Rút ruột... vàng

19/12/2006 21:46 GMT+7

Giá vàng lên. Giá vàng lên nữa. Rồi giá vàng giảm nhẹ. Sau đó lại lên. Cứ như thế, hai ba năm nay, điệu nhảy của vàng đã mê hoặc không biết bao nhiêu người trót lao vào với nó. Dường như trong cơn lốc ấy, người ta chỉ quan tâm đến giá vàng, có bao nhiêu tiền để mua được vàng? Còn bản chất vàng ra sao, độ thật giả trong đồ nữ trang vàng như thế nào, dường như không mấy ai để ý… Phóng viên Thanh Niên đã thử tìm hiểu thực chất vàng ở TP.HCM.

Lọc lừa đời vàng

Trước hết, từ vàng trắng. Vàng trắng được chế từ vàng 24K pha chung với "hội" (hợp chất để chế vàng gồm đồng thau, bạc, niken - "hội" thường phải nhập ngoại). Vàng trắng thường nằm ở 5 tuổi 2 tương đương 14K theo chuẩn quốc tế. Nhưng thường thì những tay thợ bịp chỉ chế vàng trắng thành trên dưới 4 tuổi (tương đương 10 - 12K) bằng cách pha nhiều "hội", sau đó mạ platin bên ngoài.

Để chế ra vàng tây 18K, thợ "hạ tuổi vàng" bằng cách pha chung vàng 24K với hợp chất đồng, bạc theo tỷ lệ nhất định. Chuẩn nhất sẽ ra vàng 18K ở độ 7 - 7,5 tuổi. Thợ bịp thì hạ tuổi xuống thấp hơn (từ 6,5 - 6,8 tuổi) bằng cách pha vô lượng đồng nhiều hơn lượng bạc.

Nói chung, tiệm vàng nào cũng có bộ đồ nấu vàng. Chúng gồm ngòi đèn, "mẻ thảo" (mẻ đất nhỏ). Thợ nấu bằng cách dùng ngòi đèn "đạp cóc" (bơm hơi) cho ngọn lửa thổi vào hợp chất lẫn vàng nằm trên mẻ thảo. Khi vàng, bạc, đồng trên mẻ này "hườn" (hòa quyện) nhau thì đổ hỗn dịch nóng chảy này ra "thảo" (khuôn sắt hoặc gang dẹt, dài). Khi đó vàng sẽ chảy thành sợi dẹt, dài; để nguội thợ sẽ lấy sợi vàng này để chế tác (cẩn, dát) tùy theo các món đồ.

Về xác định tuổi vàng, đau nhất và hay bị lừa nhất là những tiệm cầm đồ khi gặp phải "khách" cầm cố nữ trang chính là những tay thợ bạc có tài nhưng thất đức. Thông thường nhất, mấy tay thợ này chế vàng tây, vàng trắng thành đồ nữ trang như dây chuyền, nhẫn, lắc sau đó ghé vô tiệm. Thường thì thợ bạc đòi cầm đến 80% giá trị món đồ (tính theo giá đồ xịn). Chủ tiệm cầm đồ tham rẻ mà "OK" là coi như dính chấu. Số đồ này, nếu họ thanh lý lại được cho khách tham mua rẻ từ hàng cầm đồ là may. Nếu không, buộc phải đem ra tiệm vàng nhờ nấu lại để bán theo giá vàng tinh chất. Nhưng hỡi ôi, vàng này nấu được thành 3 -  4 tuổi là may cho họ lắm rồi.

Một chiêu nữa cũng phổ biến: Thợ bạc chế hẳn đồ thành vàng 24K rồi đi cầm. Nhưng thực ra, chúng là bạc, bên ngoài được "lắc kê" (phủ một lớp vàng 24K rất dày), cầm vô chủ tiệm đố biết là đồ kém chất lượng. Nếu đem mài ra thử cũng thấy vàng. Mua vào là chết. Đồ này chỉ mang ra tiệm vàng mới thử được. Chỉ cần dùng ngòi đèn thổi vào một chỗ bất kỳ trên món đồ, bị đun nóng, bạc ở bên trong nhẹ lửa hơn sẽ trào ra. Cao thủ nhất là chiêu này: Thợ bạc sẽ chế tác đồ bằng "hội", nằm ở giữa, bên các cạnh đồ mới "lắc kê" vàng thật. Sau đó, chúng mang đi cầm hoặc bán. Do không có kinh nghiệm hoặc chủ quan, tiệm mua chỉ thử bằng cách mài cạnh của đồ xuống đá, phần giữa không mài (sợ hỏng mất đồ đẹp). Thế là lại dính chấu.

