Tốt hơn cả là không phải xin lỗi

05/05/2013 03:15 GMT+7

Sự kiện thu hút dư luận trong tuần qua là chuyện du khách nước ngoài bị “chặt chém”, du khách trong nước bị “hành” tại các nơi thu hút khách du lịch. Tổng cục trưởng Du lịch chưa dứt lời xin lỗi nữ du khách đi xích lô bị “chém” đẹp thì lại đã xảy ra chuyện đôi vợ chồng du khách người Úc bị taxi tính tiền gấp 10 lần cước phí thực.

Sự kiện thu hút dư luận trong tuần qua là chuyện du khách nước ngoài bị “chặt chém”, du khách trong nước bị “hành” tại các nơi thu hút khách du lịch. Tổng cục trưởng Du lịch chưa dứt lời xin lỗi nữ du khách đi xích lô bị “chém” đẹp thì lại đã xảy ra chuyện đôi vợ chồng du khách người Úc bị taxi tính tiền gấp 10 lần cước phí thực.

Chuyện người đứng đầu ngành du lịch nước nhà phải đích thân xin lỗi du khách trong những trường hợp đặc biệt là chuyện rất nên làm, nhưng đến nỗi phải “thành lập một đơn vị chuyên trách việc xin lỗi” như bức xúc riêng của một lãnh đạo ngành du lịch thì có lẽ không nên. Bởi, có thể xin lỗi một du khách nước ngoài bị nạn chặt chém khi sử dụng phương tiện công cộng hoặc bị lừa ở địa điểm cư trú nào đó nhưng liệu có thể nào xin lỗi xuể hàng trăm khách du lịch phải chịu cảnh giá thuê phòng tăng gấp 10 - 15 lần niêm yết như vừa xảy ra ở một điểm du lịch biển? Trong khi cả 2 việc đó đều có ý nghĩa như nhau.

Nếu đã nghĩ đến việc xin lỗi “chuyên nghiệp”, có nghĩa cơ quan quản lý hiểu rõ rằng thiếu sót là phổ biến, vậy thì tốt hơn hãy nghĩ cách để không phải xin lỗi. Bởi lẽ lời xin lỗi có thể khiến du khách dịu lòng nhưng không làm cho người ta yên lòng. Khẳng định không có những chuyện bất cập như thế xảy ra mới bảo đảm du lịch thành “gà đẻ trứng vàng”. 

Du lịch là một ngành tổng hợp, sản phẩm của du lịch không phải chỉ là biển xanh, cát trắng, là lễ hội dàn dựng hay văn hóa nguyên sơ mà là nụ cười, là sự tận tâm, thân thiện, nhất là sự lương thiện. Do vậy mọi khuyết điểm trong lĩnh vực này không hẳn là lỗi của riêng cơ quan quản lý chuyên ngành về du lịch nhưng chắc chắn Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL sẽ phải tham mưu thêm nhiều cơ chế để chính sách phát triển du lịch đồng bộ.

Tình trạng du lịch bóc ngắn, cắn dài, “chặt chém”, hỗn danh xảy ra ở khắp các địa phương có lỗi từ nhận thức, từ hành vi kém văn hóa của một số người làm dịch vụ liên quan đến du lịch nhưng gốc gác vẫn là luật pháp chưa đủ, chưa nghiêm, cần bổ sung thêm chính sách. Ví dụ, luật Du lịch hiện gồm 88 điều nhưng chỉ 4 điều nói về quyền lợi, trách nhiệm của du khách, chưa đủ tạo ra vành đai bảo vệ du khách.

Muốn Việt Nam trở thành điểm đến văn minh, an toàn, luật Du lịch phải xác định được hành vi xâm phạm khách du lịch sẽ bị trừng trị hoặc cần có lực lượng chuyên trách bảo vệ du khách; thay vì có quá nhiều đơn vị chịu trách nhiệm nhưng du khách bối rối nhờ giúp đỡ khi gặp bất trắc như hiện nay.

Đề xuất luật hóa mức phạt nghiêm với các hành vi xấu trong du lịch là việc cần thiết. Tạo sự liên kết giữa các cơ quan có trách nhiệm, cụ thể là công an, thuế, quản lý thị trường, lập đường dây nóng hay cả lực lượng cảnh sát du lịch xử lý ngay các tiêu cực phát sinh trên thị trường du lịch âu cũng là chuyện trong tầm tay. Tổ chức các chiến dịch truyền thông hữu hiệu, bắt đầu từ ý thức người làm du lịch cũng là chuyện cần thiết và làm được.

Bên cạnh việc tổ chức các chiến dịch quảng bá ở nước ngoài, ngành du lịch cần có chiến lược giải quyết tận gốc các vấn đề nội tại, nhằm đổi mới mạnh mẽ hình ảnh của mình trước đã.

An Nguyên

>> Du khách nước ngoài bị "chặt chém": Ngành du lịch nói gì?
>> Xem xét thanh lý hợp đồng với tài xế taxi "chặt chém" du khách Úc
>> Khẩn trương điều tra vụ 3 du khách Pháp bị lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.