Nghề… phơi nắng

31/01/2013 09:41 GMT+7

Gọi nghề trồng cỏ nhung là nghề phơi nắng vì người công nhân làm nghề này phải dãi nắng dầm mưa suốt ngày để trồng và thu hoạch cỏ.

Suốt ngày phơi nắng

Cỏ nhung thường dùng để trang trí sân vườn, biệt thự, làm sân golf… Nghề trồng cỏ nhung tuy mới xuất hiện khoảng chục năm nay ở TX.Sa Đéc (Đồng Tháp), nhưng phát triển khá nhanh. Theo Hội Nông dân xã Tân Khánh Đông, toàn xã hiện có khoảng 110 ha trồng hoa kiểng; trong đó diện tích trồng cỏ nhung chiếm trên 39 ha, tập trung nhiều nhất ở ấp Đông Quới và các ấp còn lại như: Đông Khánh, Khánh Nhơn, Khánh Hòa... Đi dài theo con lộ nhựa của xã Tân Khánh Đông, chúng tôi bắt gặp những thảm cỏ nhung mượt mà, nằm giữa các vườn hoa trăm màu ngàn sắc. Bên những thảm cỏ nhung ấy, không ít công nhân đang cần mẫn làm việc trong ánh nắng gay gắt.

Chị Hồ Hồng Hoa (20 tuổi), một công nhân trồng cỏ nhung đã 2 năm nay, cho biết do nhà nghèo, cha mẹ đông con lại không có đất sản xuất nên chị em phải tự kiếm sống. Đa số đều đi làm cho những chủ trồng cỏ nhung và trồng hoa. Theo chị Hoa, để trồng cỏ nhung, việc đầu tiên là chọn nơi có nhiều ánh nắng. Sau khi thổi cát bùn lên lớp đất thịt, bắt đầu chia đất thành từng mảnh, có rãnh thoát nước tốt. Cần chú ý là lớp đất phải “liền mặt”, nghĩa là không được lồi lõm, cong vênh. Sau đó mới rải lớp tro trấu lên bề mặt. Công việc tiếp theo là trồng cỏ nhung. Người công nhân sẽ bứng cỏ giống, xé thành từng nhúm nhỏ và đặt nhẹ lên mặt đất. Cỏ trồng xong, một công nhân cặp thúng tro trấu, rải đầy lên mặt. Mấy ngày sau sẽ rải phân lạnh, bón phân tiêu trộn phân lạnh, rồi xịt thuốc trừ sâu.

Chị Ngô Thị Hạnh (36 tuổi) đang ngồi xổm, cặm cụi tách từng bụi cỏ nhung được trồng trên thửa đất phủ đầy tro trấu, cho biết việc trồng cỏ nhung tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người trồng phải có “tay nghề” và kỹ thuật. Cỏ nhung thu hoạch tốt hay không là nhờ ở khâu chăm sóc. Cực nhất là phải tưới nước vào mùa nắng, cỏ non 3 lần/ngày, cỏ già 2 lần/ngày. Vào mùa mưa cỏ lại “kỵ” nước, dễ chết vì bị úng rễ. “Chỉ trong vòng 25 ngày, cỏ nhung đã mọc thành thảm dày. Thời gian trồng và thu hoạch hiện nay đã được rút ngắn do biết cách áp dụng kỹ thuật và dựa vào kinh nghiệm. Nhớ hồi mới bắt đầu trồng, phải mất tới 2 - 3 tháng mới thu hoạch được cỏ nhung”, chị Hạnh cho biết thêm.

Nghề… phơi nắng
Công nhân đang trồng cỏ nhung

Lãi gấp 5 - 6 lần làm ruộng

Bà Trần Thị Tốt (55 tuổi) tâm sự: “Nghề này vẫn “hạp” với tuổi già của tui. Nếu chịu khó phơi nắng một chút vẫn có thể kiếm được tiền”. Một ngày làm việc của công nhân ở đây kéo dài 8 tiếng. Buổi trưa được nghỉ, ai nhà gần về ăn cơm, nhà xa thì đem cơm theo. Một ngày công phụ nữ là 70.000 đồng, nếu trồng được 20 m2 cỏ. Đàn ông giá cao hơn, khoảng 80.000 đồng vì họ đảm trách nhiều công việc nặng nhọc, như: rải phân, chuyển cỏ lên xe tải… Khi cỏ “thành phẩm”, công nhân căng dây rồi dùng dao rạch. Mỗi thảm cỏ có bề ngang 0,5 m, bề dài 1 m, cuộn lại như thảm len, được cột chặt bằng bao xanh. Công việc này thường đàn ông mới làm nổi. Tuy nhiên, một số phụ nữ khỏe mạnh vẫn có thể đảm nhiệm. Tùy theo đoạn đường xa hay gần mà giá bứng và chuyển cỏ dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/m2. Việc làm này cho thu nhập khá hơn so với việc làm khoán tiền công theo ngày.

Cỏ nhung có thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, trung bình có thể trồng từ 6 - 8 đợt/năm. Theo đánh giá của nhiều người, trồng cỏ nhung thu lãi cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cây trái, gấp 5 - 6 lần so với làm ruộng. Có hộ thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm. Hiện nay, cỏ nhung không chỉ bán trong nước mà còn được thương lái xuất sang các quốc gia lân cận như Lào và nhiều nhất là Thái Lan. Ngoài việc đem lại ngoại tệ, trồng cỏ nhung còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho những người không đất đai, nghề nghiệp. “Chủ có cơm thì mình có cháo. Được một điều là tụi tui có việc làm quanh năm, không hề lo thất nghiệp”, chị Hạnh vui vẻ nói.

Cúc Tần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.