Tuyệt chiêu thử vàng


Phết axít trắng lên thử vàng - ảnh: T.G

Nếu vàng được đúc thành khối, ví dụ như một chiếc nhẫn đặc, không cẩn hột, không "bọng" (không rỗng ở bên trong), cách thử chính xác nhất là dùng máy thử. Trong máy này có tia quang phổ để đọc tuổi vàng, tỷ lệ chính xác đến 99% (1% sai số còn lại phụ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời khi mang vàng vô thử). Thường thì những tiệm vàng lớn mới trang bị được loại máy này, trên máy cũng gắn luôn cân trọng lượng.

Cách thử thủ công dành cho những tiệm vàng nhỏ. Trước hết, thợ vàng cà đồ trang sức lên đá thử vàng thành một vệt nhỏ, sau đó dùng axít trắng (axit nitric) phết lên vệt vàng bám lại trên đá thử để xem liệu món đồ có phải là vàng thật hay không. Nếu là vàng thật, trên mặt đá sẽ còn nguyên vệt vàng (vì axít nitric không hòa tan được vàng). Nếu không phải là vàng, "vệt vàng" (có thể là đồng, bạc hoặc hợp chất) sẽ biến mất do bị axít hòa tan. Khi thử được là vàng thật, thợ lấy tiếp axít vàng (axít clohidric) phết lên vệt vàng để thử tuổi, vệt vàng sẽ chuyển sang màu xanh lơ. Nếu vàng tuổi thấp (vàng trắng 14K hoặc vàng tây 18K), vệt vàng sẽ chuyển sang màu xanh lơ rất nhanh. Nếu tuổi vàng cao (từ 7,5 tuổi trở lên), vệt vàng sẽ chuyển từ từ sang màu xanh lơ.

Ước lượng, một lần bị thử bằng cách mài đá như thế, một chiếc nhẫn sẽ mất đi (bị bào mòn) khoảng 0,01 "dem" vàng. Tương đương, một ngày, thợ thử được 1.000 chiếc nhẫn thì trên mặt đá sẽ nằm lại 1 phân vàng. Số vàng này coi như khách hàng bị mất cho tiệm. Chúng sẽ được gom lại để bán "heo vàng" (Thanh Niên đã đề cập qua bài Phù thủy luyện vàng). Ngoài ra, cắn vàng cũng có thể biết tuổi. Nếu vàng 18K, cắn thấy cứng vì có pha đồng, cắn thấy xốn răng. Vàng 24K cắn vô thấy mềm hơn. Ném vàng xuống sàn gạch, vàng 24K nghe tiếng nặng, đục, không nghe tiếng "keng" của kim loại pha tạp. Vàng tây ném xuống cũng có tiếng nặng (nhưng vẫn nhẹ hơn vàng ta), kèm theo tiếng "keng" vì có pha đồng. Vàng đểu, cầm thấy nhẹ tay. 

Tiệm vàng Y. ở đường Nhiêu Tâm (Q.5) có lần bị ngay thợ trong nhà gạt. Nói theo dân trong nghề, Y. là "chành" (cơ sở chế tác gia công). Thường ngày, "chành" Y. nhận đủ thứ hàng, từ hàng chợ đến hàng gia công xuất khẩu. Lần đó, bà chủ giao cho tay thợ 10 lượng vàng 24K để hắn chế xuống thành vàng 18K. Tay thợ nhận hàng, làm xong giao vàng, đem thử chỉ được khoảng 6 tuổi. Bà chủ phát hiện, hỏi thì hắn kêu: "Chị giao tôi có thử tuổi đâu, được bao nhiêu nấu bấy nhiêu thôi". Biết tay thợ lừa mình, bà chủ chấp nhận mất gần một lượng vàng rồi tuyên bố cho hắn nghỉ việc. Ngoài ra, để giữ uy tín cho "chành", bả kêu thợ mới nấu lại toàn bộ số vàng trên theo đúng tuổi. 

