Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần

15/02/2014 16:00 GMT+7

(TNO) Vậy là thêm một năm nữa, lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định vẫn xô bồ, lộn xộn. Nguyên nhân chính là do lá ấn đền Trần vẫn cố tình bị hiểu sai giá trị…

(TNO) Vậy là thêm một năm nữa, lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định vẫn xô bồ, lộn xộn. Nguyên nhân chính là do lá ấn đền Trần vẫn cố tình bị hiểu sai giá trị…

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 1
Lễ rước nước, tế cá rất vắng vẻ

>> Náo loạn lễ khai ấn đền Trần
>> Khai ấn đền Trần: Đua nhau chen lấn, giẫm đạp
>> Khai ấn đền Trần, giá phòng nghỉ tăng cao ngất ngưởng
>> Khai Ấn đền Trần, nghĩ về sự dịch chuyển tâm thế người Việt

Không phải để “cầu quan, phát lộc”

Năm nay, lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) có thêm nghi lễ rước nước, tế cá nên khai mạc sớm hơn một ngày so với mọi năm (từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tức từ ngày 11 đến ngày 15.2.2014).

Bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch UBND TP.Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ khai ấn đền Trần năm 2014, cho biết việc Nam Định phục dựng lại nghi lễ này nằm trong mục tiêu trả lại bản chất, hình thức nguyên vẹn của lễ khai ấn là một lễ hội lớn với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc chứ không đơn thuần chỉ là khai ấn.

 
Những hình ảnh phản cảm như chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc, tranh ấn là do người dân cố tình hiểu sai về ý nghĩa của lễ hội đền Trần và giá trị thực của lá ấn đền Trần.

Trong cuộc họp báo cũng như tất cả các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trước lễ khai ấn năm nay, bà Tính đều nhấn mạnh việc xuất hiện những hình ảnh phản cảm như chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc, tranh ấn là do người dân cố tình hiểu sai về ý nghĩa của lễ hội đền Trần và giá trị thực của lá ấn đền Trần.

Vì vậy, vị quan chức có thâm niên nhiều năm giữ vai trò Trưởng ban tổ chức lễ hội khai ấn này nhấn mạnh việc “Nam Định sẽ dần trả lại đầy đủ bản sắc truyền thống, ý nghĩa thực sự của lễ khai ấn”.

Thậm chí, bà Tính còn đề nghị các cơ quan báo chí giúp đỡ làm rõ ý nghĩa thực sự của lá ấn đền Trần chỉ là một nghi thức truyền thống chứ không phải là “lá ấn thiêng” để “cầu quan, phát lộc” như nhiều người nhầm tưởng rồi tranh cướp ấn.

Giá trị thực của chiếc ấn đền Trần

Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, người trực tiếp thực hiện Đề án “Khôi phục lễ hội đền Trần” cho biết mục đích của việc phục dựng các nghi lễ truyền thống nói riêng và thực hiện đề án này nói chung chính là “theo yêu cầu của người dân” và “mở rộng phần hội để làm sáng tỏ bản chất của lễ khai ấn đền Trần”.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online hôm thực hiện nghi lễ rước nước, tế cá đền Trần (ngày 12.2), GS - TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, khẳng định: “Đây (tức lễ khai ấn - PV) vẫn là một lễ hội cấp làng do người dân bản địa phục dựng và tổ chức”.

Là người đã gắn bó nhiều năm với việc nghiên cứu các nghi lễ đền Trần, GS Bền khẳng định: Đền Trần nơi các Thái thượng hoàng thường về nghỉ ngơi, tổ chức ban phát lộc cho dòng họ và người trong vùng. Nhưng đối với việc phát ấn hằng năm thì cần phải xác định rõ để “giải thiêng” là lá ấn này không phải là của triều đình hay của vua, mà chỉ là của một ngôi đền ở phường Lộc Vượng, TP.Nam Định.

Làm rõ giá trị của lá ấn này, ông Bền cho biết: “Ý nghĩa của dòng chữ trên ấn “Tích phúc vô cương” hoàn toàn không liên quan đến quyền lực hay tiền tài, mà việc lấy ấn để có chức quyền là do mọi người tự nghĩ ra”. Vì vậy, “Khai ấn chỉ là để thực hành một nghi lễ, một tín ngưỡng”.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, một trong những người dày công nhất trong nghiên cứu về Vương triều nhà Trần, khẳng định: Tư liệu từ chính sử và các nghiên cứu đều làm rõ lễ khai ấn đền Trần chỉ là một nghi thức truyền thống đánh dấu thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết của các đơn vị hành chính thời phong kiến thời Trần. Lá ấn chưa từng có giá trị phong chức tước hay ban lộc...

