thậm chí có người đã khuất) luôn thẩm thấu được hồn văn hóa của dân tộc để cho ra đời những tác phẩm mà 40-50 năm sau vẫn được khán giả đón nhận và tôn vinh. Thế thì có nên đổ lỗi cho những nhạc sĩ trẻ bây giờ do thiếu kinh nghiệm, non tay nghề nên mới sản sinh ra những đứa con tinh thần "èo uột", dễ nhớ, dễ quên? "Vòng đời" bình quân của một số ca khúc mới hiện nay chỉ độ từ 6 tháng đến một năm, rồi sau đó thì... chết yểu hoặc rơi vào quên lãng. Và những "nghệ sĩ" trẻ lại "kiên cường" sáng tác để tiếp tục cho ra đời những sản phẩm hời hợt, dễ dãi nhưng vẫn cứ được ngợi ca là... nhạc sĩ.

Sự thống trị của nền công nghiệp giải trí


Nhóm Mây Trắng với những ca khúc teenpop đang được giới trẻ yêu thích

Hiện nay nền công nghiệp giải trí thế giới song hành với kỹ thuật công nghệ cao đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật "phi quốc gia, đa chủng tộc" - với cách thể hiện rặt theo phong cách sống u Mỹ - đang chiếm lĩnh thế giới. Giá trị truyền thống, nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc dần bị mai một mà thay vào đó là nền văn hóa hip-hop, tôn thờ chủ nghĩa hiện sinh và thực dụng đến mức trơ trẽn. Thêm nữa, việc lăng-xê một ca sĩ, nhạc sĩ để họ "từ bóng tối bước ra ánh hào quang" không còn là chuyện đáng bàn vì hiện có cả một đội ngũ truyền thông đại chúng hùng hậu sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu đó. Dưới áp lực của giới truyền thông, nhiều bạn trẻ ngộ nhận với cái gọi là "nghệ thuật đương đại" nên dễ dàng đón nhận, du nhập "nền văn hóa mới, hiện đại và đầy chất văn minh" này.

Nhìn lại, thị trường âm nhạc của chúng ta với cơ man là hỗn tạp khiến khán giả - nhất là giới trẻ - rất khó thẩm định. Người sản xuất chương trình, nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn dường như đều có chung một "chí hướng": ăn xổi ở thì, chụp giựt. Nguyên nhân thứ hai là môi trường hoạt động cũng như thị hiếu của công chúng đã khiến cho những người làm nghệ thuật không ngừng dễ dãi, say sưa chạy theo doanh thu, lợi nhuận và cả tiếng tăm.


GS-NS Ca Lê Thuần

Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần (Chủ tịch Hội m nhạc TP.HCM) đã phải thốt lên rằng ông không thể hình dung một chương trình nghệ thuật mà chỉ được tổ chức sơ sài, tập tành vỏn vẹn độ... một hai hôm. Các ca sĩ thì thay nhau xếp hàng lên sân khấu với đĩa đã phối sẵn phần nhạc đệm và vài người còn hát nhép để che lấp chất giọng quá tầm thường. Thậm chí có dàn nhạc giao hưởng chỉ tập với nhau được đôi ba lần là biểu diễn trước công chúng. Ông cho biết không riêng gì nước ta mà thế giới hiện cũng đang dần hình thành một nền công nghệ giải trí thỏa mãn phần "con" hơn phần "người", xóa nhòa giá trị truyền thống cao đẹp, san lấp những di sản tinh thần riêng biệt của một quốc gia. Tuy nhiên, nhạc sĩ Ca Lê Thuần khẳng định vẫn còn một số đông công chúng yêu nghệ thuật phản ứng mạnh mẽ và rất muốn định hướng cho giới trẻ trong việc tiếp thu cũng như thưởng thức những cái hay, cái mới trong nghệ thuật.

