Đông Cứu quyết giữ nghề thêu sau 3 thế kỷ

03/03/2014 10:18 GMT+7

Làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, H.Thường Tín, Hà Nội 3 thế kỷ nay được biết đến với nghề thêu truyền thống. Từng nổi tiếng về thêu trang phục cho vua chúa triều đình thời phong kiến, nay Đông Cứu vẫn quyết giữ nghề thêu bằng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, H.Thường Tín (TP.Hà Nội) ba thế kỷ nay được biết đến với nghề thêu truyền thống. Từng nổi tiếng về thêu trang phục cho vua chúa triều đình thời phong kiến, nay Đông Cứu vẫn quyết giữ nghề thêu bằng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 Nghệ nhân Vũ Giỏi đang hoàn thiện một trang phục cung đình - Ảnh: Kiều Chinh
Nghệ nhân Vũ Giỏi đang hoàn thiện một trang phục cung đình - Ảnh: Kiều Chinh

Không giống như nhiều làng nghề đã mai một theo thời gian, nghề thêu ren ở Đông Cứu vẫn được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay. Lớp người đi trước rất có ý thức truyền nghề cho thế hệ sau, đó là lý do ngay từ lúc lên 3, lên 4, nhiều trẻ em ở Đông Cứu đã được hướng dẫn vào bàn thêu tập se chỉ, luồn kim. Theo trưởng thôn Nguyễn Thế Vượng, trong làng có hơn 80% người dân làm nghề thêu và khoảng 50 ông chủ các xưởng thêu, thu hút không những nhân lực có tay nghề trong làng, xã mà còn cả nhân lực các vùng lân cận. Giá nhân công được tính từ 12.000 - 15.000 đồng/tiếng, nhưng cũng phụ thuộc vào các mặt hàng được đặt, nên thu nhập có tháng được 2-3 triệu, có tháng lên tới 4-5 triệu đồng/người. “Nghề thêu được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân nơi đây tuy coi nghề thêu là nghề phụ nhưng cũng chẳng khác nào nghề chính, vì lúc nông nhàn bà con lại bắt tay vào thêu”, ông Vượng nói.

Theo anh Nguyễn Văn Tám, nghệ nhân gắn bó với nghề thêu từ năm lên 10 tuổi, ủy viên Ban chấp hành Hội thêu H.Thường Tín, có đến 80% hộ gia đình làm nghề thêu ở Đông Cứu phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì thu nhập thấp nên dù gia đình nào cũng gắn bó với nghề thêu, nhưng một nửa nhân lực từng nhà phải làm thêm các công việc khác. “Sống trong làng nghề luôn có niềm tự hào, niềm đam mê với nghề. Dù thu nhập thấp nhưng chúng tôi quyết không từ bỏ”, anh Tám chia sẻ.

Làng Đông Cứu xưa kia là ngôi làng chuyên làm trang phục cho vua chúa, quan lại trong triều đình, đến nay cuộc sống có nhiều đổi thay, chỉ còn một số nghệ nhân theo đuổi công việc này, trong đó có nghệ nhân Vũ Giỏi, năm nay 40 tuổi.

Anh Giỏi đến với công việc này như một cơ duyên. Năm 1993-1994, anh tham gia chương trình phục dựng trang phục triều đình, rồi hoàn tất công việc này trong 15 năm, với sản phẩm tâm đắc nhất là bộ long bào Đồng Khánh. “Trong suốt 15 năm, mình đã thêu được tất cả 30 bộ trang phục cho vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa… Giá mỗi bộ hàng chục triệu đồng. Hiện các sản phẩm thêu này đã được trưng bày ở một số nước trên thế giới; 14 bộ trang phục cung đình được trưng bày trong bảo tàng Huế”, anh Giỏi cho biết.

Ngoài việc thêu các trang phục cung đình, xưởng thêu của gia đình anh Giỏi còn nhận thêu thêm nhiều sản phẩm khác, như tranh, trang phục lễ hội, trang phục văn hóa… để có nguồn thu nhập ổn định.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm thêu bằng máy, sản phẩm thêu tay của làng nghề Đông Cứu vẫn tồn tại và phát triển. Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Hội thêu H.Thường Tín, ông Vũ Hải cho biết: Khoảng 5 năm trước, người dân trong nước chuộng hàng thêu máy trên các sản phẩm như chăn, ga, gối, còn hàng thêu tay chỉ phục vụ cho xuất khẩu, nhưng giờ tỷ lệ thêu phục vụ trong nước và xuất khẩu là 50 - 50. “Người tiêu dùng trong nước giờ cũng rất thích các sản phẩm thêu như tranh, áo dài, vì sự tinh tế cũng như sự khác biệt ở mỗi sản phẩm. Vì vậy, những người gắn bó với nghề thêu ở Đông Cứu phải tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, bảo đảm tinh xảo hơn, thẩm mỹ cao hơn để cạnh tranh”, ông Hải nói.

Kiều Chinh

>> Làng nghề Hải Phòng thiếu thương hiệu
>> Đỏ lửa làng nghề Mỹ Chánh, Kim Long
>> Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.