Ai hiểu sai giá trị lá ấn đền Trần?

Tham dự lễ Khai ấn đền Trần tại Nam Định liên tục hơn 10 năm nay, PV Thanh Niên Online thêm một lần nữa lại chứng kiến sự thất bại của Ban tổ chức và các nhà khoa học trong việc “giải thiêng” lá ấn đền Trần.

Đêm khai ấn đền Trần năm nay (đêm 13.2), tại Nam Định, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thời tiết rét đậm khiến học sinh tiểu học phải nghỉ học. Tuy nhiên, tại đền Trần, hàng vạn người vẫn tập trung đợi giờ khai ấn. Mật độ người tập trung về dự lễ khai ấn được chứng minh bằng việc ngay từ chiều 13.2, các khách sạn, nhà nghỉ tại TP.Nam Định đều đồng loạt báo hết phòng. Khi kết thúc lễ khai ấn đến sáng, các hàng ăn, cafe đều chật kín khách. Dễ dàng gặp nhiều người không tìm được chỗ ngủ phải nằm trong xe đậu ven đường chờ trời sáng để vào đền mua ấn.

So sánh với sự vắng vẻ của đền Trần những ngày trước đó, kể cả lễ rước nước, tế cá được dựng rất công phu để thấy lá ấn đền Trần vẫn là nguyên nhân chính thu hút du khách về Nam Định.

Đến giờ phát ấn ngày hôm sau (14.2), số lượng người xếp hàng tại hai nhà Giải vũ đợi mua ấn vẫn chật như nêm. Vẫn cảnh chen lấn, trèo lên nhau để tranh mua ấn. Nhiều người dân không mua được ấn buổi sáng phải chầu chực, vạ vật tại đền để đợi mua bằng được ấn.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của lễ khai ấn năm nay chính là sự sùng bái của một số quan chức vào “lá ấn thiêng” đền Trần.

Trước giờ khai ấn, thời tiết giá lạnh bị đánh tan, không khí “nóng” lên vì sự chen lấn, xô đẩy ở khu vực những người được cấp thẻ vào trong đền dự khai ấn.

Đúng giờ Tý (23 giờ), khi kiệu ấn bắt đầu được rước vào đền Thiên Trường, nhiều người được “chọn mặt, gửi vàng”, đại diện cho dân vào dự nghi lễ trang trọng này đã cởi bỏ sự uy nghiêm, mà cũng xô đẩy, trèo lên nhau để cố chạm tay hay giật được một cành lộc trên kiệu ấn.

Tiền được vo viên cả nắm, ném như mưa về phía đoàn rước để cầu may.

Sáng ngày hôm sau, ở nhà Giải vũ, người dân xếp hàng dài, chen lấn nhau, mà chỉ mua được từ 1 đến 3 chiếc ấn. Đối diện phía bên kia, đại diện các cơ quan, ban ngành đặt sẵn ấn trình phiếu, hể hả bê từng chồng ấn lớn chia cho nhân viên trong cơ quan.

Lý giải về nguyên nhân hằng năm đều đi lễ đền Trần và mua bằng được một lá ấn, chị Trần Thị Vân (quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) cho biết: Tôi nghe nói ấn đền Trần thiêng lắm, có lá ấn trong nhà là quan, lộc luôn hanh thông. Bận đến mấy, năm nào sếp tôi cũng tổ chức cho cả cơ quan về Nam Định mua ấn.

Còn anh Nguyễn Minh Hải (huyện Giao Thủy, Nam Định) thì tâm sự: Tôi nuôi 3 con ăn học với mong muốn con mình sẽ thành đạt. Thấy “quan” xã, “quan” huyện năm nào cũng nô nức về đền Trần xin ấn nên cũng phải cố xin bằng được một chiếc để con mình sớm “lên ông, lên bà”! 

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 2
Hàng nghìn người có thẻ chờ được vào đền dự lễ khai ấn 

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 3
Chen lấn, giẫm đạp để giật lộc, sờ vào kiệu ấn lấy may 

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 4
Hàng vạn người đổ về đền Trần sáng 14.2 để mua ấn 

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 6

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 7

Vẫn hiểu sai giá trị ấn đền Trần 8
 Chầu chực, xếp hàng để mua được ấn - Ảnh: Hoàng Long 

Hoàng Long

>> Chỉ 100 người được dự lễ khai ấn đền Trần
>> “Giải thiêng” lá ấn đền Trần: “Lãnh đạo đừng dự lễ khai ấn nữa!”
>> Rộn ràng trước lễ Khai ấn đền Trần
>> Lễ khai ấn đền Trần: Xe công vẫn ầm ầm đi lễ : 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.