Hố tử thần: Cần giám định kỹ về địa chất, nền móng

23/08/2012 04:00 GMT+7

Chậm trễ trong việc mời chuyên gia thẩm định độc lập sự cố sụt lún đường Lê Văn Lương kéo dài đang khiến dư luận băn khoăn, bởi công tác khắc phục sự cố có thể sẽ làm “mất dấu” để truy tìm ra nguyên nhân thực sự gây sụt lún.

Sáng 22.8, Tập đoàn Sông Đà và Nam Cường đã bắt đầu tiến hành công tác khắc phục sự cố sụt lún gây hố tử thần trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Tại hiện trường, các đơn vị thi công đã cho bao ngăn rào chắn xung quanh bằng mái tôn để đảm bảo công tác thi công. Máy xúc, máy cẩu cũng đã được huy động tiến hành đưa ống cống từ dưới hố lên, công tác nạo vét cũng được tiến hành để chuẩn bị cho việc san nền. Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Usilk City, Tập đoàn Sông Đà - cho biết trước hết phải tiến hành chặn hướng nước chuyển về hố móng, tiến hành cẩu cống hào bê tông phía dưới lên rồi sau đó mới tiến hành đào xúc đất bùn.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Ban Quản lý dự án giao thông 2, Sở GTVT Hà Nội, cho hay Sở đã yêu cầu các đơn vị phải khắc phục sơ bộ, đảm bảo tới 25.8 thông xe một phần. Ông này cũng cho biết, công tác khắc phục sẽ kéo dài, không chỉ san lấp hố móng mà phải hoàn trả nguyên trạng tuyến đường.

Theo PGS-TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng - việc sớm khắc phục sự cố để đảm bảo vấn đề giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ hiệu quả khi “chẩn” đúng bệnh, dựa trên những đánh giá, giám định kỹ lưỡng về địa chất, nền đất… “Cần tìm ra nguyên nhân gây sụt lún đường Lê Văn Lương, công bố như một bài học cho các công trình khác”, ông Chủng nói.

Ông Chủng lưu ý, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng với nền móng sâu dọc các tuyến đường, trong vùng đất yếu là vấn đề phải đặc biệt quan tâm. Riêng với khu vực Hà Nội, ảnh hưởng của vùng châu thổ sông Hồng được các nhà địa chất xác định có địa chất yếu điển hình với tầng bùn khá dày. Khi xây dựng các công trình có tải trọng lớn như nhà cao tầng buộc phải chọn giải pháp móng sâu với loại cọc khoan nhồi, chiều sâu trên 40 m. Ngoài ra, do các nhà cao tầng thường phải làm các tầng hầm có độ sâu nhất định, đòi hỏi có hệ tường vây bằng bê tông cốt thép hoặc bằng thép.

“Nhưng thực tế nhiều nhà thi công chưa quan tâm đến điều này, dẫn tới đã có nhiều sự cố như hố đào (hầm, móng tòa nhà) bị dịch chuyển, bị nghiêng, như cách đây vài năm sự cố bục tường vây tại hố móng của tòa nhà Pacific tại TP.HCM (khiến đất cát dưới áp lực nước ngầm đã theo vết thủng chảy sang, gây đổ sụp tòa nhà của Viện Khoa học xã hội TP.HCM - PV)”, ông Chủng cho biết.

Cũng theo ông Chủng, trên 60% công trình bị sự cố ở VN có nguyên nhân từ nền móng. Nguy cơ lớn nhất của các công trình nhà cao tầng có hố đào sâu dọc các con đường là sự không vững chắc của hệ thống tường vây có thể gây dịch chuyển hố đào. Sự dịch chuyển tường vây không chỉ ảnh hưởng tới chính tòa nhà cao tầng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền, móng của công trình liền kề. 

Mai Hà

>> Bắt đầu khắc phục “hố tử thần” khổng lồ trên đường Lê Văn Lương
>> Vụ “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương: Nguyên nhân do... mưa lớn
>> Nên khởi tố vụ án sụt lở đường Lê Văn Lương
>> Hố "tử thần" trên đường Lê Văn Lương vẫn tiếp tục sụt lún
>> Đường Lê Văn Lương gãy đôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.