“Chân trần, chí thép” - Kỳ 1: “Chào búp bê!” (*)

20/12/2009 16:50 GMT+7

LTS: Những ngày này ở Mỹ đang phát hành quyển sách Bare feet, iron will (tạm dịch “Chân trần, chí thép”) của tác giả James G. Zumwalt. Ông là một cựu binh Mỹ, tự thừa nhận mình “chứa nhiều định kiến hận thù” sau cuộc chiến. Quyển sách là sự tiếp cận trực diện với câu chuyện của những tướng tá, những người lính và dân thường thuộc “phía Việt cộng”... như một sự hóa giải với chính bản thân ông. Nó cũng chuyển tải thông điệp: bằng “ý chí thép”, người ta có thể làm được những việc to tát dù chỉ với “chân trần”. Được sự đồng ý của tác giả, Tuổi Trẻ xin lược dịch hai chương nói về quan điểm tình báo và lực lượng đặc công.

Cuối năm 1965, lực lượng của đại tá Sáng giao tranh với các đơn vị chiến đấu vào hàng xuất sắc nhất của quân đội Mỹ là sư đoàn dù 101 tại Plây Me. Sau cuộc giao tranh, quân của ông vội lùng sục chiến trường tìm tang vật có giá trị tình báo. Kết quả là họ thu được một con búp bê cao su kích cỡ bằng người thật, trông y hệt một phụ nữ!

“Tâm hồn” cuộc chiến

Nhìn thoáng qua, vật như vậy tưởng như không có giá trị về mặt tình báo, nhưng một sĩ quan tình báo Việt Nam lại nghĩ khác. Theo đánh giá của ông, sự xuất hiện của con búp bê cho thấy rõ tinh thần đội quân thiện chiến nhất của Mỹ này.

Theo đánh giá của người sĩ quan tình báo Việt Nam, sự có mặt của con búp bê cao su tại chiến trường chỉ ra rằng người lính Mỹ không có khả năng chịu đựng hi sinh giống như bộ đội Việt Nam. Đối với ông, con búp bê thể hiện điểm yếu - rằng người lính Mỹ không thể phục vụ một năm tại Việt Nam mà không có vợ hoặc bạn gái “giả” đem theo bên mình. Tinh thần người lính Mỹ hướng về ngôi nhà và gia đình họ hơn là cuộc chiến Việt Nam. Khi chiến tranh kéo dài, người Mỹ sẽ đánh mất ý chí chiến đấu.

Con búp bê cao su, chiếc bật lửa Zippo vẽ hình phụ nữ khỏa thân... cho thấy người Mỹ quan tâm đến những gì họ bỏ lại đằng sau chứ không phải cái ở trước mặt. Trong khi binh lính Mỹ chỉ nghĩ đến ngày rời khỏi Việt Nam, bộ đội Việt Nam lại nghĩ đến cách làm sao tống khứ họ khỏi đất nước mình.

Lần đầu tiên đại tá Sáng tin rằng người Mỹ có thể sẽ bị đánh bại!

Gặt lúa và tình báo

Phía sau người lính Mỹ này là gia đình, nước Mỹ... chứ không phải VN - Ảnh: Larry Burrows

Đội quân Việt cộng mà quân Mỹ lẫn Việt Nam cộng hòa (Sài Gòn cũ) ngán ngại nhất là lực lượng đặc công. Năm 1972, đại tá Tống Viết Đường chỉ huy trung đoàn đặc công 113 - gồm hơn 1.000 chiến sĩ - được huấn luyện đặc biệt về nghệ thuật chiến tranh không quy ước. Ông đã phái một toán quân cảm tử tấn công kho chứa vũ khí lớn nhất của Mỹ là căn cứ Long Bình gần Biên Hòa.

Căn cứ Long Bình chiếm một khu vực rộng đến 50km2. Nhiều loại vũ khí và bom đạn được tàng trữ tại đây, từ đạn dược cho súng ống nhỏ đến đại pháo và bom mìn đủ loại. Tuyến phòng thủ gồm đến chín hàng rào kẽm gai, cao 2m. Khoảng cách vòng rào ngoài cùng đến vòng rào thứ hai dài mấy trăm mét, rộng hơn các khoảng cách còn lại. Khu vực gồm nhiều đồi thấp và suối nhỏ. Các tháp canh được sắp đặt đều đặn từ 200-500m, được bố trí khéo léo để có thể bắn chéo kẻ xâm nhập.

