Phân cấp cho địa phương, không ban hành các quy định cứng nhắc

18/12/2006 22:39 GMT+7

Chiều qua 18.12, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời trực tuyến ý kiến của người dân tại tòa soạn báo điện tử Đảng Cộng sản VN. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của cá nhân ông, cũng như chủ trương của Bộ GD-ĐT về những vấn đề "nóng" của ngành.

Ngay trong buổi sáng, đã có 500 câu hỏi được chuyển tới báo điện tử Đảng Cộng sản VN. Câu hỏi đầu tiên, và cũng là câu hỏi được nhiều người dân quan tâm, là chuyện "Nói không với gian lận thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: "Tôi nhớ lãnh đạo Bộ đã thảo luận rất nhiều vấn đề này, trực tiếp xuống các cơ sở tại 3 tỉnh. Chúng tôi xác định, những tiêu cực trong thi cử là yếu tố cản trở, nếu không khắc phục nó sẽ không thể đổi mới giáo dục, làm xói mòn đạo đức trong giáo dục. Vì vậy Bộ đã chọn nhiệm vụ chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích là khâu đột phá trong năm học này".

Về đề án tăng học phí có khả năng tăng từ năm 2007, Bộ trưởng thổ lộ: "Khi tôi về Bộ đã thảo luận với các vụ về đề án này. Các thành phố thiếu cơ sở vật chất, Nhà nước thiếu kinh phí để đảm bảo mức lương cho giáo viên tốt hơn. Phụ huynh cũng có nhu cầu đóng tiền cho con em họ được học trong điều kiện tốt hơn, nhưng các trường không được thu vì cả nước phải theo một mức học phí như nhau. Khung học phí cũ chưa phù hợp với những địa phương có điều kiện kinh tế tốt. Nếu không tăng học phí các vùng khó khăn càng không có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất".

Bộ trưởng thông báo: sau 4-5 tháng nghiên cứu ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, Bộ đã xây dựng đề án học phí theo hướng: chỗ nào người dân thu nhập cao, Nhà nước không bù lỗ, nơi nào khó khăn Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn; Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra khung, mức học phí sẽ do UBND các tỉnh quyết định. Đối với một số trường chất lượng cao, UBND có thể cho phép thu học phí cao hơn.  Với bậc THCS, Bộ dự kiến, ở vùng khó khăn, miền núi, đề nghị Chính phủ không thu học phí để thực hiện phổ cập THCS. Đối với sinh viên ĐH không đủ khả năng đóng học phí, Bộ dự kiến sẽ hình thành hệ thống cho sinh viên vay, và phải trả trong thời gian nhất định. Ngoài ra, có học bổng cho sinh viên giỏi, sinh viên khó khăn vươn lên. Ngoài ra, Bộ chủ trương hình thành một chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp cho giáo dục. Bộ dự kiến sẽ tổ chức ký kết giữa các doanh nghiệp và các trường để tìm kiếm đầu ra cho sinh viên, và trong năm 2007, sẽ tổ chức hội nghị tuyên dương các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp trong toàn quốc.

Xung quanh các ý kiến chất vấn về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: trong các văn bản của Chính phủ và Bộ GD-ĐT chưa bao giờ cấm dạy thêm, học thêm một cách tuyệt đối, bởi nếu dạy thêm, học thêm tổ chức tốt, nó có những tác dụng tích cực. Trên thực tế, dạy thêm học thêm có nhu cầu khách quan. Căn cứ thực tiễn, Bộ đã làm hướng dẫn và đang tiến hành thảo luận. Trong vòng 3 tuần đã có 1.000 ý kiến góp ý về vấn đề này, thời gian tới sẽ công bố. Dự kiến, bậc tiểu học sẽ được dạy thêm học thêm nhưng không thu tiền, trừ trường hợp những nơi dạy hai buổi không được dạy thêm, học thêm. Các lớp học dạy thêm học thêm phải công khai, và được sự giám sát của các cơ quan giáo dục. Điều quan trọng, vấn đề dạy thêm học thêm sẽ do UBND các tỉnh quyết, chứ không phải Bộ ban hành cứng nhắc. Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Vừa rồi tôi đã trả lời chất vấn Quốc hội việc này. Các nước đều dạy thêm học thêm, nhưng vấn đề là dạy như thế nào để không thể biến việc dạy thêm thành một "món hàng" kinh doanh gây thiệt hại cho người học".

T.H (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.