Chuyện học sau mùa lũ

11/12/2007 11:03 GMT+7

(TNO) Trận lũ đi qua, tất cả học sinh nằm trong vùng rốn lũ đều đã đến trường. Nhưng những bộ bàn ghế bong toang hoác, nham nhở vẫn phải dồn thành từng đống. Nhiều nơi, tường rào, cổng ngõ đổ sập còn nguyên hiện trạng. Theo chương trình, các trường vừa kiểm tra giữa học kỳ 1 và hiện nay, tất cả đều đang nỗ lực tập trung cho đợt thi học kỳ đầu tiên.

Hậu lũ lụt: Dạy bù, học đuổi

Thông tin từ Phòng Giáo dục quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), tổng thiệt hại của ngành là 537 triệu đồng. Phường Hòa Xuân có 2.900 hộ dân đều bị ngập nước 100%, với mực nước cao từ 1,5 - 2,2 mét. Trường Tiểu học Trần Văn Dư  (phường Hòa Xuân)có 118 học sinh (HS) - do để sách vở lại trường - đã bị ngập nước hư hỏng hoàn toàn. Thiệt hại nặng nhất của thành phố trong đợt lũ này là huyện Hòa Vang. Ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hòa Vang cho biết: “Hơn 250 trường học các cấp đều bị ngập nước, gần 10.000 HS vùng lũ bị ướt hết sách vở. Những vùng trũng như Hòa Nhơn, Hòa Phong 3 đợt lũ gần đây đều bị ngập. Tổng thiệt hại toàn ngành hơn 1,1 tỷ đồng, nan giải nhất là bàn ghế giáo viên (GV) và HS gần như đã bị hỏng hết”.

Ông Hoàng Cầm, Trưởng phòng Giáo dục quận Cẩm Lệ lo âu: “Qua ba đợt lũ liên tiếp, chương trình đã bị trễ hơn 10 ngày. Chúng tôi tăng cường dạy bù nhưng mỗi tuần cũng chỉ dạy được một ngày. Mặc dù lãnh đạo ngành đã động viên từ thầy đến trò, nhưng vừa dạy bù vừa dạy chính khóa trong điều kiện có rất nhiều sách vở HS bị ướt, bị trôi, bàn ghế, trang thiết bị lại chưa thể sắm sửa trong “một sớm, một chiều”, nên chất lượng dạy và học chắc chắn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng”.

Cô ơi, đừng khóc nữa !

Lo nhất của thầy, cô trong vùng lũ là hậu lũ. Bùn non dính đầy từ lớp đến sân trường, ken dày, cao nếu không dọn rửa kịp thời, bùn non gặp nắng bốc mùi hôi, ngửi rất khó chịu. Cô Trần Thị Ánh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Dư nhớ lại: “Nước lớn quá nhanh, cả Hòa Xuân ngập chìm trong biển nước. Ngoài một bảo vệ ở lại trường, không GV nào có thể băng qua nguồn nước cao gần lút đầu để đến trường thu dọn đồ đạc. Ruột gan nóng như lửa đốt nhưng chúng tôi đành chịu bó gối trong nhà”.

Ngay khi nước vừa rút, 32 GV (28 GV nữ) của trường TH Trần Văn Dư đã tập trung đầy đủ tại trường. Cây cỏ, rác rến đóng thành dề tấp vào cổng trường, mọi người cùng kéo từng mảng rác mới mở được cổng trường. Khi vào lớp học, tất cả cô giáo đều bật khóc, bàn ghế bị nước ngập xô đẩy, va đập nhau bung toang hoác, sách vở HS la liệt, vương vãi đầy phòng nhăn nheo, dúm dó. Thứ hai, ngày chào cờ đầu tiên sau lũ, cô Hiệu trưởng Ánh Vân hỏi: “Có em nào đem theo vở để học không ?”. Nét mặt các em liền xịu xuống. Vì không muốn tạo áp lực học hành căng thẳng cho HS cấp 1, cách dạy của trường là để các em nắm ngay kiến thức trong giờ học và học bài ngay tại lớp, trường hợp cần thiết, các em mới mang sách Toán, Tiếng Việt về nhà.

Nhìn nét mặt của các em, xót xa, tự dằn vặt và vì thương HS quá đỗi, cô hiệu trưởng Ánh Vân đã không kiềm chế bật khóc trước 200 HS. Lúc đó, các em lại nhao lên, nói rất to: “Thưa cô, em đùa đấy! Ba mẹ em đã mua lại sách vở cho em rồi”. Có em nói như hét: “Chưa có tiền, ba mẹ em sẽ đi mượn tiền mua lại sách vở. Cô ơi, đừng khóc nữa !”. Khi lục tìm sách, vở có tên mình, các em lo âu nói với nhau: “Tên bị nhem nhuốc không đọc rõ được chữ như thế này, làm sao cô giáo biết là sách, vở của HS nào?”.


Sau lũ, các em HS trường TH Trần Văn Dư (Đà Nẵng) lại chơi đùa trong nắng


Qua lũ, trời vẫn mưa sụt sùi không dứt, các em cứ mân mê những sách vở đã bị ướt sũng đem hong, GV phải khuyên nhủ: “Không thể dùng sách vở đó để học lại được đâu! Bỏ đi rồi cô trò mình sẽ tính cách”. Khuyên HS nhưng rồi cả cô và trò đều khóc. Sau lũ, nhiều phụ huynh đã tìm đến trường nhờ nhà trường giúp đỡ khi không có đủ tiền mua lại áo quần, sách vở cho con. Người dân ở Hòa Xuân đã khó nay lại càng khó hơn.

Nhờ lực lượng bộ đội, đoàn viên, sinh viên từ các nơi trong thành phố đến giúp đỡ dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ, sau 5 ngày các trường trong vùng bị ngập lũ đã tương đối ổn định để học sinh tiếp tục đến trường. Chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng đã ủng hộ một phần nhỏ sách vở, cặp, bút...để các em yên tâm học hành. Thời tiết, địa lý, khí hậu đã khiến người miền Trung quen với lũ dập, bão vùi. Đặc thù của vùng đất đã làm nên tính cách chịu thương, chịu khó cả kinh nghiệm sống chung với lũ của con người  nơi đây, vì thế, dù khó khăn, vất vả, phải dạy bù, học đuổi nhưng tất cả sẽ cố gắng hoàn thành kịp chương trình. Thời tiết đã dần hửng nắng, cuộc sống mới sau lũ lại bắt đầu.

Bài, ảnh: Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.