Nhằm bảo đảm an ninh và quan sát, người Mỹ đã đặt cả một hệ thống đèn pha soi từng góc cạnh cả mặt trước lẫn mặt sau vành đai phòng thủ. Các hộp thiếc gắn trên dây kẽm gai sẽ báo động nếu có ai đụng vào. Mìn bẫy dày đặc trên khu đất nằm giữa hai vòng rào phòng thủ. Chúng thường được thay đổi vị trí để đánh lạc hướng kẻ xâm nhập.

Hỏa châu báo sáng cũng được đặt ở đây. Ai lỡ chạm phải là hỏa châu sẽ tung lên cao hàng trăm mét, tự động tháo dù và rơi xuống soi sáng cả một khu vực rộng lớn. Các hầm cất giữ vũ khí trong căn cứ Long Bình được sắp đặt phân tán nhằm tránh bị cháy nổ dây chuyền. Cách 5 phút xe tuần tra kiểm tra khu vực. Ngoài ra còn có bộ binh mang theo chó bảo vệ.

Nếu các bãi mìn làm an tâm phía bảo vệ bên trong thì ngược lại chúng vô tình làm lợi cho kẻ xâm nhập từ bên ngoài. Do mìn được chôn dày đặc khoảng giữa các vòng rào, người ta không cắt cỏ được. Cỏ cao làm thành nơi ẩn nấp lý tưởng cho người xâm nhập. Vụ tấn công căn cứ Long Bình chỉ được chọn sau hai năm hoàn tất thu thập thông tin.

Ông Đường so sánh việc sử dụng tình báo để thu lượm tin tức về một mục tiêu với việc thu hoạch lúa gạo: “Khi gặt lúa ta không thể ăn ngay một lần. Nếu làm vậy ta sẽ chết đói trong tương lai. Tình báo giống như lúa gạo, phải được thu hoạch và cất giữ, chỉ nên đem ra dùng khi cần thiết.

Chúng tôi thường xuyên đưa người xâm nhập lúc ban ngày vào căn cứ để lấy tin tức. Đôi khi chúng tôi có thể lén đưa cả nhân viên của mình vào. Có nhiều cách làm. Một người giả vờ vào gặp một người bạn hoặc bà con, thật sự là để quan sát và ghi nhận tin tức liên quan, ví như ước lượng các khoảng cách và vị trí các khu vực kho. Cũng có khi một sĩ quan Việt Nam cộng hòa làm việc cho chúng tôi đem theo một sĩ quan bộ đội tình báo.

Thường thì người của chúng tôi có thể đi theo các toán công nhân địa phương, như phu khuân vác hoặc tài xế trung thành với cách mạng. Những công nhân này thường tình nguyện cung cấp tin tức về những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ. Có khi vô tình mà cả những người trung thành với chính quyền Sài Gòn cũng cung cấp tin tức cho chúng tôi nữa”.

James G. Zumwalt cho biết mọi người đàn ông trong gia đình ông đều tham gia cuộc chiến VN: cha ông, đô đốc hải quân Elmo R. Zumwalt, người đã hạ lệnh rải chất độc da cam trên các dòng sông ĐBSCL; anh trai ông, một cựu sĩ quan hải quân bị ảnh hưởng chất độc da cam mất năm 1988; còn ông tham gia lực lượng hải quân và xuất ngũ với quân hàm trung tá.

Trong lời tự giới thiệu, James G. Zumwalt đã viết: “Vào cuối năm 1994, tôi bắt đầu đi về như con thoi giữa Mỹ và Việt Nam, đã phỏng vấn gần 200 người, gồm cả bộ đội lẫn các thành viên gia đình họ, nhằm tìm hiểu về những gian khổ và nỗi đau họ đã gánh chịu.

Các cuộc phỏng vấn được tiến hành với những người nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Đồng Sĩ Nguyên (chỉ huy đường mòn Hồ Chí Minh), tướng Trần Văn Trà (chỉ huy lực lượng Việt cộng), cũng như những người dân thường từng kinh qua gian khổ”.

Nguyễn Hữu Thái (lược dịch)/ Tuổi Trẻ

(*) Các tít nhỏ do TT đặt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.