Việt Nam sẽ giảm dần án tử hình

24/11/2004 21:54 GMT+7

Ngày 24/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên minh châu u (EU) tổ chức cuộc hội thảo về án tử hình. Qua tranh luận, các đại biểu trong và ngoài nước đã hiểu sâu hơn vì sao ở Việt Nam vẫn cần phải thực hiện hình phạt này, đồng thời cũng ghi nhận xu hướng xóa bỏ án tử hình với một số loại tội phạm.

Mỗi nước mỗi kiểu

Theo một số đại biểu đến từ các nước thuộc EU, mặc dù hiện nay án tử hình còn được thực hiện ở nhiều quốc gia nhưng xu hướng chung là giảm bớt và đi tới xóa bỏ án tử hình. Ông Gerban de Jong - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết EU đặt mục tiêu là góp phần xóa án tử hình trên toàn cầu, trước mắt là kêu gọi hạn chế áp dụng mức án này và nếu có áp dụng thì nên theo "các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định".

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm - Phó chánh Văn phòng thường trực phòng chống ma túy, Bộ Công an, hiện nay do nhận định về sự cần thiết của hình phạt này, nên vẫn còn 90 nước áp dụng án tử hình, trong đó có cả nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... Một số nước tuy đã bãi bỏ án tử hình nhưng do thấy không ổn lại khôi phục đối với một số trọng tội như buôn bán ma túy, giết người... Hình thức thực hiện án tử hình cũng rất khác nhau: chém, tiêm thuốc độc, ghế điện và cả treo cổ... Một số nước theo đạo Hồi tử hình phạm nhân bằng cách ném đá đến chết hoặc thiêu sống... Năm 2003, có khoảng 2.756 người bị kết án tử hình ở 63 quốc gia.

Việt Nam: Giảm dần án tử hình

Quan điểm của đại biểu từ Bộ Ngoại giao, từ các cơ quan tư pháp của Việt Nam khá thống nhất về án tử hình. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng nói: "Đối với Việt Nam, việc vẫn duy trì án tử hình là cần thiết nhằm đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và vì lợi ích chung của cộng đồng và toàn xã hội". Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Việt Nam năm 1999 đã giảm hình phạt tử hình từ 44 tội danh xuống còn 29 tội danh.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học công an cho biết, từ khi áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), mỗi năm, tòa án nhân dân các cấp tuyên phạt tử hình khoảng 70-80 bị cáo (chiếm 0,25% tổng số bị cáo bị đưa ra xét xử). Trong đó, 95% án tử hình áp dụng cho các tội: tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô... Theo ông Cương: "Trong một năm tước quyền được sống của 70-80 người để đảm bảo quyền được sống bình yên cho 80-85 triệu người khác tại Việt Nam... là việc làm cần thiết, hợp đạo lý, hợp lòng dân". 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an nói: "Việc áp dụng hình phạt tử hình thời gian qua thực sự có tác dụng trấn áp và răn đe kẻ phạm tội. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm đã phải thú nhận là chính mối lo sợ bị kết án tử hình đã ngăn chúng không tiếp tục phạm tội ở mức nguy hiểm hơn". Thực tế cho thấy, trong một số nhóm tội phạm nghiêm trọng về ma túy, giết người... bọn tội phạm luôn có xu hướng đối phó với việc nếu bị bắt, bị truy tố sẽ bị tử hình bằng cách che giấu hoặc lẩn tránh những tình tiết khiến phải chịu hình phạt cao nhất. Một điểm "đặc thù" của Việt Nam là hằng năm các phạm nhân được xét ân xá, đặc xá... Do đó, giới tội phạm cho rằng: "Chỉ có hình phạt tử hình là thực sự đáng sợ". Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh kết luận: "Duy trì án tử hình hiện nay là phù hợp". Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, sẽ thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.

Một số đại biểu cũng nhất trí với các ý kiến trên nhưng cho rằng, bên cạnh đó cũng phải nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, luật sư để giảm tối đa các trường hợp bị xét xử oan, sai dẫn đến có thể có những án tử hình oan uổng hoặc là không được chú ý xem xét các tình tiết, bằng chứng có thể giảm nhẹ tội giúp họ có thể thoát khỏi án tử hình.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.