Độc chiêu của thợ bạc


Máy cân và thử vàng

Một buổi sáng đẹp trời, tiệm vàng N. trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) đón một vị khách sộp. Ông cầm trên tay một bịch đồ trang sức nặng, trong đó có vô số nhẫn, dây chuyền, lắc bằng vàng tây, vàng ta, vàng trắng... Một số đồ lành, còn một số đã bị đứt gãy. Ông chủ xưng mình làm ở tiệm cầm đồ, giờ không thanh lý được, muốn đem đến tiệm vàng để thử tuổi. Thợ tiệm N. với trên 20 năm kinh nghiệm, cầm gói đồ thấy nặng, ước cũng khoảng 5 - 6 lượng vàng. Nhưng rất khó thử tuổi chính xác nếu không nấu chúng lên. Thuyết phục một hồi, ổng mới đồng ý. Lò lửa đỏ rực gần nửa tiếng đồng hồ. Mồ hôi tay thợ toát ra như tắm. Không phải vì nóng. Hắn bắt đầu nghi ngờ và... lạnh gáy. Món đồ nhìn qua đẹp như thế, cầm nặng như thế, vậy mà đun nóng chảy rồi vẫn không "hườn". "Cục vàng" nấu xong để nguội, đem vào máy thử, hắn mới ngã ngửa người: trong đó không hề có vàng! Máy báo liên tục "không đọc được tuổi vàng". Ông chủ cầm đồ lúc này mặt cắt không còn giọt máu. Không phải ông, chính những "khách hàng" đem đồ cầm cố mới là đại bịp. Chủ tiệm N. mới mách cho ổng rằng: "Khách hàng" đó không ai khác chính là những tay thợ bạc lừa đảo.

Có tay thợ L. quen và chuyên mang vàng đến đúc tại tiệm K. trên chợ Hòa Bình (Q.5). Từ trước nay, L. và tiệm K. giao hảo rất uy tín, vàng đem đến chỉ nói tuổi, tin nhau nên không kiểm tra lại. Lần đó, L. mang cục vàng 1 lượng đến giao tiệm K. nhờ đúc nhẫn. Nhẫn đúc xong, L. đến nhận đồ về làm "món" (đánh bóng lại, cẩn thêm hột xoàn). Lô hàng được L. mang đến giao cho người đặt làm. Lúc này thì người đặt lô hàng này đã nghe phong thanh trong giới thợ bạc rằng L. mới đây đã có những biểu hiện gian dối trong nghề, buông thả trong lối sống... Cầm lô hàng, người đặt cũng sinh nghi bởi chúng có vẻ kém tuổi, ổng yêu cầu L. thử tuổi ngay trước mặt. Tay thợ mặt mũi tái xám nhưng cũng phải làm theo. Y như rằng, vàng thấp tuổi hơn nhiều so với khi giao. Người đặt thẳng thừng: "Mày làm ăn sao để vàng thấp tuổi? Từ giờ khỏi ghé nữa!". L. mới quay sang đổ vấy cho tiệm K. Hắn quay lại tiệm, bắt K. đền phân nửa mức chênh lệch giữa tuổi vàng cao - thấp. Cực chẳng đã, K. phải đền cho tay thợ bịp rồi từ đó cấm cửa y luôn.

Tiệm vàng H. trên đường Lê Thánh Tôn trước giờ nuôi được tay thợ nức tiếng giỏi nghề, khéo tay. Chủ tớ tin tưởng, vàng giao không hề kiểm tuổi. Thế rồi một hôm, có vị khách quen đem mấy món đồ lại tiệm mắng vốn. Số là khách này đã mua đồ tại tiệm này, giờ kẹt tiền, tiện thể đem bán cho tiệm vàng cạnh nhà. Tiệm vàng nọ chê tuổi kém nên không mua. Khách quay lại tiệm cũ đòi bán và bù tiền. Bởi trên mỗi món đồ đều khắc dấu của tiệm nên ông chủ H. không thể chối cãi. Hỏi ra mới biết tay thợ đã "chơi" mình. Ông đuổi thẳng. Để giữ uy tín, ngoài bù tiền cho vị khách nọ, tiệm H. còn tìm mọi cách liên hệ với các khách hàng đã từng mua những món đồ sản xuất trong lô hàng đó, vào thời điểm đó để đổi lại cho họ đồ tốt. Còn tay thợ nọ thì sau đó được cho về quê... cày ruộng. Bởi giới bạn thợ và chủ tiệm vàng trong TP không còn tin hắn nữa...

T.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.