Điều động trực thăng tham gia diễn tập ứng phó động đất

16/04/2013 17:55 GMT+7

(TNO) Liên quan đến kế hoạch diễn tập ứng phó với động đất và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn H.Bắc Trà My (Quảng Nam) năm 2013, ngày 16.4, đoàn công tác của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) do thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng UBQG TKCN dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ tư lệnh Quân khu 5.

(TNO) Liên quan đến kế hoạch diễn tập ứng phó với động đất và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn H.Bắc Trà My (Quảng Nam) năm 2013, ngày 16.4, đoàn công tác của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) do thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng UBQG TKCN dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ tư lệnh Quân khu 5.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Giang nhấn mạnh, diễn tập phòng chống thiên tai thì dự báo thế nào phải diễn tập đúng như thế để khi xảy ra tình huống thật sẽ xử lý tốt.

Theo ông Giang, Quảng Nam cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó với động đất để người dân thấy các cấp chính quyền đã chuẩn bị giúp họ yên tâm. Ngoài ra, nội dung chính của diễn tập quan trọng nhất là tổ chức điều hành sơ tán.

Theo ông Giang, khi xảy ra động đất địa hình bị sạt lở nên sẽ rất khó cơ động đường bộ nên mọi việc phải cơ động bằng trực thăng hết. Ông Giang nói: “Bị nạn mà cứu chậm thì người dân sẽ chết nên phải nhanh nhất, mà nhanh thì chỉ có cơ động bằng đường không, bằng trực thăng đổ trực tiếp. Nếu trực thăng không đổ trực tiếp sẽ để bộ đội mang các thiết bị cứu nạn nhảy dù”.


Các bên liên quan nghe thuyết trình về kế hoạch diễn tập ứng phó với động đất tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam)


Các khu vực dự kiến sẽ tổ chức diễn tập

Liên quan đến việc điều động không quân, ông Giang cho biết, Quân khu 5 cần có kiến nghị với Bộ Tổng tham mưu cho phép sử dụng máy bay trong diễn tập.

Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, đại biểu tham dự của Quân khu 5 cho biết: “Việc diễn tập là để ta chuẩn bị một bước để sau này khi có vấn đề thì tránh cho nhân dân thiệt hại cao nhất. Tránh tình trạng diễn tập để đồng bào hoang mang thì rất nguy hiểm… Vì vậy, việc tuyên truyền cho bà con là rất quan trọng”.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, để dự lường động đất cần có sự tham gia của Viện Vật lý địa cầu.

Diễn tập phải sát thực tế

Trước khi xảy ra động đất gây thảm họa, liên tiếp trong các ngày xảy ra 5 - 6 trận động đất với cường độ mạnh dần. Khoảng 6 giờ 15 phút đã xảy ra một trận động đất với cường độ 5 Richter tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My).

Chính quyền địa phương nhận định sẽ có đợt động đất tiếp theo có nguy cơ gây vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 nên thông báo khẩn cấp và tiến hành sơ tán người dân theo kế hoạch.

Khoảng gần 3 giờ đồng hồ sau đó, tiếp tục xảy ra một trận động mạnh 5,3 độ Richter. Đây là trận động đất kép gây sập nhà cửa, công trình giao thông… và gây chết người. Nguy cơ vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 là có thể xảy ra sau đợt động đất này.

Đó chính là ý định và kết cấu tình huống phương án diễn tập ứng phó với động đất tại khu vực xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 được đưa ra tại cuộc họp. 

Tại cuộc họp, đại tá Đinh Văn Minh, đại diện cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, cuộc diễn tập sẽ được tổ chức trong 3 ngày (27-29.8.2013), bao gồm các lực lượng liên quan như các sở, ban, ngành địa phương, lực lượng vũ trang của Quân khu 5, Bộ Quốc phòng…

Theo kế hoạch, cuộc diễn tập có thành phần lực lượng dự kiến có khoảng 2.230 người tham gia sẽ được triển khai tại 6 khu vực nhỏ như: thực binh sơ tán nhân dân khi xảy ra vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2; thực binh TKCN sập đổ các công trình; thực binh TKCN sạt lở đất...

Ngoài ra, còn có khu vực thực hành xử lý sự cố cháy do chập điện do động đất gây ra. Cuộc diễn tập sẽ gồm 2 giai đoạn: công tác chuẩn bị và thực hành sơ tán nhân dân; thực binh, chỉ đạo và điều hành, triển khai các biện pháp ứng phó với động đất và TKCN.


Cuộc diễn tập sẽ được tổ chức tại khu vực xung quanh thủy điện Sông Tranh 2

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng UBQG TKCN nói: “Qua diễn tập, tôi nghĩ cần nghiên cứu vấn đề hệ thống cảnh báo, biện pháp, phương tiện ứng phó động đất hợp lý nhất. Thứ hai, cần nghiên cứu cơ chế chỉ đạo, điều hành thế nào để khi có tình huống xảy ra ứng phó hiệu quả nhất… Bởi bát nước đổ ra rồi thì mới vét thì không vét lại được”.

“Cho nên, diễn tập trước, làm trước để có phương án, tác chiến, phòng thủ. Người Nhật có câu ngạn ngữ “khi anh quên thiên tai thì thiên tai sẽ đến ngay” nên chúng ta cần nghiên cứu để phòng và giải quyết vấn đề… Ở đây, không phải là tác chiến phòng thủ… bởi động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên diễn tập phải sát thực tế”, thiếu tướng Phạm Hoài Giang nhấn mạnh.

Theo ông Giang, diễn tập mà không sát thực tế thì sẽ rất buồn cười. Ở Bắc Trà My, hiện tượng cháy sẽ không nhiều mà sụp đổ là chính, nên cần tổ chức cầu phà để tiếp cận… Do vậy, ông cho rằng không nên đưa tình huống cháy vào phương án diễn tập mà nên đưa tình huống sạt lở đất đá, vùi lấp, chia cắt địa hình… để giải quyết sát thực tế hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

>> Phớt lờ động đất, Iran xây thêm lò phản ứng hạt nhân
>> Động đất không ảnh hưởng nhà máy điện hạt nhân Iran
>> Iran hứng động đất mạnh
>> Lại động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2
>> Thuê công ty Nhật nghiên cứu động đất tại thủy điện Sông Tranh 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.