Thiếu vắng những ca khúc mới có giá trị nghệ thuật

Điều thiếu sót hiện nay là các tác giả (tạm gọi như thế với những nhạc sĩ trẻ hiện nay) chưa xử lý tốt giữa cái đẹp và cái mới. Sau khi các nhạc sĩ kỳ cựu đã luống tuổi thì dường như đội ngũ nhạc sĩ kế thừa chưa hoàn tất tốt chức năng của họ. Có thể họ chỉ tạo ra cái lạ nhưng không hình thành được nét mới, độc đáo. Và do vậy, những cú đột phá trong nghệ thuật để cho ra đời  những ca khúc bất tử thì gần như bị "hiếm muộn" mà thay vào đó là những "dị dạng", "biến tướng" bằng những ca từ sex, những bản nhạc chế, nhạc nói... nghe qua muốn dựng tóc gáy. Ấy vậy mà lớp trẻ, nhất là tuổi teen lại thẩm thấu rất nhanh, nghêu ngao suốt ngày những sáng tác đó. Báo chí đã từng phê phán chuyện này và điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải vào cuộc chứ không nên để đến khi album đã tung ra thị trường rồi mới thẩm định và... cấm phát hành.

Làm gì trước khi quá muộn?

Để định hướng cho giới trẻ trong việc thưởng thức một tác phẩm văn học nghệ thuật là điều không hề đơn giản, có thể phải "hy sinh" vài thế hệ, nghĩa là mất cả ba bốn mươi năm. Chúng ta đang từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, nhưng làm cách nào để tránh xuống cấp việc thẩm định giá trị văn hóa trong giới trẻ hiện nay?

Trước tiên, họ cần được trang bị đủ tri thức để có thể đánh giá một tác phẩm, một chương trình nghệ thuật. Điểm này thì vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng giữ vị trí quan trọng. Đã có nhiều chương trình ca nhạc mà người biên tập phải lệ thuộc vào ý thích của công ty tài trợ, quảng cáo nên buộc phải đưa những bản nhạc đang ăn khách trên thị trường nhưng kém về nghệ thuật lên sân khấu. Hay bài viết của những phóng viên không am hiểu, chẳng có chút kiến thức nào về âm nhạc cũng lên giọng ca ngợi hay phê phán một tác giả hay tác phẩm nào đó. Việc tạo nên những mối quan hệ khắng khít giữa nhà báo và ca sĩ, nhạc sĩ trẻ để có cơ hội lăng-xê xem ra không còn là chuyện hiếm nữa. Do vậy giới trẻ dễ sa đà, chạy theo khuynh hướng số đông, theo mốt thời thượng trong thưởng thức hay đánh giá một bản nhạc nào đó.


GS Trần Anh
Tình hình này cũng tương tự như việc một số "nhạc sĩ" trẻ hay ca sĩ trẻ bỗng một ngày đẹp trời "nổi hứng" sáng tác ca khúc. Họ thậm chí không nắm vững nhạc lý, đừng nói chi đến việc thẩm thấu văn hóa, như thế làm sao có những tác phẩm hay?

Trong khi đó, các bài viết nghiêm túc, có đủ lý luận chặt chẽ, đánh giá khách quan một tác phẩm hay một dòng nhạc thì rất ít khi đến được với công chúng, có chăng chỉ được đăng trong những tạp chí chuyên ngành âm nhạc. Giáo sư Trần Anh (Trưởng khoa lý luận sáng tác Nhạc viện TP.HCM) nhận xét rằng các bài lý luận phê bình hiện nay đều rất mỏng, không ấn tượng, nặng về quảng cáo, khen chê chung chung. Giáo sư nói thêm hiện tượng ai cũng có thể viết bài lý luận phê bình âm nhạc đang ngày một gia tăng và hầu như đều né tránh những vấn đề gai góc, đồng thời lại thiếu những bài viết có tính thuyết phục, định hướng cho giới trẻ.

Xin mượn lời của giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần để kết thúc bài viết này: "Chúng ta đang sống trong một thế giới chìm ngập thông tin nhưng vẫn đói về tri thức". Thật vậy, thiếu tri thức thì bước qua bên kia con dốc của việc thẩm định giá trị nghệ thuật trong lòng công chúng là điều không thể tránh khỏi.

Danh Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.